Ðầu xuân 2024, chúng tôi về thăm kinh đô Hoa Lư xưa bên sông Hoàng Long khi chuẩn bị kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh và 1.045 năm ngày mất Ðinh Tiên Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên mở đầu thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền của nước ta.
Ðền thờ vua Ðinh Tiên Hoàng. Ảnh: PHAN HOÀNG |
Cố đô Hoa Lư vẫn còn đây. Sông Hoàng Long vẫn còn đó. Và dù vùng đất thiêng mang dấu ấn khai sáng cho dân tộc đang thay đổi mạnh mẽ nhưng những bí ẩn lịch sử về Ðinh Tiên Hoàng và những nhân vật lịch sử xung quanh ông mãi mãi là những câu chuyện quyến rũ mà các thế hệ sau không ngừng tìm cách giải mã.
Rồng vàng bỗng hiện lên đưa thủ lĩnh chăn trâu qua sông
Hoàng Long có nghĩa là rồng vàng. Sông Hoàng Long xưa còn có tên Ðại Hoàng. Chuyện rằng, Ðinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ nhà nghèo phải đi chăn trâu cho người chú ruột là Ðinh Thúc Dự. Ðược lũ trẻ mục đồng yêu quý tôn làm thủ lĩnh, cậu bé họ Ðinh bày trò chơi cờ lau tập trận, tự xưng vương, với hai bên tả hữu là Ðinh Ðiền và Nguyễn Bặc hộ vệ. Ðinh Bộ Lĩnh còn tổ chức lễ khao quân, làm thịt một con trâu của người chú để tế lễ và chiêu đãi “ba quân”.
Nghe tin, ông Ðinh Thúc Dự tức giận đến kinh hãi, vội cầm gươm chạy ra đồng đuổi đánh “vua” cháu ngỗ nghịch phạm thượng rước họa vào dòng tộc. Ðinh Bộ Lĩnh cùng bạn chăn trâu chạy trốn, tới bến đò Trường Yên thì cùng đường, nước lớn sông rộng mà không có đò. Bỗng từ lòng sông sóng cuộn dâng lên rồng vàng xuất hiện đón Ðinh Bộ Lĩnh đưa sang bờ bên kia.
Một góc cảnh quan Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình. Ảnh: PHAN HOÀNG |
Ðinh Thúc Dự đuổi tới bờ sông Ðại Hoàng thấy rồng vàng cõng “vua” cháu thì càng thất kinh, bèn cắm gươm xuống đất chắp tay quỳ lạy theo. Con sông này từ ấy mang tên Hoàng Long, còn nơi Thúc Dự cắm gươm mọc lên một ngọn núi được dân gian gọi là núi Kiếp Lĩnh (Cắm Gươm) và con đường mà Bộ Lĩnh trốn chạy từ đồng ra sông nay là đường Vua Ðinh. Từ truyền thuyết này mà về sau lễ hội cố đô Hoa Lư luôn có tục rước nước từ sông Hoàng Long về đền Vua Ðinh để tế thần linh.
Khởi đầu sông Hoàng Long là nơi ngã ba hợp lưu của sông Lạng và sông Bôi tại Kênh Gà. Khi chảy đến địa phận xã Gia Trung, huyện Gia Viễn thì sông Hoàng Long tách thành hai nhánh tả Hoàng Long và hữu Hoàng Long dài khoảng 4km ôm lấy mảnh đất này, với dòng chính bên nhánh hữu, rồi sau đó nhập thành một trở lại, chảy đến ngã ba Gián Khẩu hòa vào sông Ðáy. Ngoài ra, trên hành trình của mình, sông Hoàng Long còn nhận thêm nước từ hệ thống sông Rịa và sông Chim đổ vào tại đập tràn Lạc Khoái.
Lưu vực sông Hoàng Long khá rộng, bao gồm nửa phía bắc tỉnh Ninh Bình và nửa phía nam tỉnh Hòa Bình. Mạng lưới sông chính ở lưu vực sông Hoàng Long có dạng hình rẻ quạt nên khi có lũ thì nước ở các sông suối cùng lúc tập trung về vùng đồng bằng. Tùy theo mùa mà các nhánh sông Sào Khê, sông Chanh, sông Lựng, sông Ðào còn đổ nước vào sông Hoàng Long hoặc rút nước về hệ thống sông Vạc.
So với những con sông khác thì chiều dài sông Hoàng Long khiêm tốn, chỉ khoảng 25km, chỗ rộng nhất 300m, nhưng đây lại là một trong bốn tuyến đường thủy quốc gia trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Sông Hoàng Long hợp cùng sông Ðáy, sông Bôi và sông Lãng có vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của dân tộc từ thời xưa đến nay.
Theo những cách gọi khác nhau, các đoạn hạ lưu của sông Bôi và sông Lạng còn thường được gọi là sông Hoàng Long. Ðó là đoạn từ cầu Nho Quan đến Kênh Gà của sông Lạng và đoạn từ cầu Ðế đến Kênh Gà của sông Bôi. Ðồng thời sông Sào Khê thực chất cũng là sông Hoàng Long nối dài đến khi gặp sông Vân.
Ngược dòng lịch sử có thể thấy sông Hoàng Long ghi đậm dấu ấn của một nghìn năm chống Hán hóa Bắc thuộc ở thế kỷ X và hình thành nên một một kinh đô trên bến dưới thuyền đầu tiên của nước ta. Chẳng những gắn với những dấu tích huyền thoại của vua Ðinh Tiên Hoàng mà sông Hoàng Long còn chính là nơi vua Lý Công Uẩn khởi hành dời đô từ Hoa Lư về thành Ðại La, tức Thăng Long vào năm 1010.
Ðến thời nhà Trần, sông Hoàng Long với cố đô Hoa Lư là căn cứ địa chống quân Nguyên Mông. Bên cạnh các cây cầu hiện đại thì từ lâu dọc theo sông Hoàng Long có 12 bến đò. Và từ con sông huyết mạch này có thể theo các nhánh dẫn vào các di tích thắng cảnh tạo thành không gian văn hóa du lịch thơ mộng quyến rũ như cố đô Hoa Lư, động Vân Trình, hang động Tràng An, suối nước nóng Kênh Gà, chùa Bái Ðính, đặc biệt là các hồ Yên Quang, Ðồng Chương, Ðập Trời…
Hoàng đế khai sáng một thời kỳ độc lập tự chủ cho dân tộc
Không chỉ thời thơ ấu mà sông Hoàng Long gắn liền cả cuộc đời và sự nghiệp của Ðinh Tiên Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên khai sáng, khẳng định nền độc lập tự chủ hoàn toàn cho nước Nam bấy giờ với quốc hiệu là Ðại Cồ Việt so với phương Bắc.
Lễ hội cố đô Hoa Lư luôn có tục rước nước từ sông Hoàng Long về đền vua Ðinh để tế thần linh. Ảnh: PHAN HOÀNG |
Ðinh Tiên Hoàng sinh thời được gọi Ðinh Bộ Lĩnh, có sách nói ông họ Ðinh tên Hoàn, còn Bộ Lĩnh là tước quan của sứ quân Trần Lãm phong cho ông nên còn gọi là Ðinh Bộ Lĩnh. Sinh ngày rằm tháng 2 năm Giáp Thân (tức 22/3/924), ông quê ở thôn Kim Lự, làng Ðại Hữu, châu Ðại Hoàng nay là thôn Văn Bồng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Cha là Ðinh Công Trứ dưới thời nhà Ngô từng làm Thứ sử châu Hoan nhưng bị mất sớm, nên cậu bé họ Ðinh phải theo mẹ là Ðàm Thị về quê nương nhờ chú ruột là Ðinh Thúc Dự.
Nếu như trong dân gian lưu truyền chuyện rồng vàng cõng thủ lĩnh mục đồng qua sông Hoàng Long thì trong chính sử, Ðại Việt sử ký toàn thư viết về Ðinh Tiên Hoàng với những chi tiết đời thực hơn: “Vua lúc còn nhỏ chơi cùng với lũ trẻ chăn trâu ngoài đồng, lũ trẻ tự biết kiến thức không bằng vua, nên cùng nhau tôn làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, tất bắt chúng khoanh tay làm kiệu để khiêng và lấy hoa lau đi hai bên để rước như là nghi vệ thiên tử. Ngày rỗi sang đánh trẻ con thôn khác, đến đâu chúng đều sợ phục, rủ nhau hàng ngày đến kiếm củi thổi cơm để phục dịch. Bà mẹ thấy thế mừng lắm, mổ lợn của nhà cho chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau rằng đứa trẻ này khí độ như thế, tất sẽ làm nên việc, bọn chúng ta nếu không theo về, ngày sau hối không kịp”.
Năm 944, Ngô Quyền, nhà vua sáng lập triều Ngô băng hà. Em vợ ông là Dương Tam Kha, con trai Tiết độ sứ Dương Ðình Nghệ, tiếm ngôi tự xưng là Bình vương. Một thời gian sau, hai con trai của Ngô vương là Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn đánh bại Dương Tam Kha lấy lại quyền lực và cùng làm vua điều hành triều chính.
Tuy nhiên, từ đây nhà Ngô dần suy vi, đất nước rơi vào loạn lạc, quan lại và thổ hào có thế lực ở các địa phương nổi dậy cát cứ khắp nơi. Ðinh Bộ Lĩnh cũng tập hợp lực lượng, lấy động Hoa Lưu làm căn cứ, xây dựng thế lực ngày càng hùng mạnh. Nhằm hòa hoãn với nhà Ngô, ông cho con trai là Ðinh Liễn ra kinh thành Cổ Loa làm con tin.
Năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh mất. Hơn 10 năm sau, Ngô Xương Văn chết trận. Chính quyền trung ương nhà Ngô do Ngô Xương Xí kế nghiệp dần tan rã. Ðất nước càng thêm rối loạn cắt chia. 12 sứ quân nổi lên cát cứ kình chống lẫn nhau. Triều đình phương Bắc nhăm nhe đưa quân sang khôi phục ách đô hộ.
Ðinh Bộ Lĩnh quyết tâm dẹp loạn để thống nhất đất nước bằng các hình thức khác nhau, từ liên kết, vận động, thuyết khách, hàng phục và dùng sức mạnh quân sự đánh dẹp các thế lực cát cứ. Vạn Thắng vương Ðinh Bộ Lĩnh cùng con trai Ðinh Liễn và các thuộc tướng Nguyễn Bặc, Ðinh Ðiền, Phạm Hạp, Lê Hoàn, Nguyễn Thân… dùng mưu liên kết và hàng phục các sứ quân Trần Lãm, Ngô Xương Xí, Phạm Bạch Hổ, Ngô Nhật Khánh.
Ðối với các sứ quân chống đối như: Ðỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Khoan, Nguyễn Siêu, Nguyễn Thủ Tiệp, Lý Khuê, Kiều Công Hãn, Kiều Thuận, Lã Ðường, ông cương quyết đánh dẹp. Cuối cùng, Ðinh Bộ Lĩnh đã lần lượt thu phục, đánh tan các sứ quân, chấm dứt tình trạng phân chia cát cứ, thống nhất đất nước.
Vào năm Mậu Thìn 968, Ðinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, tôn hiệu Ðại Thắng Minh Hoàng Ðế, đặt tên nước là Ðại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, xây dựng cung điện, đặt lễ nghi triều chính, đến năm 970 đổi niên hiệu là Thái Bình.
Ðây là dấu mốc rất quan trọng trong lịch sử dân tộc ta, khi người đứng đầu quốc gia chính thức xưng hoàng đế như một sự khẳng định về nền độc lập, tự chủ hoàn toàn, vì trước đó cha con họ Khúc và Dương Ðình Nghệ chỉ xưng tiết độ sứ, đến Ngô Quyền thì mới xưng vương. Sau thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc, Ðinh Tiên Hoàng cũng đã mở ra thời đại quân chủ phong kiến tập quyền trong lịch sử nước ta khi các triều đại kế tiếp sau này các vua đều xưng hoàng đế: Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Nguyễn.
Ðồng thời, trước Ðinh Tiên Hoàng thì các vua xưng vương nhưng chưa có quốc hiệu, còn niên hiệu thì theo các hoàng đế Trung Quốc, nên việc đặt tên nước là Ðại Cồ Việt và lấy niên hiệu Thái Bình đã khẳng định rằng đây là đất nước của riêng người Việt. Ðặc biệt, vua Ðinh còn ra lệnh đúc đồng tiền “Thái Bình hưng bảo” thêm phần khẳng định sự tự chủ về kinh tế bên cạnh sự độc lập về chính trị, ngoại giao, văn hóa của nước ta. Ðúng như trong Việt giám thông khảo tổng luận, nhà sử học Lê Tung đã viết về Ðại Thắng Minh Hoàng Ðế: “Vua chính thống của nước Việt ta, thực bắt đầu từ đấy”.
Còn trong Ðại Việt sử ký toàn thư, nhà sử học Lê Văn Hưu bình luận: “Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu Vương chăng?”.
Ðất nước đang vào xuân. Về với đế đô Hoa Lư nghiêng mình tưởng nhớ Ðinh Tiên Hoàng cùng những công thần khai quốc của nhà Ðinh: Nguyễn Bặc, Ðinh Ðiền, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Ðinh Liễn, Lê Hoàn, Phạm Hạp, Phạm Cự Lượng…, chúng tôi như nghe tiếng ngàn năm âm vọng với tất cả niềm tự hào về một vị minh quân khai sáng, một thế hệ tiền nhân vào sinh ra tử thống nhất giang sơn, gầy dựng nền độc lập tự chủ buổi đầu cho non nước của dòng giống Rồng Tiên!
Ðưa chúng tôi theo sông Hoàng Long thăm cố đô Hoa Lư, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Ninh Bình cho biết, ngày nay con sông này cũng là con đường huyết mạch để xây dựng, phát triển kinh tế của cố đô Hoa Lư và cả tỉnh Ninh Bình, nhất là về du lịch. Ðịa thế núi sông hùng vĩ và các di tích lịch sử liên hoàn quý hiếm tạo nên không gian văn hóa, thiên nhiên đặc biệt cho Hoa Lư - Ninh Bình thu hút và chinh phục du khách bốn phương. Ðặc biệt, Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình nằm trên sông Hoàng Long có diện tích gần 2.900ha là một dự án lớn của Ninh Bình, với tổng mức đầu tư 1,5 tỉ USD, quy hoạch chung xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn 2050, hứa hẹn sẽ trở thành địa điểm du lịch hiện đại của cả miền Bắc. |
PHAN HOÀNG