Thứ Ba, 01/10/2024 20:24 CH
Đốm lửa Nga nơi biển gió Tuy Hòa
Thứ Ba, 11/11/2008 07:34 SA

Ông Đỗ Như Phước (TP Tuy Hòa, Phú Yên) là một người Việt trăm phần trăm, nhưng tâm hồn và lòng yêu nước Nga của ông cũng trăm phần trăm như người Nga yêu Tổ quốc mình.

 

p-081111.jpg
Ông Đỗ Như Phước bên những hiện vật trong bảo tàng của ông - Ảnh: HÙNG PHIÊN

 

Năm 1954, ông Đỗ Như Phước tập kết ra Bắc, từng tốt nghiệp đại học ngoại ngữ và giảng dạy Nga văn ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau đó ông học thêm ngành vô tuyến điện và tốt nghiệp kỹ sư năm 1966, rồi xung phong vào bộ đội, công tác ở Bộ tư lệnh pháo binh suốt mười mấy năm trời.

 

Năm 1978 trở về quê hương Phú Khánh, ông làm công tác hữu nghị với vai trò là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Xô, Việt – Nga, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt – Nga. Năm 1989, tỉnh Phú Yên được tái lập, ông trở về Tuy Hòa và làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Nga đến nay.

Tôi có cảm giác rằng trời sinh ra ông Đỗ Như Phước là để làm công tác hữu nghị, là để thể hiện tình yêu ngước Nga và truyền tình yêu ấy đến với mọi người. Ông như một đốm lửa của tình hữu nghị Việt – Nga cháy mãi nơi mảnh đất miền Trung lộng nắng và gió biển.

 

Năm 1982, lần đầu tiên ông Phước được đi Liên Xô tham dự hội thảo về chính sách dân tộc của Lênin. Tôi hỏi ông có cảm xúc gì đặc biệt trong chuyến đi ấy? Ông Phước thổ lộ rằng trước khi đi Liên Xô dự hội thảo, ông đã biết nhiều về Liên Xô qua phim ảnh và sách báo. Đến khi tận mắt nhìn thấy quảng trường Đỏ, lăng Lênin vĩ đại, tiếp xúc với nhân dân Nga ông càng hiểu hơn về dân tộc Nga hùng vĩ về mọi phương diện, một chiều sâu thăm thẳm của nền văn hóa Nga, một tâm hồn nồng hậu, thấm đượm tình người của con người Nga.

 

Ông đặc biệt vui sướng đứng trước lăng Lênin, chứng kiến rất nhiều người từ các quốc gia khác nhau đến quảng trường Đỏ vào lăng viếng vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới. Ông chợt nhớ đến bạn bè đồng đội cũ trong những năm tháng chống Mỹ, họ đã cùng ông hát bài “Chiều Mátxcơva” bên chiến hào và hướng về điện Kremli xa xăm với lòng ngưỡng mộ thành kính, thiêng liêng. Giờ đây bên chân điện Kremli, bất chợt lòng ông ngân tiếng hát thầm, như hát cùng đồng đội cũ đã hy sinh, mà nước mắt rưng rưng “Chiều thanh vắng là đây, âm thầm gió rì rào…”

 

Chính từ giây phút ấy, trong đầu ông lóe lên tia sáng đó là phải lưu giữ cái vĩ đại của văn hoá Nga, của dân tộc Nga, của tình người muôn phương đối với nước Nga và Lênin vĩ đại cho con cháu mai sau. Cũng bắt đầu từ đó, ông quyết tâm sưu tầm huy hiệu cùng các hiện vật về Liên Xô, về nước Nga và lãnh tụ Lênin.

 

Ông Đỗ Như Phước đã sưu tầm được 3.000 huy hiệu Liên Xô, trong đó có 250 huy hiệu Lênin và có hẳn một bảo tàng cá nhân tương đối “bề thế” ở Tuy Hoà. Ngôi nhà ông Phước có ba tầng. Tầng một để ở, tầng hai và tầng ba để trưng bày các hiện vật có giá trị về nước Nga. Anh Trịnh Trang, Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt – Xô đã đề nghị ông Phước mang bộ sưu tập huy hiệu quý giá này sang dự triển lãm tại Mátxcơva và các thành phố khác của Liên Xô vào những năm tám mươi của thế kỷ trước. Cuộc triển lãm huy hiệu của ông ở Liên Xô rất thành công.

 

Tại tầng hai, tôi đứng ngây người, thán phục khi nhìn thấy các hiện vật gồm tượng các danh nhân Nga, những đồ dùng cổ xưa của dân tộc Nga, các biểu tượng về nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử, ẩm thực, phong tục tập quá, khoa học hiện đại của Nga mà ông Phước đã sưu tầm được. Đứng trước biểu tượng cô gái Nga mặc áo váy đỏ cầm đĩa bánh mì chấm muối để tiếp khách quý, tôi như sống lại kỷ niệm sáu năm trời theo học ở Lêningrát tráng lệ, trong tình cảm nồng ấm của thầy cô giáo và bạn bè Nga hồn hậu. Bảo tàng của ông Phước còn có một chiếc phong cầm cũ kỹ do một người bạn tặng cho ông. Ông Đỗ Như Phước cho biết, ông có một người bạn tên là Thân Phụng Kỳ từng học ở Nga về. Một người bạn Nga đã tặng chiếc đàn phong cầm này cho ông Kỳ. Người bạn Nga ấy cho biết chiếc đàn này đã từng theo bố ông ra trận chống phát xít Đức và người cha ấy đã hy sinh.

 

Tâm đắc với lòng yêu nước Nga của ông Phước, ông Kỳ đã tặng chiếc đàn phong cầm thấm đẫm tính lịch sử này cho ông Phước. Mỗi khi nhớ nước Nga, nhớ đồng đội cũ thời chống Mỹ, ông Phước vẫn thường mang chiếc phong cầm kia xuống dạo những bản nhạc Nga lay động một thời.

 

Rất nhiều văn nghệ sĩ, bạn bè, các vị lãnh đạo tham quan bảo tàng của ông Phước và đã để lại nhiều lưu bút chân tình, nể phục chủ nhân của nó. Cụ thể như nhà thơ-dịch giả Thúy Toàn viết: “Bái phục anh đấy, anh Phước ạ. Có bao nhiêu người có điều kiện như anh, thậm chí còn có điều kiện tốt hơn nhiều, nhưng đâu có được ý tưởng tuyệt vời như anh. Bộ sưu tập huy hiệu Lênin thật vô giá. Khó ai có được”. Giáo sư, nhạc sĩ Tô Vũ lưu bút rằng: “Tôi thật sự ngạc nhiên và thích thú trước những bộ sưu tập của anh và đặc biệt trước những tác phẩm của anh, những biểu hiện tuyệt vời về trí tưởng tượng sáng tạo, óc hài hước hiếm có”. Tôi nghĩ, có lẽ chỉ cần trích hai lưu bút trên cũng đủ nói lên giá trị của bảo tàng hữu nghị Đỗ Như Phước ở Tuy Hoà. Tôi ao ước một ngày nào đó bảo tàng này sẽ được Nhà nước công nhận là một điểm tham quan du lịch văn hoá quý giá của tỉnh và của cả nước.

 

Qua cửa sổ phòng viết, nhìn thấy ngọn núi Chóp Chài cao vút, tôi cứ mạo muội nghĩ rằng, lòng yêu nước Nga của ông Đỗ Như Phước, chất Nga thấm đẫm trong bảo tàng của ông như thể đã hoá thành một ngôi sao. Nó thanh tao, bí ẩn, thiêng liêng, quyến rũ vô cùng.

 

TRIỆU LAM CHÂU

 

Vĩnh biệt nhà thơ “một vần”

 

Tôi còn nhớ những năm sau tách tỉnh, anh em văn nghệ sĩ Phú Yên mỗi lần hội họp, anh Đỗ Như Phước hay nói chuyện tiếu lâm, làm thơ một vần. Lần nào cũng cười ra trò, anh em sôi động hẳn lên. Tính anh cởi mở, xởi lởi không mất lòng ai. Hội họp anh rất nghiêm túc, lắng nghe từ đầu đến cuối, không bỏ dở giữa chừng. Phát biểu góp ý, xây dựng, anh rất chân thành, không thành kiến, đả phá. Anh được người lớn trân trọng, trẻ em quý mến bởi tấm lòng đôn hậu hiếm có.

 

Còn nhớ lần gặp anh cách đây ba năm, lúc đó sức khỏe anh không được tốt, nhưng anh vẫn lạc quan: “Mình đâu có già, bây giờ là trẻ con”. Rồi anh vừa giải thích, vừa  nhe răng, chỉ lên mái đầu bạc trắng: “Anh giờ răng mọc chưa đều (răng rụng gần hết), đầu chỉ một thứ tóc (tóc bạc trắng), không trẻ con gọi là gì?”

 

Anh không là nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng những vần thơ chân chất dễ hiểu của anh đã đi vào lòng công chúng. Anh không là nghệ nhân cây cảnh sành điệu, nhưng anh biết thổi vào những vật vô tri vô giác một tâm hồn lãng mạn, bay bổng.

 

Xin đốt nén nhang lòng tiễn anh về nơi cát bụi...

HẢI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek