Khi chúng tôi đến nhà thì Bảy Thảng, tên thật là Nguyễn Bình Thảng (ở thôn Phú Thọ, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa), đang nằm trên chiếc võng treo ngoài hiên, nghêu ngao ca hát một mình: “À ơ... Chiều chiều lại nhớ chiều chiều/ Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai... Áo vắt vai quần hai ống ướt, chữ nghĩa chừng nào lấn lướt vô thi”…
Trong ảnh: Bảy Thảng (thứ hai từ phải qua) trong tiểu phẩm “Vườn cây ao cá”- giải A tiểu phẩm tại Hội thi cán bộ làm công tác dân vận khéo tỉnh Phú Yên lần thứ 2 năm 2007 - Ảnh: CTV
Bảy Thảng năm nay đã xấp xỉ tuổi 50. Từ nhỏ, ông đã được làm quen và tập tành hát dân ca khu V. Những người “thầy” của ông đều là người địa phương, vốn là nghệ sĩ của các đoàn dân ca, như Bùi Thành, Nguyễn Thành Nhân… Mê hát quá, năm 1986, Bảy Thảng vào Khánh Hòa học hát dân ca khu V. Một năm sau đó, ông theo đoàn Ca kịch khu V Trầm Hương học nghề.
Nhưng rồi một thời gian sau, khi nghề hát dân ca không đủ kế sinh nhai, Bảy Thảng quay lại quê hương Hòa Hiệp, lập gia đình, làm nhiều nghề kiếm sống. Dù vậy, niềm đam mê những làn điệu dân ca khu V đặc sắc vẫn cứ chảy mãi trong huyết quản của ông. Bảy Thảng và những người có “máu mê” dân ca ở địa phương thỉnh thoảng lại tổ chức hát hò “tại gia” cho “đỡ ghiền”…
Lời ca, tiếng hát của Bảy Thảng luôn được tán thưởng khi ông tham gia các đợt biểu diễn văn nghệ ở thôn, ở xã. Nhiều thanh niên trong làng vốn ưa chuộng nhạc trẻ sôi động, nhưng khi nghe Bảy Thảng hát dân ca cổ truyền cũng đâm ra ghiền và quyết định mang cơm áo tới nhà ông để học hát loại nhạc này. Trong số những người ấy, có người đã để lại dấu ấn bằng những bài hát dân ca trong phong trào văn nghệ quần chúng ở Phú Yên như chị Nguyễn Thị Ái Phi (thôn Phú Thọ), anh Lê Ngọc Duy (thôn Phú Hòa)... Cả hai đứa con gái của Bảy Thảng cũng được ông “truyền nghề”. Đứa lớn bây giờ đang theo học nghệ thuật sân khấu, còn đứa út thường theo cha đi diễn, đạt nhiều giải thưởng cao cấp tỉnh, cấp huyện.
Năm 2006, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Hòa quyết định thành lập Câu lạc bộ (CLB) Đàn và hát dân ca của huyện. CLB này có 32 thành viên, gồm những người biết hát dân ca trong xã Hòa Hiệp Trung và những “học trò” của Bảy Thảng làm hạt nhân để gây dựng phong trào. Bảy Thảng được bầu làm Phó chủ nhiệm CLB. Mỗi tháng một lần, các thành viên của CLB lại tập trung sinh hoạt, ca hát. Ngoài số thành viên chính thức, trong những lần sinh hoạt này còn thu hút nhiều người yêu thích hát dân ca ở các địa phương khác. Bên cạnh ca hát, gây dựng phong trào, CLB còn sưu tầm các bài dân ca khu V lưu truyền trong dân gian. Cũng năm 2006, khi CLB Đàn và hát dân ca huyện Đông Hòa được Chi hội Sân khấu thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Yên mời làm lực lượng nòng cốt tham gia lưu diễn chương trình “Đưa sân khấu vào học đường”, thì tên tuổi diễn viên Bình Thảng - Bảy Thảng “nổi” hẳn.
Bảy Thảng nói: “Tôi cứ nghĩ giới trẻ ngày nay đã quay lưng lại với thể loại âm nhạc dân gian đặc sắc của quê hương nhưng thực tế không phải vậy, thanh thiếu niên bây giờ rất thích nghe và xem ca kịch dân khu V. Nhưng để khán giả không quay lưng lại với các loại hình sân khấu cổ truyền, trong đó có loại hình dân ca kịch khu V thì phải có kịch bản hay, diễn viên đa năng, sắc thái nghệ thuật phải luôn đổi mới.
Để làm được điều đó, chỉ có sự nhiệt huyết của những người yêu nghệ thuật thì chưa đủ, cần phải có sự quan tâm đúng mức từ phía cơ quan chức năng để bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa phi vật thể này”. Từ năm 2007, Bảy Thảng đã viết lời, dàn dựng nhiều kịch bản ca kịch khu V giúp nhiều cơ quan, đơn vị trong huyện, tỉnh tham gia các hội thi cấp tỉnh, khu vực đạt nhiều giải cao. Đó là các tiểu phẩm “Hết lòng hối cải”, “Vườn cây ao cá”, “Em đã thầm yêu”… Ngoài ra, với vai trò là diễn viên, Bình Thảng cũng đã đạt nhiều giải diễn viên xuất sắc cấp tỉnh và Trung ương.
Ông Lê Văn Hiếu, Chi hội Trưởng Chi hội Sân khấu nhận xét về Bảy Thảng: “Anh Bình Thảng là một người tâm huyết trong việc giữ gìn vốn liếng dân ca khu V. Bên cạnh tài hát, tài diễn, anh còn có tài viết lời mới cho làn điệu dân ca, sáng tác và dàn dựng nhiều kịch bản hay. Có những người như anh Bảy Thảng thì không sợ những làn điệu dân ca bị mai một, thất truyền”.
LÊ THANH HỘI