Thứ Ba, 01/10/2024 22:43 CH
Ngọn nến cháy đến giọt sáp cuối cùng
Thứ Bảy, 08/11/2008 14:30 CH

LTS: Nhà báo Nguyễn Hùng Thi, sinh ngày 2/3/1950 tại xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, nguyên Phó Giám đốc Đài Phát thanh Phú Khánh, Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân Phú Yên, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Phú Yên vừa qua đời ngày 2/11/2008 do mắc bệnh hiểm nghèo. Báo Phú Yên xin giới thiệu bài viết của nhà văn Đào Minh Hiệp như một lời chia buồn chân thành đến gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.

 

nb-081108.gif

Nhà báo Hùng Thi (bên trái) trình bày phương án phát triển Đài TNNDPY với các đồng chí lãnh đạo tỉnh -  Ảnh: TL

 

Đứng giữa đèo Cả giữa lúc trời mưa sụt sùi, sốt ruột chờ người tài xế sửa chiếc xe cà tàng bỗng dưng chết máy trên lưng đèo, tôi bồn chồn tự nhủ không biết mình có kịp vô Nha Trang để tiễn đưa người bạn quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng hay không. Cuối cùng chiếc xe cũng ọ ẹ hộc hộc lên mấy tiếng và bắt đầu ì ì leo dốc trong sự vui mừng của tất cả mọi người.

 

Vậy là một người bạn nữa lại ra đi, để lại bao luyến tiếc trong lòng người thân, bạn bè và đồng nghiệp, mặc dù đối với trường hợp ra đi của Nguyễn Hùng Thi, nhiều người không ngạc nhiên: đó là sự ra đi đã được báo trước. Tôi nhớ năm 2002, Thi cũng bị một “trận thập tử nhất sinh” cấp cứu tại bệnh viện Khánh Hòa. Nhiều người vào thăm về đều lắc đầu. Dẫu không nói ra, nhưng chẳng mấy người hy vọng Thi sẽ qua khỏi, nhất là bệnh tim mạch, không ai dám nói trước điều gì. Chúng tôi hộc tốc phóng vào Nha Trang, đến đúng bệnh viện, đúng khoa, đúng phòng bệnh, nhìn vào, chẳng thấy Thi đâu cả. Thấy trên danh sách bệnh nhân ghi trên cửa phòng có tên Thi, nhưng đã bị gạch ngang. Chúng tôi hoảng hồn, chạy tìm khắp nơi, gặp cô y tá hỏi, cô ta hỏi lại: “Bệnh nhân Nguyễn Hùng Thi phải không? Đi rồi!” “Trời ơi! Đi lúc nào?” “Mới đi sáng nay.” “Tại sao lại nhanh thế, hôm qua nghe nói vẫn còn tỉnh táo cơ mà?”  “Phải đưa đi gấp cho kịp, ở đây không đủ phương tiện và thuốc men”. Tôi như choàng tỉnh, nhẹ nhàng vừa hỏi vừa run: “Bệnh viện nào hả chị?” “Trong TP Hồ Chí Minh, anh hỏi bác sĩ điều trị thì rõ hơn”. Tất cả chúng tôi đều thở phào như vừa trải qua cơn ác mộng và cũng thêm một lần thấm thía về sự phong phú của tiếng Việt. Thời gian sau, khi Thi đã bình phục, kể lại câu chuyện, Thi thản nhiên đáp: “Thần chết đã sờ đến gáy, nhưng thương hại bảo, thằng này còn trẻ, chưa đến lượt, rồi tống cổ về”. Sau đận ấy, Thi sống điều độ hơn, giảm hẳn chuyện bia rượu - là thứ tối kỵ đối với bệnh tim mạch, nhưng cũng chỉ được một thời gian. Lâu lâu gặp bạn bè tâm huyết, mọi lời khuyên của bác sĩ như bay đâu mất.

 

Tịnh ngôn – Thơ NGUYỄN TƯỜNG VĂN

 

Bên đời như thực như mơ

Lo kinh tế lại tôn thờ văn chương

Tuổi xuân nhuộm tím chiến trường

Chiều xuân nhuộm tím cố hương tấc lòng.

 

Nhân tình  bao bến đục trong

Gửi theo ngọn gió phiêu bồng tháng năm

Thềm xưa bóng nhạn mù tăm

Giữa bằng hữu chốn anh nằm thiên thu

 

(Kính viếng hương linh anh Nguyễn Hùng Thi)

Hồi mới tái lập tỉnh với bao khó khăn chồng chất, Nguyễn Hùng Thi cùng 10 người từ Đài Phát thanh Phú Khánh có mặt ở Tuy Hòa vào chiều 7/5/1989, tại một ngôi nhà cổ hoang phế để thành lập Đài Tiếng nói nhân dân Phú Yên. Vậy mà chỉ sau 56 ngày, Thi đã động viên cái tập thể nhỏ bé ấy với lực lượng cộng tác viên vừa mới quy tụ được, chuẩn bị mọi thứ từ trang thiết bị, nhân sự, nhạc hiệu, phát thanh viên, phóng viên, biên tập viên và nội dung các tin bài. Để đến đúng 17 giờ ngày 1/7/1989, giai điệu Bài ca Phú Yên vang lên hào hùng, báo hiệu Đài Tiếng nói nhân dân Phú Yên chính thức hoạt động. Dạo ấy, đài rất thiếu phóng viên. Thi bảo tôi, ông lấy giấy giới thiệu của đài, chịu khó đi cơ sở “cày” giúp cho một số tin bài. Hồi đó tôi còn dạy ở Trường Địa chất, thời gian rất eo hẹp lại chẳng muốn phải đi năn nỉ để lấy tư liệu nên cũng định từ chối, song thấy Thi đề nghị chân tình nên lúc rảnh rỗi cũng chịu khó “cày”. Sau này, khi phóng viên đã được bổ sung, tôi chỉ cộng tác ở mảng văn hóa văn nghệ. Mỗi lần có nhuận bút, chúng tôi thường gom lại rồi nhủ nhau đi nhậu, chẳng mang về  cho vợ con được đồng xu nào. Nhuận bút thời ấy rất còm cõi, nhưng bằng tình cảm chân thành của mình Thi vẫn tập hợp và động viên được các cộng tác viên tích cực cộng tác với đài trong những ngày đầu còn bộn bề khó khăn. Có lần, chúng tôi nhậu tới 2 giờ sáng, chưa đã nhưng hết tiền, cả bọn rủ nhau đến đập cửa phòng Thi đề nghị tạm ứng nhuận bút nhậu tiếp. Thi lồm cồm ngồi dậy, ra mở cửa, hỏi rõ ngọn ngành rồi không hề trách một câu, sốt sắng lấy tiền của mình đưa cho chúng tôi. Ra tới cổng Thi còn dặn, uống vừa vừa thôi còn đủ sức mà về. Những ngày sau, chúng tôi cố “cày”, không phải chỉ để trả món nợ tạm ứng nhuận bút mà để trả cái tình mà Thi đã dành cho bạn bè.

 

Tôi quen Thi trong một lần vào Nha Trang thăm vợ chồng Kỳ Linh. Hôm đó Linh kiếm đâu được mấy cái vé xem vở kịch nói Vụ án một ngàn ngày của Lưu Quang Vũ - đang là sự kiện gây xôn xao dư luận. Qua trò chuyện, tôi biết Thi đồng tuổi với mình, cùng sinh năm Canh Dần, cũng dân gốc gác kỹ thuật mà lại rất am hiểu về văn nghệ. Năm 1972, đang học Đại học Bách khoa, khoa Vô tuyến, Thi xung phong đi bộ đội phục vụ trong các đơn vị phòng không, sau giải phóng về trường học lại, tốt nghiệp về công tác tại Đài Phát thanh Phú Khánh. Sau buổi làm quen đó, chúng tôi như có một sự đồng cảm về nhau, từ đó mỗi lần vào Nha Trang tôi lại ghé thăm Thi, còn khi “dẫn quân” ra Tuy Hòa chuẩn bị thành lập đài, Thi tìm gặp tôi ngay để tìm hiểu thêm về lực lượng những người cầm bút ở thị xã. Với tính phóng khoáng, tấm lòng chân thành, Thi được bạn bè quý mến và anh có khả năng tập hợp được mọi người. Chính vì vậy mà mới chân ướt chân ráo ra Tuy Hòa, đài phát thanh hoạt động chưa được bao lâu, không biết do nguyên cớ nào mà Thi đứng ra thành lập Đoàn ca múa nhạc, tập hợp được không ít ngôi sao đang lên ở trong Nam ngoài Bắc cùng các nghệ sĩ trong tỉnh, thi thố rầm rộ với các tỉnh bạn và cũng đoạt nhiều giải cao, khuấy động được bầu không khí trầm lặng của thị xã tỉnh lỵ. Nhiều người khi nhắc đến những ngày này đều coi đó là những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời nghệ sĩ.

 

Trong cái nhìn của tôi, Thi là một người thích phiêu lưu, mạo hiểm và thích một cuộc sống sôi động, cho dù là trong công việc hay trong đời thường. Trong công việc, giá như người khác, đã an vị ở cái chức giám đốc một cơ quan thông tin đại chúng cho đến ngày về hưu. Nhưng cái máu phiêu lưu không để cho Thi yên, bày đặt làm kinh tế. Thời bao cấp còn ngọ ngoậy được chút ít, đến lúc kinh tế thị trường bùng nổ, không có kiến thức chuyên môn về kinh tế là “sập tiệm” liền. Có lẽ công việc chiếm khá nhiều tâm huyết của Thi đó là khi làm đề tài khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu và chế tạo hệ thống thu-phát trực canh cứu nạn trên biển”. Đúng ngành nghề, đúng đam mê, vì vậy mà công trình đã được nghiệm thu và đưa vào Chương trình quốc gia về tự động hóa. Những công việc Thi làm, có thể thành công hay thất bại, nhưng anh đều làm với một niềm đam mê nồng cháy.

 

Trong cuộc sống, Thi là người sống hết mình. Hết mình với quê hương, vợ con, họ hàng và với bè bạn, cũng chính vì vậy mà Thi được nhiều người quý mến. Hôm vào dự đám cưới con gái đầu lòng của Thi, tôi thấy có nhiều người bay từ Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế vào, Sài Gòn ra. Nhà thơ-nhà báo Lê Bá Dương cho tôi biết: Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng hương Vĩnh Linh ở Khánh Hòa, Thi đã phát động đợt quyên góp “Một ngàn cuốn sách cho quê nghèo”, rồi anh tự mình hai lần mang sách ra cho thư viện các xã vùng sâu vùng xa ở Vĩnh Linh. Về quê, thấy cuộc sống của đồng bào còn khó khăn quá, Thi đã dùng tiền riêng của mình mua 2 bộ máy vi tính tặng cho trường học của huyện. Anh cũng là người đề xướng và chủ trì thực hiện tập sách tư liệu lịch sử về các chiến dịch K8, K9, K10 năm 1967 của Huyện ủy Vĩnh Linh theo Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, đưa con em vùng chiến tranh ác liệt ra Bắc nuôi dưỡng, đào tạo để sau này về quê hương phục vụ. Thi không kịp hoàn thành công trình như kế hoạch, nhưng nhà thơ Lê Bá Dương đã hứa với huyện là sẽ thay Thi làm chủ biên, hoàn thành tập sách để đền đáp với quê hương. Trước khi vào bệnh viện, Thi còn kịp làm một đặc san về Vĩnh Linh, gởi tặng bạn bè như một lời tri ân với xứ sở. Lẽ đời, ta đối xử với người thế nào, người sẽ đối xử với ta như vậy. Cũng chính vì hết lòng với bạn mà Thi không giữ được sự điều độ cần thiết cho sức khỏe, mỗi lần gặp bạn là vui hết mình nên bệnh cứ tái đi tái lại.

 

Hôm Thi ra Tuy Hòa sau ngày được lắp máy trợ tim, tôi hỏi, bác sĩ dặn sao, Thi cười đáp, sắp tới có thể chơi bóng đá được, nhưng trước mắt kiêng bia rượu, chỉ một chút vang đỏ hoặc một chai Heneken thôi. Tôi gọi Heneken, khui một chai đặt trước mặt Thi, bảo, phần của ông đây. Tôi rót cho mình và những người khác. Quay qua quay lại, khi chúng tôi uống hết chai của mình, thì chai của Thi cũng gần hết. Tôi không thể cầm lòng ngồi uống, đành thay nước khác mà cảm thấy cay cay nơi sống mũi. Giá như Thi sinh hoạt điều độ hơn, chắc có thể còn sống được nhiều năm nữa. Nhưng như vậy đâu còn là Thi như tôi biết.

 

Nghĩa trang TP Nha Trang chiều đầu đông. Mọi người đã ra về chỉ còn lại tôi và Lê Bá Dương đứng bên mộ Thi. Những cơn gió lạnh lùa qua khe núi làm lay động những ngọn nến. Chứng kiến sự ra đi của bè bạn, đôi lúc tôi có cảm nghĩ, cuộc đời con người sao mà mong manh như ngọn nến trước gió. Thi giống như ngọn nến, bấc thì to nhưng sáp thì nhỏ. Bấc to để cháy cho thật sáng, còn trái tim yếu ớt của Thi như lớp sáp mỏng, dẫu có bùng lên, nhưng chỉ vèo một lát là hết. Thi là ngọn nến đã cháy đến giọt sáp cuối cùng, hết mình với đời.

 

ĐÀO MINH HIỆP

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek