Thứ Bảy, 23/11/2024 21:21 CH
Thánh Quát với Phú Yên
Thứ Sáu, 09/02/2024 08:00 SA

Ngày xưa, Thi Thánh Ðỗ Phủ bên Tàu được nhà thơ Phùng Quán đúc kết: “Thơ viết chừng vạn trang/ Chín ngàn trang thất lạc/ Người đời sau thu nhặt/ Còn được hơn nghìn bài…”. Còn Thi Thánh Việt Nam - Chu Thần Cao Bá Quát (1809-1855) sau khi lãnh án tru di tam tộc do khởi nghĩa chống lại triều đình, bị triều đình thu hồi tiêu hủy khá nhiều nhưng vẫn lưu lại cho hậu thế 1.353 bài thơ, 21 bài văn xuôi, một số bài ca trù và khá nhiều câu đối. Rất nhiều giai thoại người đời ca ngợi một tài thơ trác tuyệt sinh bất phùng thời, đọng lại niềm thương cảm lay động lòng người.

 

Chu Thần Cao Bá Quát (1809-1855)

 

Mỗi độ xuân về, hậu thế thường nhắc đến hai câu đối của ông tóm tắt đầy đủ hoài bão và phẩm chất một danh sĩ tài hoa:

 

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

(Mười năm giao du tìm thanh kiếm báu

Một đời chỉ cúi trước hoa mai)

 

Vị danh sĩ nức tiếng văn hay chữ tốt “Ðộc phá vạn trung thư, hành quá vạn lý lộ” (Ðọc nát vạn cuốn sách, đi nát vạn dặm đường) lận đận đường công danh, học tài thi phận, luôn phẫn chí vì sự gièm pha đố kỵ của các mệnh quan “ngụy quân tử” đương thời.

 

Ông từng bị tù đày, bị đuổi về quê, đường quan lộ chỉ là “Hành tẩu bộ Lễ” (chuyên viên lon ton ở bộ Lễ) và cuối đời là giáo thụ Quốc Oai (huyện ngoại thành phía tây Hà Nội - phụ trách việc học, tương đương trưởng phòng giáo dục huyện).

 

Một đời bất đắc chí, Thánh thơ Cao Bá Quát giao lưu với danh sĩ nhiều nơi và đi qua vùng đất nào cũng “nhả ngọc phun châu” để bày tỏ tấm lòng với giang sơn cẩm tú.

 

Xứ Huế cố đô tự hào quê hương qua một câu thơ của ông trong bài “Hiểu quá Hương Giang” (Buổi sáng qua sông Hương)

 

Trường Giang như kiếm lập thanh thiên

(Dòng sông dài như lưỡi gươm dựng giữa trời xanh)

 

Các danh sĩ “Núi Ấn sông Trà” (Quảng Ngãi) thì say đắm bài thơ “Trà giang thu nguyệt ca” (Khúc hát trăng thu trên sông Trà) khi Cao Bá Quát ngao du đến xứ này để tặng người bạn thân Bảo Xuyên trong một đêm say bồng bềnh chếnh choáng trên sông Trà Khúc:

 

Trà giang nguyệt

Kim dạ vị thùy thanh?

Quan san vạn lý hạo nhất sắc

Hà xứ bất hệ ly viên tình

(Trăng sông Trà

Ðêm nay trăng sáng vì ai vậy?

Muôn dặm non sông bao trùm một màu

Hỏi đâu chẳng vướng tình ly biệt…)

 

Núi Cù Mông, nơi Cao Bá Quát tức cảnh và làm bài thơ Vọng Cù Mông sơn. Ảnh: TL

 

Nâng chén rượu ân tình cùng trăng thu Trà Khúc, Thánh thơ Cao Bá Quát bồi hồi nhớ đến một người bạn cố tri và có bài thơ “Ký cố nhân Tuy Hòa tri huyện Ðỗ Tự Phủ” (Gởi bạn cũ tri huyện Tuy Hòa Ðỗ Tự Phủ):

 

Tương tư na đắc nhật tương văn,

Ðộc dạ tài thư tửu chính huân.

Thiên khách phong lưu quân thức phủ,

Trà giang xuân thủy Ấn sơn vân.1

(Nhớ nhau ngày gặp hẳn còn xa

Ðọc sách say mèm chỉ một ta

Ðày ải phong lưu anh có biết

Xuân mây núi Ấn, nước sông Trà)

(Ðỗ Quang Liêm dịch)

 

Máu giang hồ lãng tử bừng lên đưa Thánh thơ Cao Bá Quát về xứ núi Nhạn sông Ðà thăm người bạn cố tri Ðỗ Tự Phủ, sáng trèo lên núi Ðá Bia, chiều tắm sông Bàn Thạch, thấm sâu câu ca dao Phú Yên “Sông Bàn Thạch quanh co uốn khúc/ Núi Ðá Bia cao vút tầng mây/ Sông kia núi nọ còn đây/ Mà người non nước ngày nay phương nào” và hạ bút cảm thán khí thiêng sông núi Phú Yên “Dục Bàn Thạch kính” (Tắm ở sông Bàn Thạch)

 

Triêu đăng Hoành Sơn lập

Mộ há Bàn Thạch dục

Huê thủ lưỡng phiến thạch

Giang sơn bất doanh cúc2

 

(Sớm lên đứng trên núi Ngang - nhánh Trường Sơn đâm ngang ra biển, chiều xuống tắmkhe sông Bàn Thạch, cầm trong hai nơi hai mảnh đá, cả non sông không đầy một vốc tay).

 

Sau này, khi được triều đình cử tháp tùng trong đoàn đi sứ nước Nam Dương (Indonesia), qua khỏi hải phận Bình Ðịnh, Thi Thánh Cao Bá Quát có bài thơ “Vọng Cù Mông Sơn” (Ngắm núi Cù Mông) tưởng nhớ công lao tiền nhân mở đất Phú Yên mở đầu sự nghiệp khai phá xứ Ðàng Trong của các chúa Nguyễn và bồi hồi chạnh nhớ chiến trường xưa trong cuộc tương tranh khốc liệt giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn Ánh.

 

Nam phong xuy dạ táo đào thanh

Ký đắc Cù Mông lĩnh ngoại hành

Hiểu vọng quần sơn hoành nhất đái

Úc phong khúc xứ cựu ao binh.

 

Cảm nhận sâu sắc bài thơ này, nhà thơ cách mạng Tố Hữu đã dịch rất hay:

 

Ðêm nổi gió nồm sóng dội vang

Ngoài Cù Mông đó khách qua đường

Sáng trông núi đứng giăng thành lũy

Khúc khuỷu non cao dấu chiến trường3

 

Ngày xuân, đọc lại bài thơ của Thánh Quát về đất Phú Yên để cúi đầu tưởng nhớ một nhà thơ rất mực tài hoa và tự hào quê nhà Phú Yên có ba bài thơ trong sự nghiệp văn chương đồ sộ của Chu Thần Cao Bá Quát.

 

BA ÐÀ RẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tết về trong gian bếp
Thứ Tư, 07/02/2024 16:00 CH
Vương mùi bánh thuẫn
Thứ Tư, 07/02/2024 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek