Thứ Ba, 03/12/2024 11:43 SA
Bắc Ninh: Nghỉ ngơi chơi tết viếng chùa
Chủ Nhật, 11/02/2024 10:00 SA

Chúng tôi chọn Bắc Ninh làm điểm đến cho chuyến đi đầu năm bởi sự thôi thúc được hít thở hơi xuân của đất trời Kinh Bắc vốn rất khác biệt, đọng trong ký ức hàng chục năm qua, không chỉ là sự tò mò về miền quan họ với hội Lim nức tiếng và những ngôi chùa nghìn năm tuổi lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia...

 

Du khách được nghe câu quan họ bên tòa bảo tháp chùa Phật Tích. Ảnh: KHÁNH UYÊN

 

1. Nhắc đến những ngôi chùa cổ ở Bắc Ninh, hoặc trên cả nước, thì chùa Dâu xếp đầu danh sách. Chùa tọa lạc ở xã Thanh Phương, huyện Thuận Thành, là đô thành Luy Lâu thời Giao Chỉ xưa. Sách Thiền uyển tập anh có ghi “Ở Luy Lâu có 20 bảo sái, độ được hơn 500 vị sư tăng, dịch được 50 bộ kinh Phật, Luy Lâu trở thành đất Phật sớm nhất ở nước ta”.

 

Chùa Dâu được xây dựng từ thế kỷ thứ II. Ðây cũng là nơi phát tích dòng thiền Tỳ Ni Ða Lưu Chi ở nước ta, về sau được Phật Hoàng Trần Nhân Tông “tam tông quy nhất” cùng với các dòng thiền Vô Ngôn Thông và Thảo Ðường thành Trúc Lâm Yên Tử - thiền phái của Việt Nam.

 

Hội xuân trong khuôn viên chùa Dâu không thể thiếu ông đồ cho chữ. Ảnh: KHÁNH UYÊN

 

Qua gần 2.000 năm lịch sử, chùa Dâu vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc, điêu khắc của nhiều thời kỳ. Ðặc biệt là sự giao thoa và bản địa hóa giữa văn hóa Phật giáo Ấn Ðộ với tín ngưỡng dân gian, thể hiện rõ nét qua câu chuyện về vị cao tăng Ấn Ðộ Khâu Ðà La (Kaudinya), Phật Mẫu Man Nương, Thạch Quang Vương Phật và Tứ Pháp.

 

Về chùa Dâu, ấn tượng đầu tiên là tòa tháp Hòa Phong 3 tầng uy nghi sừng sững giữa sân chùa. Tài liệu nghiên cứu cho rằng tòa tháp có từ thời Lê Trung Hưng này là nơi tế lễ, cầu mưa thuận gió hòa. Tháp có 4 mặt, mỗi mặt đều có cửa cuốn vòm theo từng tầng, trên đỉnh tháp có một bầu nước, trong tháp thờ 4 vị Thiên Vương cai quản 4 phương trời.

 

Bảo vật quốc gia - tượng Phật Pháp Vân, tức bà Dâu, được thờ trong Thượng điện cùng người em trong truyền thuyết là Thạch Quang Vương Phật... Dân Kinh Bắc vẫn còn truyền nhau “Dù ai đi đâu về đâu/ Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu”. Câu ca dao như lời khẳng định lần nữa giá trị văn hóa lịch sử của chùa Dâu trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt, đặc biệt là xứ Kinh Bắc.

 

Những gian điện thờ với kết cấu gỗ chịu lực trên nền đá và mái đao cong vút vẫn vững chãi qua hàng trăm năm ở chùa Bút Tháp. Ảnh: KHÁNH UYÊN

 

2. Chùa Phật Tích thuộc huyện Tiên Du cũng là chứng nhân lịch sử của trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Nhiều thông tin khác nhau về năm khởi xây chùa nhưng mốc thời gian gần nhất là năm 1057 dưới triều vua Lý Thánh Tông, chùa được xem là đại danh lam lúc bấy giờ. Tọa lạc uy nghi, trầm mặc trên sườn núi, chính địa thế này tạo nên nét độc đáo của quần thể kiến trúc ngôi chùa. Lối vào phải qua bậc thang đá nghìn năm tuổi, lướt ngang hàng tượng linh thú trấn giữa hai bên cổng tam quan. Theo văn bia Vạn Phúc đại thiền tự bi về lịch sử chùa Phật Tích, những pho tượng linh thú này được tạc cùng thời điểm xây chùa và nay đã trở thành bảo vật quốc gia.

 

 

Chùa Phật Tích còn lưu giữ tuyệt tác điêu khắc bảo vật quốc gia khác, đó là tượng Phật A Di Ðà thờ ở gian chính điện. Tượng có niên đại từ thế kỷ XI, cả thân tượng và bệ ngồi cao gần 2,7m tạc từ một khối đá. Ðường nét chạm khắc thanh thuần, mềm mại của pho tượng thể hiện tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý. Bức tượng này được công nhận là bức tượng Phật A Di Ðà đẹp nhất Việt Nam hiện nay.

 

Chính điện nhìn lên núi có thể thấy công trình kỳ vĩ đưa danh tiếng chùa Phật Tích lan ra khắp khu vực. Ðó là đại Phật tượng Phật A Di Ðà bằng đá lớn nhất Ðông Nam Á với chiều cao 27m, nặng 3.000 tấn. Ðại Phật tượng an vị trên đỉnh núi, nhìn về tòa tháp Phổ Quang.

 

Những tượng linh thú bằng đá - bảo vật quốc gia ở chùa Phật Tích. Sư tử là sức mạnh bảo hộ Phật pháp, còn voi là biểu tượng thể chất, tâm thức và trách nhiệm. Ảnh: KHÁNH UYÊN

 

Và từ đây, lối dẫn về khu vực trung tâm chùa phải đi ngang qua vườn tháp cổ kính lẫn trong tán lá um tùm, là nơi gìn giữ xá lị của các nhà sư đắc đạo. Sử sách còn ghi, chùa Phật Tích được vua Lý Thánh Tông đề tự khắc bia và là nơi các triều vua Lý, Trần tổ chức nhiều hoạt động xã hội, như lập thư viện sách, thi Thái học sinh, lập trại sáng tác và mở yến hội...

 

3. Ngôi chùa giữ nhiều bảo vật quốc gia nhất ở Bắc Ninh là chùa Bút Tháp với 4 nhóm bảo vật, tọa lạc tại huyện Thuận Thành, cách không xa chùa Dâu. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XIV, qua nhiều lần trùng tu nhưng được giới chuyên gia đánh giá là ngôi cổ tự còn lại hoàn chỉnh nhất ở Việt Nam.

 

Bộ tượng Tam thế, bảo vật quốc gia được lưu giữ tại chùa Bút Tháp. Ảnh: KHÁNH UYÊN

 

Quần thể kiến trúc chùa Bút Tháp khác nhiều so với chùa Dâu và chùa Phật Tích, về độ quy mô có thể nói là bậc nhất trong các chùa cổ Việt Nam. Từ cổng tam quan, du khách theo lối đi lót gạch dẫn vào chùa sẽ gặp gác chuông hai tầng, theo trục dài tiếp nối là 7 gian điện thờ với kết cấu gỗ, gạch, đá và mái đao uốn cong. Trong đó, hai tòa Thượng điện và Thích Thiện am được nối nhau bằng chiếc cầu đá cong vút, chạm khắc tinh xảo như nâng bước chân người vào chốn phật môn thanh tĩnh...

 

Bốn nhóm bảo vật quốc gia được lưu giữ tại chùa gồm tượng Phật Quan âm nghìn mắt nghìn tay, bộ tượng Tam thế, tòa cửu phẩm liên hoa và hương án, đều là những kiệt tác nghệ thuật điêu khắc gỗ, có niên đại từ thế kỷ XVII và được bảo tồn khá tốt.

 

Du khách bước qua những bậc đá nghìn năm tuổi để vào chùa Phật Tích. Ảnh: KHÁNH UYÊN

 

Tượng Phật Quan âm nghìn mắt nghìn tay và bộ tượng Tam thế được đặt tại Thượng điện. Ba vị Phật Quá khứ thế, Hiện tại thế và Vị lai thế ngự trên tòa sen sơn son thiếp vàng tọa sâu trên ban thờ. Gian bên phải thờ tượng Phật Quan âm nghìn mắt nghìn tay được bài trí dễ quan sát hơn giữa đám đông tấp nập người hành lễ.

 

Pho tượng này được cho là độc nhất vô nhị ở Việt Nam, có 11 đầu với cùng gương mặt, 42 cánh tay lớn ở phía trước và vô số bàn tay nhỏ mang 1 con mắt được thiết kế như vầng hào quang tỏa đều phía sau. Theo tài liệu, thì số bàn tay nhỏ là 958, cộng với 42 cánh tay lớn vừa đủ nghìn tay.

 

Tìm vào khu vườn tĩnh lặng bên trái khuôn viên chùa sẽ thấy tòa tháp đá Báo Nghiêm 5 tầng rêu phong cổ kính thờ thiền sư Chuyết Chuyết. Ngọn bảo tháp này làm nên tên gọi của ngôi chùa khi được vua Tự Ðức gọi tên là Bút Tháp, thay cho tên chữ Ninh Phúc tự.

 

Tháp Báo Nghiêm như ngọn bút khổng lồ vươn giữa không gian thanh bình của làng quê Kinh Bắc. Ảnh: KHÁNH UYÊN

 

Giới nghiên cứu cho rằng những tác phẩm điêu khắc đá tại tháp Báo Nghiêm đạt trình độ tinh xảo, đặc biệt các hình rồng chạm nổi toát lên thần khí; nhiều phù điêu, họa tiết chưa từng thấy ở bất kỳ đâu.

 

Mãi ngắm cảnh chùa đến quá trưa, mọi người mệt và đói nên ghé khu hàng quán gần chùa. Có rất nhiều sự lựa chọn, từ phở, bún, bánh mì đến bánh tro, bánh nếp, xiên nướng... với giá rất mềm. Bà chủ quán vồn vã bóc bánh mời khách và cho biết giá cả ngày tết cũng giống ngày thường.

 

Buổi tối, sau khi gọi xe không được, chúng tôi đi bộ loanh quanh tìm quán ăn nhưng hàng quán chỉ có bảng hiệu nhấp nháy còn cửa thì đóng kín, đành quay về nhà hàng của khách sạn. Nhân viên lịch sự chào đón và cho biết thực đơn ngày tết ít phong phú.

 

Tháp Hòa Phong uy nghi giữa khuôn viên chùa Dâu. Ảnh: KHÁNH UYÊN

 

Mọi người gọi món ăn nhẹ và đồ uống và bàn kế hoạch cho hành trình hôm sau. Ðiều bất ngờ vui vẻ sau bữa ăn khá ngon miệng là nhà hàng tính theo giá niêm yết, khác hẳn nhiều nơi lễ tết là phụ thu 30% tổng hóa đơn khiến khách chóng cả mặt.

 

Về Bắc Ninh mới thấy phong cách sống của người dân thật đáng suy ngẫm. Tết là nghỉ ngơi, dành thời gian về quê thăm họ hàng, đi lễ đền chùa; hàng quán dịch vụ đóng cửa, nhiều tài xế taxi đến mùng 4 tết mới chạy xe, quán hàng nào mở bán phục tết thì vẫn giữ giá như ngày thường...

 

Càng rõ hơn sự quan tâm đặc biệt của Ðảng, Nhà nước qua chủ trương bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tôn tạo các danh thắng, gìn giữ bảo vật quốc gia và luôn tạo điều kiện cho người dân thực hiện hành vi tôn giáo. Ðầu xuân được mở mang nhiều điều!

 

KHÁNH UYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tết Việt trong lòng người nước ngoài
Thứ Bảy, 10/02/2024 10:00 SA
Ruộm vàng mai, cúc - Mơ màng đào phai...
Thứ Tư, 07/02/2024 10:00 SA
Lắng nghe trong gió mùi hương tết về
Thứ Tư, 07/02/2024 09:26 SA
Đón tết nhớ tết
Thứ Tư, 07/02/2024 09:00 SA
Những mùa tết
Thứ Tư, 07/02/2024 08:00 SA
Ấn tượng với linh vật rồng Phú Yên
Thứ Ba, 06/02/2024 20:55 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek