Thứ Năm, 19/09/2024 08:48 SA
Nâng cao năng lực, kỹ năng bảo vệ bản thân cho phụ nữ
Thứ Ba, 07/11/2023 10:00 SA

Phụ nữ chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng, góp phần nâng cao vị thế và tiếng nói trong gia đình và xã hội. Ảnh: THIÊN LÝ

Bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối và đáng báo động trong xã hội. Phụ nữ bị BLGĐ phần lớn là do thiếu kiến thức về Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới. Do đó, phụ nữ cần trang bị những kiến thức cần thiết cũng như cách tự bảo vệ khi xảy ra hành vi bạo lực.

 

Nhiều quan điểm có hại trong gia đình

 

Từ thời phong kiến, bất bình đẳng giới, BLGĐ vốn đã tồn tại trong nhiều gia đình với tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Người phụ nữ chỉ ở nhà lo chuyện bếp núc, sống phải nhìn sắc mặt của chồng nên họ dễ trở thành nạn nhân của BLGĐ; thậm chí có thể bị đem ra mua bán, trao đổi như một món hàng.

 

Chị Lê Thị Thu ở xã An Chấn (huyện Tuy An) chia sẻ: “Tôi thấy đa số các bà, các mẹ bị ảnh hưởng nặng tư tưởng phong kiến. Họ luôn quan niệm vợ chồng “đóng cửa bảo nhau”, rồi âm thầm chịu đựng khi bị bạo lực, dần dần trở thành nạn nhân của BLGĐ trong một xã hội hiện đại. Do vậy, BLGĐ, bất bình đẳng giới vẫn tồn tại”.

 

Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, người phụ nữ có việc làm ổn định, có thu nhập để tự nuôi sống bản thân, gia đình và có những vị trí cao trong xã hội nên họ ít bị lệ thuộc vào nam giới. Nhưng như thế không hẳn là không còn tình trạng BLGĐ. Hành vi BLGĐ không còn gói gọn trong việc đánh đập về thể chất mà còn bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế hay bạo lực về tình dục...

 

Kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ do Tổng cục Thống kê thực hiện theo yêu cầu của Bộ LĐ-TB&XH cho biết có 35,9% phụ nữ Việt Nam quan điểm ủng hộ việc nam giới là người ra quyết định và là chủ gia đình. Phụ nữ ở nông thôn ủng hộ quan điểm này nhiều hơn so với phụ nữ ở thành thị. Nhóm phụ nữ không được đi học hoặc có trình độ học vấn thấp thường đồng tình với quan điểm có hại này.

 

Thực trạng này đã chỉ ra phụ nữ bị BLGĐ phần lớn là do thiếu kiến thức về pháp luật, đặc biệt là kiến thức về Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới. Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 ngày 14/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, gồm 6 chương, 56 điều, tăng 10 điều so với Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007, trong đó có một số điểm mới và nội dung về trợ giúp pháp lý.

 

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022, người bị BLGĐ được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định nạn nhân BLGĐ có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý...

 

Nâng cao vị thế của phụ nữ

 

Nhằm góp phần xóa bỏ BLGĐ, trong những năm qua, các sở, ban ngành, đoàn thể và địa phương trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình... Các tầng lớp nhân dân đã nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng gia đình văn hóa. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam được giữ gìn và phát huy. Tỉ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa ngày càng tăng theo xu hướng bền vững. Nhiều hộ gia đình tiêu biểu, là tấm gương sáng trong lao động sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm hòa thuận, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Trong khi đó, cùng với xây dựng hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống BLGĐ, Bộ VH-TT&DL cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình phòng, chống BLGĐ trong tình hình mới đến năm 2025. “Bên cạnh truyền thông, tập huấn về phòng, chống BLGĐ, ngành Văn hóa sẽ tập trung vào việc xây dựng, hướng dẫn quy trình tiếp nhận, xử lý vụ việc BLGĐ; quy trình bảo vệ an toàn, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, cung cấp và tư vấn thông tin về quyền, nghĩa vụ cho người bị bạo lực phân theo nhóm đối tượng...”, bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết.

 

Theo các chuyên gia về gia đình, việc phụ nữ chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng, tích cực học hỏi, nỗ lực nâng cao trình độ công nghệ, trình độ ngoại ngữ... để thích ứng trước những đòi hỏi của việc làm chất lượng cao và sự dịch chuyển lao động trong kỷ nguyên công nghệ số chính là góp phần nâng cao vị thế và tiếng nói của phụ nữ trong gia đình và xã hội, làm giảm tình trạng BLGĐ hiện nay.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek