Thứ Năm, 19/09/2024 09:10 SA
Mùa coi nước
Thứ Sáu, 03/11/2023 17:27 CH

Ảnh minh họa: Internet

Mùa đã chuyển. Sáng thức dậy thấy bầu trời nặng dần với tầng tầng mây xám. Những cơn gió sớm mai nghe hơi mọng nước, con phố quen bỗng xao xác heo may, vậy là miền Trung vào mùa mưa rồi.

 

Mảnh đất quê tôi, ở đó người ta dẫu chẳng muốn mà vẫn được luyện cho nhiều kỹ năng ứng phó thiên tai, bởi hiếm hoi lắm mới có năm không bị lụt. Dân miền Trung mấy ai không nằm lòng câu “Ông tha mà bà chẳng tha; làm cho cái lụt hăm ba tháng mười”, hoặc chí ít cũng biết phải qua ngày 23 tháng 10 âm lịch hàng năm mới hết lụt, là quy luật của thiên nhiên. Lo chạy lụt đã, qua mốc 23 tháng 10 mới xắn tay vào vụ đông xuân.

 

Tuy Hòa khi tôi mới lớn còn là thị xã nhỏ xíu. Nhà tôi ở gần chợ trung tâm của thị xã, trên trục đường ngang dẫn thẳng ra bờ sông. Khu vực này là rốn lụt của thị xã trong mỗi mùa mưa. Tuổi thơ tôi thiếu những kỷ niệm chơi đùa với trẻ con hàng xóm, chỉ biết đi học về là quanh quẩn trông em, coi nhà khi ba má đi làm. Tôi mù mờ về khái niệm “xóm tao” khi nghe lũ bạn cùng lớp hào hứng kể chuyện, để rồi bao năm tuổi thơ mãi ngại ngùng không dám hỏi “Xóm mình là đâu?”. Nhưng bù lại, tôi thừa kinh nghiệm làm chị hai, nhất là trong chuyện chợ búa, giặt giũ, cơm nước, kể cả chăm tưới đám rau cùng lũ gà.

 

Rồi những mùa mưa. Chị em tôi được ba má quấn trong tấm ni lông, choàng qua đầu túm 2 góc thắt chéo phía dưới mặt rồi vòng qua cổ cột lại sau gáy thành những búp bê Matrioska, lút cút đến trường. Hồi đó cứ tự hỏi sao không thấy bạn nào có áo mưa giống mình? Giờ ra chơi những ngày mưa, chuyện đi coi nước trở thành chủ đề rôm rả của đám học trò tụm ba tụm bảy. Trường nằm ở gần sông, cũng không xa biển, nhiều học sinh ngụ cư ven sông, gia đình theo nghề sông nước, biển giã, có lẽ vì thế mà biết nhiều về con nước mùa lụt và thường kéo nhau đi coi nước.

 

Người lớn, trẻ con tụ tập trên cây cầu bắc ngang sông để coi nước sau những ngày mưa nhiều ở thượng nguồn. Dòng sông thường ngày hiền hòa tưởng chừng không chảy, xa tít dưới cầu thì nay ngầu đỏ phù sa, cuồn cuộn dâng gần tới mố cầu, đổ ra cửa biển. Người dân bám lan can cầu nhìn theo dòng nước, lác đác có vài người buông câu để thỉnh thoảng giật cần kéo vụt lên chú cá cùng tiếng trầm trồ của đám đông. Chỉ vậy mà vui, mà ngày nào người dân thị xã cũng xúm xít về đó, các bà hàng rong chớp thời cơ bày mẹt mía, ổi, mận… bán cũng rất chạy.

 

Người ta cũng ra biển mùa này không để coi nước mà nhặt rìu trên bãi. Rìu là những cành củi, có khi là thanh gỗ, mảnh ván từ nguồn theo dòng sông đổ ra biển và sóng đánh dạt lên vương vãi theo triền cát. Biển bây giờ như giận dữ ai, cứ sôi sục ầm ào sóng nước đục ngầu phù sa, miệt mài quăng lên bờ bãi đầy rìu. Người ta nhặt rìu về làm củi, đỡ được kha khá tiền trong nhiều tháng, đôi khi còn may mắn nhặt được mấy gốc cây hình thù kỳ lạ, tha hồ về tạo tác thành những pho tượng thú, tượng người theo trí tưởng tượng bay bổng.

 

Với chị em tôi, coi nước không chỉ là thú giải trí những tháng mùa mưa, mà coi để canh khi nào nước lên kịp chạy lụt. Chị em tôi có kiểu coi nước riêng. Hằng ngày đi chợ, tôi hóng hớt từ các bà các chị để biết những ngày qua nhiều mưa nguồn, nguy cơ thị xã ngập lụt thì chủ động mua gạo, trứng, cá mực muối, khoai, bí... trữ sẵn cho cả nhà ăn được vài ngày, cũng không quên mua ít bao ni lông lớn và vài cây đèn cầy bằng ngón tay cái. Tôi dặn đứa em ra đường chú ý khi nào thấy nước từ miệng các cống chảy tràn ra thì phải chạy ngay về báo. Không nhớ từ đâu mà tôi biết được nước sông lớn sẽ vào cống và tràn ra đường, theo dõi sẽ biết tốc độ nước lên để dọn đồ đạc tránh lụt.

 

Thường nước lên buổi chiều, có khi ba má chưa tan sở, tôi ở nhà chỉ huy 2 đứa em tóm hết những thứ lặt vặt cho vào các túi ni lông dọn lên lầu, rút các hộc tủ thấp đặt lên cao, sắp sẵn những cái ghế gỗ đợi ba về kê nâng xe máy, tủ lạnh... Cũng chuẩn bị sợi dây baga dài với tấm bạt nhựa lớn để sẵn sàng bít miệng giếng nếu nước phủ qua...

 

Chị em tôi có nhiều kỷ niệm mùa lụt. Nhớ nhất là trò bỏ đứa em út vào cái thau to đẩy quanh sân khi nước ngập gần đến bẹn, thi thoảng lén ra đường nhìn những chiếc ghe lướt ngang thường là đưa người đi chợ họp ở ngã năm đường Trần Hưng Đạo. Hồi chưa có nước máy, giếng ngập, hết nước dự trữ thì chúng tôi hứng nước mưa dùng. Con hẻm nhỏ cạnh nhà tôi thông thẳng đến chợ, mỗi mùa lụt nước từ phía chợ chảy xuống khá mạnh có khi dưa, bầu, bí, mướp cũng theo, chị em tôi vớt được, má biểu đem chia hàng xóm.

 

Nhà tôi có 1 chiếc ghe nhỏ chở được 3 người, ba mua để đến lụt thì hạ xuống chở má con tôi coi nước hoặc quanh qua nhà ngoại, nhà dì nên chị em tôi đều biết chèo ghe. Có những mùa lụt, trời mưa tôi vẫn trùm áo mưa theo ba chèo ghe về nhà ngoại tiếp tế thực phẩm, rồi chèo qua cánh đồng phường 5, ra Bình Kiến. Tôi vừa tát nước, vừa được nghe ba dạy cho nhiều kỹ năng sống. Lần đó ba dặn, nếu lỡ té xuống nước hoặc gió mạnh lật ghe thì quan trọng nhất là phải bình tĩnh, làm sao lột được áo mưa nhanh nhất để không bị vướng rồi mới bơi vào nơi nào gần nhất có thể bám được, đợi người cứu nếu bờ quá xa. Nghĩ lại cha con cũng rất liều vì hồi đó làm gì có áo phao.

 

Nhớ cây lụt hồi 1993, chỗ ngập sâu nhất trong nhà lên quá ngực ba tôi, nước lên nhanh như trận lụt năm 2021 gần đây. Mấy cha con ngâm mình kê dọn đồ lên cao trên 1m vẫn không thấy nước đứng, quá mệt đành bỏ nhiều thứ không thể dọn kịp. Rồi nước cũng đứng, qua đêm thì rút dần, cha con lại lăn ra dọn lụt. Kinh nghiệm dọn lụt là nước rút đến đâu dọn đến đấy. Nước để lại bùn bám mọi ngóc ngách, in vết khó phai trên tường, nên lúc nước xuống phải tranh thủ vừa quét chà bùn vừa tạt rửa, sau dùng nước giếng dội lại mới sạch mà đỡ nhiều công. Nếu lụt ngập giếng thì đợi có điện trở lại bơm nước xả dọn bùn, cũng sẵn đảo sạch giếng. Có những năm sau khi nước rút thì trời đổ mưa, người ta nói đó là mưa dọn bùn, và bùn phù sa này rất tốt cho cây.

 

Khi tôi có gia đình, cũng có vài năm nhà bị ngập lụt, tôi cũng cho con gái vào thau đẩy và kể cho con về những trò nghịch nước ngày xưa. Đã hơn chục năm từ khi chuyển nhà đến nay tôi không còn dọn lụt nữa. Và chuyện coi nước cũng thành quá vãng bởi công tác dự báo mưa lũ và thông báo xả lũ của các hồ thủy điện được thực hiện khá tốt. Nhưng đọc thông tin về những thiệt hại do bão, lũ gây ra cho bà con, dù là ở tỉnh mình hay địa phương nào cũng không khỏi cảm giác ngậm ngùi. Chợt nghĩ, kỹ năng sống và ứng phó thiên tai luôn cần thiết. Và tinh thần tương trợ, sẻ chia của dân mình sau những đợt thiên tai cũng là tự nhiên được kết tạo, trao truyền.

 

Mùa mưa lại về, nghe hơi nước trong những cơn gió nồm chợt thấy bồi hồi. Chẳng thể nào quay lại những mùa mưa xưa, với những kỷ niệm nhọc nhằn ngày chạy lụt với ba má, để bây giờ vẫn mãi ấm áp trong ký ức. Cuộc sống như dòng sông cứ hối hả chảy về phía trước, không có thời gian để kịp mua một vé về thăm lại tuổi thơ. Thôi thì tự ru mình trong tiếng mưa ào ạt đang gõ vào cửa kính ngoài kia. 

 

KHÁNH UYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek