Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam vừa được tổ chức tại trụ sở Chính phủ (Hà Nội), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đây là lần đầu tiên Chính phủ tổ chức hội nghị này.
Hội nghị được trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tại điểm cầu Phú Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự.
CNVH bao gồm các lĩnh vực điện ảnh, du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, kiến trúc, thiết kế, xuất bản, thời trang, phát thanh, truyền hình, phần mềm, các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ…
Theo Bộ VH-TT&DL, trong giai đoạn 2018-2022, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời chỉ đạo và phê duyệt các kế hoạch, đề án, quy hoạch liên quan đến phát triển 12 ngành CNVH; bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho đầu tư, phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của CNVH đã từng bước được nâng cao.
Một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã đầu tư, nắm bắt cơ hội, hình thành các sản phẩm, dịch vụ CNVH. Các ngành CNVH có khả năng phát triển nhanh, lâu dài và bền vững, có giá trị tôn vinh văn hóa, bản sắc dân tộc, định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Trong giai đoạn từ 2018-2022, giá trị sản xuất của các ngành CNVH ước bình quân đạt hơn 1 triệu tỉ đồng (tương đương khoảng 44 tỉ USD).
Tuy nhiên, các ngành CNVH còn gặp phải những khó khăn, hạn chế như: Chưa có khung pháp lý, cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp để phát triển; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp còn thiếu đồng bộ; nguồn lực đầu tư còn dàn trải; nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ của ngành CNVH chưa tập trung khai thác các giá trị truyền thống, văn hóa bản địa; sức sáng tạo chưa được phát huy hết...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, để CNVH nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành CNVH Việt Nam “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”, trên nền tảng văn hóa “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.
THIÊN LÝ