Thứ Ba, 01/10/2024 14:17 CH
Thiếu tướng Hữu Ước - Nghệ sĩ đa tài
Thứ Bảy, 22/11/2008 14:22 CH

Nhiều nhà văn nói Hữu Ước là “nhà trong nhiều nhà”, bởi ở các lĩnh vực báo chí, thơ, văn, nhạc, họa, vị tướng này đều thành công. Ông hiện là Tổng biên tập Báo Công an nhân dân. Trong thời buổi cạnh tranh thông tin gay gắt như hiện nay, các ấn phẩm của Báo Công an nhân dân như chuyên đề An ninh thế giới, Văn nghệ công an vẫn là những ấn phẩm có số lượng phát hành lớn.

 

huu-uoc-081122.jpg

Nhà văn - thiếu tướng Hữu Ước

 

Nhà văn - thiếu tướng Nguyễn Hữu Ước sinh ngày 20/5/1953, tại xã Tiên Tiến, huyện Phù Tiên, tỉnh Hưng Yên. Với ông, báo là nghề và văn là nghiệp. Theo Hữu Ước, đã là nhà văn thì dù làm gì chăng nữa, giữ cương vị gì chăng nữa, một năm cũng phải viết được một cái gì đó, nếu không viết được thì buồn lắm. Ông viết ở những thời điểm cảm thấy rằng “bắt được” cảm hứng, nếu không cảm hứng sẽ vuột đi và chẳng thể nào lấy lại được nữa. Một người vừa viết văn vừa làm báo như Hữu Ước như một diễn viên, biết nhập vai và diễn đúng với vai của mình.

 

Nhìn vào vị trí của Hữu Ước bây giờ, nhiều người không thể tưởng tượng được rằng ngày trước, nhà văn từng rất vất vả. Ông bị nạn, mất quyền công dân ba năm. Thoát khỏi hoạn nạn rồi, ông vẫn trắng tay. Quá nghèo, nghèo đến mức không có cái gì có thể bán được. Nhìn vợ con nheo nhóc, Hữu Ước nghĩ phải tìm cái ăn, phải làm giàu. Khi kinh tế gia đình thong thả, ông bắt đầu viết văn, viết kịch. Hữu Ước tâm sự: “Tôi vào con đường văn chương, báo chí giống như số phận. Bởi tôi rất thích con đường binh nghiệp, nếu bây giờ được chọn lựa lại thì tôi sẽ đi theo con đường binh nghiệp. Tôi rất thích những năm tháng làm người lính, mặc dù đó là những năm tháng chiến tranh hết sức gian khổ nhưng điều lớn nhất là được tôi luyện trong thử thách. Nếu không trải qua những năm tháng đó, chắc chắn tôi sẽ không được như ngày hôm nay và không có ý chí như ngày hôm nay”.

 

Thực ra, ngay từ bé Hữu Ước rất thích văn chương. Thời đó ông đã đọc những tiểu thuyết viết về chiến tranh. Ở chiến trường, ông được gọi là nhà văn. Ông viết kịch và dựng cho đơn vị những tiểu phẩm về người lính biên phòng đi đánh biệt kích. Khi Báo Công an vũ trang tổ chức cuộc thi truyện ngắn, ông gửi từ chiến trường Lào một lúc 15, 16 truyện ngắn mà không được đăng cái nào. Rồi ông nhận được một bức điện gọi về dự lễ trao giải cuộc thi. Hữu Ước lúc đó là tiểu đội trưởng. Ông tưởng mình được giải.

 

Cả tiểu đội xin phép cấp trên đưa ông ra, sợ đi một mình nguy hiểm. Cả tiểu đội đi bảy ngày mới ra được biên giới Rừng Xém Con Cuông của Nghệ An. Về đến Hà Nội dự lễ trao giải thì Hữu Ước nhận được một blốc lịch của họa sĩ Quang Thân to bằng… cái tivi. Một blốc lịch vẽ hình anh bộ đội biên phòng cưỡi ngựa cầm súng. Đó là tặng thưởng dành cho tác giả có nhiều truyện ngắn dự thi nhất. Hữu Ước cột blốc lịch đó trên ba lô và quay về biên giới. Đồng đội của ông lại đi đúng một tuần để đón. Sau đó, Hữu Ước xoay ra viết báo. Ông gửi một cái tin độ 100 chữ viết về buổi kết nạp đảng viên ở chiến trường, được báo Quân đội đăng, Đài Tiếng nói Việt Nam đọc lại. Ông kể: “Tôi đã khóc hạnh phúc vì một mẩu tin”.

 

Thiếu tướng - nhà văn Hữu Ước là người năng động, sáng tạo, tâm huyết với công việc và hết mình với nghệ thuật. Cuộc sống vốn khắc nghiệt, đầy rẫy những khó khăn. Hữu Ước đã vượt qua tất cả để thành đạt.

 

Nghe các ca khúc của Hữu Ước, tôi rất thích. Một Mẹ tôi chậm rãi như lời tâm sự, một Tiếng đêm mênh mang cồn cào như sóng vỗ, một Lời hò hẹn cuối cùng thiết tha pha lẫn nuối tiếc... Ca khúc của ông sâu lắng, lời ca đẹp. Đó là vẻ đẹp chắt ra từ nước mắt. Còn các bức tranh của ông có tên như những bài thơ: Thân cò, Cây đời, Sự tĩnh lặng của núi, Sự mất ngủ của lửa, Thuyền và biển... Những bức tranh của ông, thậm chí còn buồn hơn thơ ông. Những nỗi buồn tĩnh lặng, có hình khối, có thể sờ nắn được. Ở đó có khao khát, ước vọng nghệ thuật không bao giờ vơi cạn.

 

Nhà văn Hữu Ước khẳng định, những thành công của ông có đến 70% là công lao, sự hy sinh của vợ ông - một nông dân hết sức thuần khiết, tốt bụng và cũng rất thông minh. Bà sống rất mộc mạc và rất đơn giản, không có nhu cầu gì ngoài chồng con. Bà hiểu tài năng của chồng và tin tưởng rằng, khi qua khỏi hoạn nạn, chồng sẽ tỏa sáng.

 

Ca khúc Chúng tôi là nghệ sĩ của nhà văn - thiếu thướng Hữu Ước có đoạn: “Chúng tôi người nghệ sĩ giữa sân khấu cuộc đời/ Vinh quang và cay đắng cứ đè nặng hai vai/ Ai bảo dại là dại, ai bảo khôn là khôn/ Nhưng nào có sá gì, khôn và dại như nhau/ Vì chúng tôi là nghệ sĩ/ Nghệ sĩ của nhân dân...”. Ông có ý thức đang hướng đến mình là nghệ sĩ của nhân dân.

NGUYỄN VĂN HỌC

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đậm đà bún bò Huế
Thứ Năm, 20/11/2008 07:28 SA
Chân dung một vị lãnh đạo gần dân
Thứ Tư, 19/11/2008 14:34 CH
Yêu lắm tiếng Việt nước mình
Thứ Tư, 19/11/2008 07:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek