Với diễn viên, vẻ đẹp ngoại hình là cần thiết, nhưng chính tài năng diễn xuất, hóa thân vào nhân vật để truyền cảm xúc đến người xem mới là yếu tố quan trọng nhất. Để làm được điều này, diễn viên phải lao động nghệ thuật, đổ mồ hôi, dồn tâm huyết cho vai diễn. Bởi nếu chỉ có ngoại hình đẹp mà diễn xuất thiếu thuyết phục thì diễn viên cũng chỉ như những “bình hoa di động” trên màn ảnh mà thôi. Tiếc là trên màn ảnh và truyền hình Việt
NSND Trà Giang và diễn viên - ca sĩ Ngô Thanh Vân
TỎA SÁNG MÀ KHÔNG CẦN VẺ MỸ MIỀU
Hơn nửa thế kỷ tồn tại và phát triển, điện ảnh cách mạng Việt
Hồi còn học ở lớp diễn viên điện ảnh khóa 1, NSND Trà Giang thuộc diện nhan sắc trung bình. Nhưng rồi sau khi tốt nghiệp, nghệ sĩ Trà Giang với khuôn mặt biểu cảm và năng khiếu diễn xuất thiên bẩm cùng tinh thần lao động nghiêm túc cho từng vai diễn, đã trở thành gương mặt điện ảnh tiêu biểu, là diễn viên Việt Nam đầu tiên đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Matxcơva năm 1973.
Trường hợp của nữ diễn viên Như Quỳnh thì khác một chút. Vốn là một diễn viên cải lương chuyển sang đóng phim, nhan sắc cũng không thuộc diện quá mặn mà, song cặp mắt một mí đặc biệt của Như Quỳnh giúp chị thu hút sự chú ý từ vai diễn đầu tiên, cô Nết trong bộ phim Đến hẹn lại lên. Giờ đây, mặc dù đã qua thời xuân sắc nhưng NSƯT Như Quỳnh vẫn được nhiều đạo diễn trong và ngoài nước mời vào phim của họ.
Tại LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 45 tổ chức ở Hà Nội, có một sự kiện đáng nhớ khi nữ diễn viên Mai Hoa đã vượt qua mỹ nhân của màn bạc Hồng Kông Trương Mạn Ngọc để đăng quang giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với vai diễn trong bộ phim Đời cát. Xuất thân từ một diễn viên kịch nói, số lần tham gia đóng phim chỉ đếm trên đầu ngón tay, song dung mạo khắc khổ của Mai Hoa lại vô cùng thích hợp giúp chị lột tả tâm trạng và nỗi đau tột cùng của một người vợ phải gánh chịu bi kịch gia đình thời hậu chiến…
Các nữ diễn viên thành đạt mỗi khi có dịp tâm sự về nghề đều khẳng định rằng: Chỉ khi dành toàn tâm, thậm chí chấp nhận hy sinh, họ mới có những vai diễn khiến khán giả nhớ mãi. Như trường hợp của nữ diễn viên Ngọc Hiệp. Chị đã không ngại ngần cắt phăng mái tóc dài óng mượt của mình để hóa thân vào vai diễn trong bộ phim Giữa dòng. Mai Hoa thì nhập tâm vào số phận nhân vật trong phim Đời cát đến nỗi phim quay xong một thời gian mà Mai Hoa vẫn chưa hoàn toàn trở lại với con người thật của mình. Còn Hồ Phương Dung, trước khi vào vai Tuyết trong bộ phim Thời xa vắng, chị đã tìm về quê của nhà văn Lê Lựu, sống ở đó cả tháng trời để… học cách giã gạo, cấy lúa, mò cua bắt ốc… và đã nhập vai một cách trọn vẹn, cảm động. Nụ cười mếu máo của nhân vật Tuyết ở đoạn cuối của phim, khi lần đầu tiên được đứng bên chồng con chụp ảnh, đã gieo vào lòng người xem những day dứt khó quên.
KHÓ TÌM “GƯƠNG MẶT ĐIỆN ẢNH” THẬT SỰ?
Hiện nay, dường như các đạo diễn điện ảnh và truyền hình đang quá ưu ái cho những diễn viên “tay ngang”. Họ đua nhau chiêu mộ những ca sĩ, người mẫu, hoa hậu… đóng vai chính trong phim. Không phủ nhận, yếu tố nổi trội của các diễn viên không chuyên này là khuôn mặt đẹp, dáng người chuẩn. Tuy nhiên, vì đa số họ chưa qua một trường lớp đào tạo nào về diễn xuất nên họ vào vai cứ nhàn nhạt, hời hợt, nặng về phô trương sắc vóc, khiến khán giả xem xong phim mà hầu như chẳng đọng lại một ấn tượng gì đặc biệt.
NSND Trà Giang đã có lần tâm sự: Thời của tôi, để làm một bộ phim phải trải qua biết bao nhiêu sự chuẩn bị, lo lắng, đầu tư cho vai diễn. Diễn viên sau khi nhận kịch bản phim là phải đi thực tế, trèo đèo, lội suối, ở nhà sàn cùng với đồng bào dân tộc thiểu số, hoặc vào tuyến lửa để thu thập vốn sống, phục vụ cho vai diễn. Còn bây giờ, không ít diễn viên trẻ không còn thời gian suy nghĩ để nhập vai. Thời buổi kinh tế thị trường, làm sao những diễn viên trẻ có thể bỏ ra cả mấy tháng trời để đi thực tế, đắm mình vào thực tại của cuộc sống. Bên cạnh đó, để sớm làm xong phim, nhiều đạo diễn cũng chẳng khắt khe với diễn viên.
Nhiều người cho rằng, diễn viên hiện nay ít chịu hy sinh cho nghệ thuật. Lắm cô đóng vai thôn nữ chân lấm tay bùn mà chân tay cứ trắng nõn nà, đạo diễn có chỉ đạo gánh lúa thì kỳ kèo làm sao cho đạo cụ càng nhẹ thì càng vui (!). Cũng có trường hợp nam diễn viên vào vai một chiến sĩ hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống Pháp mà cứ khư khư giữ kiểu tóc giống như tài tử Hàn Quốc, chứ nhất định không chịu cắt tóc kiểu của thập niên 50. Người ta cứ đổ lỗi cho kinh phí sản xuất eo hẹp, thời gian làm phim gấp gáp…, nhưng chung quy chính là sự dễ dãi, cẩu thả khi làm phim. Cũng chính vì dễ dãi mà diễn viên không dành nhiều thời gian nghiên cứu kịch bản cho “thấm”, để có thể “sống” cùng nhân vật. Chẳng trách họ diễn xuất còn nông cạn, hời hợt.
TRẦN NGUYỄN