Thứ Bảy, 23/11/2024 23:44 CH
Vương mùi bánh thuẫn
Thứ Tư, 07/02/2024 14:00 CH

Mỗi lần tết đến, tôi lại muốn nhắc mấy đứa con bày biện đồ đạc để đổ bánh thuẫn. Nhưng rồi nhìn chúng tất bật bao chuyện công chuyện tư, lại sợ câu: “Nay bánh trái nhiều, lại có sẵn, ai ăn bánh đó mà đổ!” làm cho mình mất hứng mấy ngày cuối năm nên lại thôi, đành phải tự làm chuyến du hành quay về những ngày xưa cũ.

 

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

 

Người ta gọi bánh thuẫn có lẽ bởi trước đó, bánh được đổ trong những chiếc khuôn rời, hình thuẫn (tròn và dài, hình oval). Lớn lên một chút, có dịp đi gần đi xa, lại nghe thêm bánh này có tên là bánh cúc - và được giải thích bánh nở tròn đều, vàng rực như hoa cúc, khi đơm trên cổ bồng, bánh lại được cắm xoay tròn như chậu cúc vàng ươm. Cũng ở miền quê đó, khi đến nhà nào thấy bánh không nở thì gọi là bánh cút để chọc quê chủ nhà, mang lại tiếng cười xí xóa mấy ngày xuân.

 

Bánh thuẫn, dù gọi tên nào cũng được làm từ ba nguyên liệu chính: bột khoai hạ, đường cát trắng và trứng vịt. Tuy nhiên, để bánh nở, xốp tơi và thơm, có nhà còn dùng thêm vài quả trứng gà hoặc 1 lạng bột bông giề hay nước cốt chanh, cốt gừng…

 

Để chuẩn bị cho ngày đổ bánh, ngay từ tháng 5, tháng 6, mẹ tôi cùng các cô, các bà trong xóm đi chợ Bàn Thạch mua khoai hạ về mài lấy bột.

 

Đến tháng Chạp, chọn ngày nắng đẹp, mẹ phơi bột, phơi đường để mọi thứ tơi xốp, mịn màng, còn anh em chúng tôi tạm thời quên đi những trò chơi tuổi thơ ở nhà “canh trời” và trở đường, trở bột. Cũng là trở, nhưng trở đường thích hơn trở bột, nhất là lúc đường vừa đổ ra nia. Khi đó, đường còn ướt, dù có phủi cỡ nào, cũng còn vài hạt đường len vào kẽ, móng tay để rồi sau đó, tìm chỗ nhấm nháp chút vị ngọt thanh của những hạt đường trắng tinh.

 

Sau rằm, gần như hôm nào chúng tôi cũng hỏi mẹ ngày nào nhà mình đổ bánh? Cười thật hiền, mẹ trả lời chờ khuôn rảnh. Số là ngày đó, do làm nghề hàng xén nên mẹ tôi có điều kiện mua được 2 cái khuôn bánh thuẫn và bánh kẹp, các cô các thím trong xóm, ngay từ đầu tháng đã hẹn ngày mượn, nên 2 cái khuôn cứ vậy đi vòng vòng trong xóm, phải đến sau 20 tháng Chạp, chúng mới về lại nhà tôi. Và, ngày trọng đại bắt đầu…

 

Ngồi trong lớp học, thấy buổi học hôm ấy sao dài đến lạ! Trống trường vừa xổ, ôm cặp chạy nhanh về nhà, vừa kịp lúc cô tôi hạ hai bó đũa đánh bột xuống, rồi nhỏ một vài giọt bột xuống chén nước lạnh để thử bột dây chưa, viên bột còn chìm, hai tay cô lại cật lực đánh vào thau bột, rồi lại thử, viên bột nổi rồi, cô thở phào, pha màu vàng đổ vào và tiếp tục đánh thêm chừng 10 phút… Trời tháng Chạp lạnh vậy mà trán cô ướt đẫm mồ hôi.

 

Than trên lò đã đượm, khuôn thoa dầu mỡ xong, mẹ tôi múc từng muỗng bột đổ vào, anh em tôi thì thầm: Bánh trịt! Mẹ tôi gắp than bỏ lên nắp, tiếng “bánh trịt” lại lớn hơn, mẹ quơ đôi đũa bếp: Mấy đứa này. Anh em tôi nhản ra rồi lại xúm vào… Mùi bánh chín thơm lừng khắp nhà. Nắp khuôn dần dần nhắc lên, mọi con mắt chuyển động theo chiếc khuôn bánh. Không nhịn được, tôi la to: Trịt - mấy đứa em tôi vỗ tay mừng trong khi mặt mẹ và cô méo xẹo.

 

Với anh em tôi, và với bao nhiêu đứa trẻ khác lúc đó, sự chờ đợi bao ngày cũng đã đến. Những chiếc bánh nóng hổi, thơm lừng, nhẹ bổng, bỏ vào miệng, gần như tan biến cùng nước miếng đã thành hiện thực. Cầm chiếc bánh mẹ cho trên tay, đứa nào cũng khấp khởi mừng mà đâu biết điều mẹ tôi, cô tôi và bao người mẹ khác sợ nhất khi đổ bánh thuẫn là bánh bị trịt. Nếu vậy, các bà các mẹ buồn mất mấy ngày và đôi khi, buồn luôn cả tết vì sợ điều không may.

 

Sau ổ bánh đầu tiên, lửa trên lửa dưới đều, khuôn đủ nóng, mọi việc suôn sẻ, chẳng bao lâu, đầy cả sàng. Bắt đầu công đoạn khá quan trọng: sấy bánh. Chuẩn bị một cái chát, than hồng được ủ trong tro sao cho có nhiệt độ vừa đủ để sấy cho những chiếc bánh được sắp trên những mẹt tre và được phủ kín bằng khăn vải.

 

Công đoạn này tốn nhiều thời gian và cần có người túc trực để trở bánh cho đều; chỉ cần chút sơ suất là cả mẻ bánh đi toi. Ngồi canh lò bánh sấy, lúc bánh bắt đầu khô giòn, mùi bánh thơm sực nức cả gian bếp nhỏ và đến bây giờ vẫn tưởng như mùi thơm của trứng, của đường, của nước cốt gừng hòa quyện còn vương trên tóc.

 

Bánh giòn, đủ cứng để giữ cả tháng sau, mẹ tôi thành kính sắp một dĩa đầy để ba tôi sửa soạn nhang đèn cúng ông bà. Rồi sau đó, bên ấm trà, ba mẹ và cô Bảy, bác Chín… vừa nhấm nháp hương vị tết đến sớm vừa bàn tán về con heo mà mấy nhà đã nuôi chung từ đầu tháng 7.

 

Ngày xưa, là vậy!

 

Giờ, mọi thứ đều sẵn, lỡ buồn nhắc cháu con đổ bánh thuẫn ăn tết, không chừng có đứa còn càm ràm. Và cũng chẳng còn ai chung tay đụng heo ăn tết.

 

Có còn chăng, chút dư hương ngày cũ chập chờn trong nỗi nhớ của một lớp người gần muôn năm cũ…

 

THẾ DŨNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bắc Ninh: Nghỉ ngơi chơi tết viếng chùa
Chủ Nhật, 11/02/2024 10:00 SA
Tết Việt trong lòng người nước ngoài
Thứ Bảy, 10/02/2024 10:00 SA
Ruộm vàng mai, cúc - Mơ màng đào phai...
Thứ Tư, 07/02/2024 10:00 SA
Lắng nghe trong gió mùi hương tết về
Thứ Tư, 07/02/2024 09:26 SA
Đón tết nhớ tết
Thứ Tư, 07/02/2024 09:00 SA
Những mùa tết
Thứ Tư, 07/02/2024 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek