Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 25 năm 2008 có chủ đề “Vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam” đã thu hút sự tham gia của 1.081 tác giả từ 62 tỉnh, thành phố trong cả nước và một Việt kiều Mỹ, với 4.241 tác phẩm ảnh được gởi đến ban tổ chức. Hội đồng nghệ thuật (HĐNT) do Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch thành lập gồm 9 thành viên đã chọn 281 tác phẩm của 225 tác giả ở 47 tỉnh, thành phố để triển lãm, trong số đó có 30 tác phẩm được trao giải.
Trong phòng triển lãm – Ảnh: KIM LONG
Đây là lần thứ tư liên tiếp kể từ năm 2004, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc. Khác với những lần trước, năm nay sau khi khai mạc triển lãm tại thủ đô Hà Nội, ban tổ chức đã đem bộ ảnh này vào trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh từ ngày 31/10 đến ngày 14/11/2008 và tổ chức trao giải cho các tác giả ở khu vực phía nam, từ Đà Nẵng đến Cà Mau. Đây là dịp những nhà nhiếp ảnh và người yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh khu vực phía nam được thưởng lãm “chính phẩm” các tác phẩm ảnh nghệ thuật của các nhà nhiếp ảnh cả nước.
Với không gian rộng, thoáng và đẹp của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, các tác phẩm ảnh dường như được “nâng cấp” thêm một bước: rực rỡ hơn, sang trọng hơn. Có thể thấy được một cách toàn diện cảnh sắc và con người Việt
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đồng Đức Thành, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh, thành viên HĐNT, cho biết: Ban tổ chức yêu cầu các tác giả phải tự khắt khe với chính mình trước khi gửi tác phẩm dự thi. Mỗi tác giả phải tự đánh giá tác phẩm của mình và chỉ được gửi tối đa 6 tác phẩm. Chính vì vậy, HĐNT phải vất vả phân tích từng tác phẩm để đánh giá chính xác. Các tác phẩm được triển lãm, đặc biệt là những tác phẩm được trao giải, là những sản phẩm của tình yêu quê hương đất nước và cũng là sản phẩm của lao động nghệ thuật miệt mài, cần mẫn, có trách nhiệm của các nghệ sĩ. Ông cho rằng: “Sứ mệnh của nhiếp ảnh là khám phá bản chất chân thật của con người, xã hội và thiên nhiên trong một hoàn cảnh cụ thể. Nhà nhiếp ảnh không thể làm việc như một người du lịch đi chụp ảnh, được thư thả thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên, con người, tiện thì chụp, không tiện thì thôi. Nhà nhiếp ảnh phải vất vả vì trăn trở, săn lùng, tìm kiếm, phát hiện, tiếp đó là tìm cách thể hiện sáng tạo và sau cùng là xử lý kỹ thuật trên giấy ảnh hoặc trên các vật liệu khác cho chuẩn mực”.
Ông Chu Chí Thành, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Chủ tịch HĐNT triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 25 đánh giá: “Cái được lớn nhất của cuộc thi và triển lãm ảnh lần này là chất lượng ảnh khá đồng đều, hướng tới ý nghĩa nhân văn và ý nghĩa xã hội”. Về hình thức thể hiện, ông nhận xét: Ở cuộc thi này, ban tổ chức không tách biệt hai lĩnh vực nhiếp ảnh: ảnh chụp trực tiếp và ảnh kỹ xảo. Điều đó không có nghĩa là tác giả và giám khảo được quyền lẫn lộn trong sáng tác cũng như trong thẩm định vì mỗi loại hình nhiếp ảnh này có mục đích thể hiện riêng, có phương pháp thể hiện riêng và có hiệu quả thẩm mỹ khác nhau. Với ảnh chụp trực tiếp, tiêu chí bắt buộc là tôn trọng đối tượng khách quan, giây phút bấm máy luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu, sau đó mới tính đến các yếu tố khác. Với ảnh kỹ xảo, tiêu chí cơ bản là ý tưởng và tính logic của hình tượng. Loại ảnh này thường diễn tả các hiện tượng nhân sinh, xã hội mang tính triết lý, khái quát hoặc cường điệu. Người ta chấp nhận yếu tố ảo trong ảnh”. Ông phê bình một số tác giả lẫn lộn giữa hai loại hình này và gửi đến dự thi một số tác phẩm chắp ghép, lai tạp lộ liễu, trái thực tế.
KIM LONG