Thứ Sáu, 29/11/2024 03:35 SA
Lê Văn Ngăn - một đời thơ lặng lẽ
Thứ Năm, 06/11/2008 14:27 CH

Tôi đồ rằng hai câu thơ Từ đó tôi dành niềm tin / Cho các nhà thơ không bao giờ lớn tiếng là một “tuyên ngôn” của thi sĩ Lê Văn Ngăn.

 

Le-Van-Ngan-081106.jpg

Nhà thơ Lê Văn  Ngăn (bìa phải) cùng các thi hữu: Mai Thìn, Phạm Dạ Thủy... Nguồn: phamdathuy. Vnweblogs

 

Trong các tuyển tập in chung, ở phần “trích ngang” cuộc đời-tác phẩm, ông viết hết sức ngắn gọn “có những người bạn thân ở nhiều nơi trong nước”. Tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước trước 1975 tại Đà Lạt, bút lực luôn dồi dào nhưng Lê Văn Ngăn chỉ in duy nhất tập thơ riêng, khi đã vào tuổi 65.

 

Tôi vẫn còn nhớ cảm giác tươi mới, khi đọc thơ Lê Văn Ngăn trong những ngày còn là sinh viên ở Đà Lạt. Ấy là những bài thơ ông “gởi cho đông vui” (như sau này ông tâm sự) dự thi thơ trên tuần báo Văn Nghệ năm 1990-1991 và đoạt giải nhì. Đây là một trong những giải thưởng hiếm hoi mà Lê Văn Ngăn nhận được, bởi ông không thích đem tác phẩm đi thi thố.

 

Trò chuyện nhiều lần, Lê Văn Ngăn mới chịu giải bày: Năm học đệ thất, ông có thơ in trên báo Phụ nữ Thứ bảy. 18 tuổi, ông viết bài Người phu xe “Cha đã lăn cho con những vòng xe/mồ hôi chảy xuống lấp lánh mặt trời/đọ sức cùng thiên nhiên/… Sao mà những nếp nhăn/sao mà khuôn mặt héo… Thời sinh viên (1964-1966) ở Trường Sư phạm Quy Nhơn, Lê Văn Ngăn đã in ronéo tập thơ có tựa Trên đồng bằng.

 

Năm 1972, Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Văn Nghệ giới thiệu bài thơ Sóng vẫn đập vào eo biển, Báo Thống Nhất đăng bài Đất của những người bất phục khiến Lê Văn Ngăn được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, so với nhiều bạn bè tài hoa cùng thế hệ, tên tuổi của ông lặng lẽ hơn rất nhiều.

 

Mãi đến năm 65 tuổi, Lê Văn Ngăn mới in tập Viết dưới bóng quê nhà với 46 bài trong hàng ngàn thi phẩm của mình. Ông tặc lưỡi: “Thơ của thi sĩ thuộc về người đọc, thơ hay thơ dở chỉ cần “lộ” ra một tí là thiên hạ biết ngay. Chỉ cần in báo, in mấy tuyển tập chung với anh em kiếm tí nhuận bút uống cà phê là đủ rồi…”.

 

Lê Văn Ngăn xuề xòa trong cuộc sống nhưng rất khắt khe trong sáng tạo; ông viết nên những vần thơ quyết liệt nhưng trong cuộc sống thì rất lặng lẽ và khiêm nhường. Ông nói giọng Huế rặt, dẫu gần trọn cuộc đời sống xa quê. Ông nặng lòng với người quen thân, những vùng đất đã qua. Và rồi ông viết. Lê Văn Ngăn chẳng bao giờ cố làm nhà thơ, bởi trong máu và cả đời ông đã là thi sĩ…

 

Anh em trong giới văn nghệ ở miền Trung vẫn lưu truyền nhiều giai thoại về sự đãng trí của Lê Văn Ngăn. Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng kể: Anh đi với tôi, gặp nhà thơ X. Anh mừng rỡ bảo: “Trời ơi, lâu quá, giới thiệu với ông đây là nhà thơ Y”. Khi gặp nhà thơ A, anh vui vẻ giới thiệu. Tôi chơi “ngẳng” thì thào vào tai anh: “Đó đâu phải anh A”. Lập tức anh bắt tay anh A và nói: “Xin lỗi B nhé, hồi nãy mình quên nên giới thiệu là A”. Anh mê ngồi quán so tài điều khiển “xe-pháo-mã”, sợ mất xe đạp nên chạy ra khóa… xe người khác! 

 

Ngoại trừ một số bài thơ thuở đôi mươi, thơ Lê Văn Ngăn xuôi theo tâm tưởng, không vần nhưng đầy nhịp điệu của một nhà thơ luôn tự biết làm mới mình qua từng con chữ. Cách đây gần hai mươi năm, tôi thuộc làu bài Quà tặng của ông: Anh gởi tặng em tiếng chuông đồng hồ điểm / Để ở hai nơi cách xa nhau, chúng ta cùng thức dậy giữa đêm khuya / Thầm hỏi về những tháng năm đã sống / Hạnh phúc thường đến kèm theo những nỗi sợ hãi…

 

Nhà thơ Ngô Thế Oanh nói: “Thơ Lê Văn Ngăn thấm vào ta những cảm xúc bao giờ cũng chân thực, chân thành… Thơ Lê Văn Ngăn chính là con người, cuộc đời anh”.

ĐỨC TUẤN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek