Người thắp đèn cho núi là tuyển tập 23 truyện ngắn của nhiều tác giả về chủ đề tình thầy trò của nhà xuất bản Kim Đồng. Qua những trang viết dung dị nhưng chứa chan cảm xúc, chân dung những người thầy từ miền xuôi đến miền ngược, từ đất liền đến hải đảo, từ thị thành đến thôn quê… được khắc họa một cách sinh động và sắc nét.
Tuyển tập truyện ngắn Người thắp đèn cho núi. Ảnh: BÍCH DUYÊN |
Vượt mọi bão giông…
Làm thầy - nghề được xem là cao quý - không phải là một lựa chọn dễ dàng trong Người thắp đèn cho núi. Mỗi ngày đến lớp, đến với học trò nhỏ, họ phải vượt qua những trở lực mà đôi khi, vượt quá sức của mình.
Những khó khăn như giông bão ấy, không chỉ đến từ những khó khăn mà ai cũng có thể mường tượng như núi non hiểm trở (Người thắp đèn cho núi - Lê Quang Trạng, Nghề giáo - Lục Mạnh Cường), hải đảo xa xôi (Chuyến tàu rời đảo - Sơn Trần)… mà còn đến từ những hiểm trở trong lòng người, những va đập trong cuộc đời quá nhiều xáo động bên trong và ngoài lớp học.
Điều làm cho những thầy cô giáo trong tác phẩm trăn trở nhiều nhất là những học trò ngỗ nghịch (Ước mơ trong bão - Chu Thanh Hương, Bông hoa phấn trắng - Lê Phương Liên). Điều làm họ chông chênh nhất là phải giữ mình liêm khiết, thẳng ngay trước sự uy hiếp của những điều dối trá, xiên xẹo ngay trong môi trường tưởng như thanh sạch của nghề (Cô giáo và học trò cũ - Nguyên Hương).
Điều làm họ không ngừng tự trách mình là khi phải lựa chọn giữa hạnh phúc gia đình êm ấm đủ đầy với việc gắn bó với những cô cậu học trò đầy thiếu thốn nơi vùng cao, vùng xa (Nghề giáo - Lục Mạnh Cường). Và có khi, những vụn vặt trong đời sống thường nhật tưởng chừng cũng có thể khiến một người thầy trở nên tầm thường và tội nghiệp vô cùng (Ở cạnh nhà thầy - Vũ Thị Huyền Trang)…
Cứ như thế, cơn bão của tự nhiên, cơn bão của lòng người, trùng trùng lớp lớp dựng lên muôn vàn trở ngại trong hành trình đến lớp của mỗi người thầy. Có biết bao lần họ buông xuôi và từ bỏ. Nhưng bằng một sức mạnh thẳm sâu nào đó, họ lại đứng lên, lặng lẽ vượt qua mọi bão giông, để thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của một người trót yêu nghiệp trồng người.
… thắp đèn cho núi
Không một người thầy nào trong Người thắp đèn cho núi đã vì những khó khăn nêu trên mà từ bỏ con đường đi của mình - con đường tuy chông gai vẫn được gọi một cách dịu dàng, nâng niu là “đường hoa” (Đường hoa - Nguyễn Thu Hằng).
Mặc cho cú sốc vì cách ứng xử của học trò, phụ huynh, nhà trường với gian lận trong thi cử, tưởng như cô Huyền sẽ mất hết niềm tin vào học trò. Nhưng không, cô vẫn luôn tin yêu vào sự trong sạch, thẳng ngay của mỗi người (Cô giáo và học trò cũ - Nguyên Hương).
Mặc cho thái độ xấc xược, ngỗ nghịch của cậu học trò A Lim sau khi nghỉ học, cô Hoa vẫn vượt suối vượt đèo đến nhà em để tìm hiểu và động viên (Ước mơ trong bão - Chu Thanh Hương). Mặc cho phải ở nhà nướng thịt, bán phở, bị vợ càu nhàu, thầy của nhân vật “tôi” vẫn tươm tất, chỉnh tề và say sưa khi đứng trên bục giảng (Ở cạnh nhà thầy - Vũ Thị Huyền Trang)…
Câu chuyện thầy Cậy nỗ lực mang đến cho cậu học trò nhỏ tên Phúc một đêm Noel đáng nhớ (Chuyến xe đêm giáng sinh - Nguyễn Ngọc Hoài Nam), câu chuyện cô Hoài miệt mài chỉ bảo bao điều hay lẽ phải cho học trò bằng những bài giảng bên ngoài lớp học (Giọt nước mắt thầu đâu - Mạc Ly), câu chuyện về một thầy giáo sẵn sàng lao mình vào dòng nước để cứu học trò (Con sóng trong veo - Dương Trang Hương)… cũng là minh chứng mạnh mẽ nhất cho tấm lòng của những người thầy luôn biết giữ lửa trong tim mình.
Có lẽ, giữa bão giông vây bủa, chỉ có lòng yêu nghề, yêu người mới đủ sức mạnh để giữ chân những thầy giáo, cô giáo ở lại với lớp học, với học trò. Đó là sức mạnh nội tại, thuần khiết, là kết tinh của lòng trắc ẩn, sự vị tha, tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy bên trong tâm hồn mỗi người thầy.
Thiếu đi một trong những yếu tố đó, người thầy sẽ loạng choạng trên hành trình đầy gian khó của mình, một hành trình quá nhiều bão giông để có thể kiên định thắp lên những ngọn đèn nơi bóng tối còn đầy.
Người thắp đèn cho núi là quyển sách chạm đến trái tim bằng những gì giản dị mà chân thật nhất khi viết về người thầy. Không có những mỹ từ, không có sự tụng ca, người thầy và nghề làm thầy được tái hiện với những gì gần gũi với đời sống trong sự đa diện, phức tạp lẫn kỳ diệu của nó.
Thế nhưng, chân dung những người thầy lặng lẽ vượt bão giông để thắp đèn cho núi, sẽ mãi là những hình ảnh đẹp và đáng trân trọng, để xã hội vẫn sẽ luôn tin vào ngọn đèn mang tên “Đăng Tâm” trong trái tim mỗi người thầy.
Và quan trọng hơn hết, để mỗi người thầy, lại tự mình thắp lên, dưỡng nuôi ánh sáng của ngọn đèn ấy, mà đi đến cùng con đường làm một - người - thầy của riêng mình.
BÍCH DUYÊN