Lăng Phước Đồng (xã An Hòa Hải), lăng Phú Lương, lăng Tam Tòa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) đều thờ thần Nam Hải (cá Ông) và một số vị thần khác. Đây là những cơ sở tín ngưỡng ra đời cùng với quá trình hình thành làng xã, có vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh và mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng biển này.
Tại hội thảo di tích lịch sử - văn hóa về 3 lăng này, các nhà nghiên cứu lịch sử, khoa học, thành viên xét duyệt hồ sơ di tích tỉnh cùng đại diện các ban lạch và lãnh đạo địa phương đã làm rõ tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hóa, kinh tế của các di tích. Đây là cơ sở để UBND huyện Tuy An hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Hình thành từ thời mở đất
Ông Đào Ngọc Sơn, Trưởng lạch Phước Đồng cho hay: “Thời vua Gia Long (1802-1820), làng Phước Đồng đã lập lăng thờ cúng cá Ông, nhưng khi đó chỉ là một ngôi am thảo sơ, sau tiến dần lên lợp ngói vảy. Qua hai cuộc chiến tranh lăng bị sập đổ. Sau ngày giải phóng, người dân tạo lập trên khuôn viên đất cũ (cách nền cũ 40m). Hiện nay, lăng được xây dựng nhà chánh điện, nhà võ ca, nhà tiền hiền và miếu thờ bà Thủy Long”.
Tương tự Phước Đồng, làng Phú Lương lập lăng thờ cúng cá Ông, khi đó cũng chỉ là ngôi am nhỏ, mái lợp bằng tranh rạ, sau đó lợp ngói vảy, vách đất tô bồi thêm thành vách vôi. Đây là một trong những lăng có kiến trúc cổ xưa, gồm một cổng chính và hai cổng phụ. Trên đầu hai cổng phụ đặt hai ông nghê, phía trên đỉnh nhà chánh điện được điêu khắc họa tiết trang trí long chầu mặt nguyệt, thể hiện sự uy nghi, tôn nghiêm và cao quý của lăng Ông. “Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lăng Phú Lương bị tàn phá. Trải qua thời gian dài bão tố, sóng gió từ cửa biển tràn vào cuốn đi móng của hai cổng phụ và cổng chính. Nước sông lấn vào đất liền trước lăng 10m. Đến năm 1998, lăng được UBND huyện Tuy An cho phép trùng tu, người dân Phú Lương xây dựng lại lăng trên nền cũ với diện tích 108m2. Năm 2000 làm thêm nhà võ ca lợp bằng tôn. Năm 2018, lăng được trùng tu lại khang trang, nền và các trụ được ốp gạch...”, bà Huỳnh Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông cho biết.
Lăng Tam Tòa do ông Đỗ Ngạc khai sơn tạo lập từ thời mở đất. Trước đây lăng có 3 tòa nhà, gọi là Tam Tòa Miếu (có người gọi là Tam Tà Miếu) thờ các vị thần, thánh: Bà Chúa Đầm, Hà Bá, Quan Thánh, Ông Nam Hải... Vào thời Gia Long, lăng được vua ban Lăng Bắc Dị. Trong chiến tranh, khu vực này không có dân cư nên lăng bị bỏ hoang. Sau năm 1975, ngư dân lạch Lễ Thịnh tu bổ lại Tam Tòa Miếu để thờ các vị thần, thánh và thờ cá Ông, nên gọi là lăng Tam Tòa, trước khi tu bổ tại khu miếu còn các câu liễn đối.
Đề nghị xếp hạng các di tích
Theo bà Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy An, lăng Phước Đồng, Phú Lương và Tam Tòa là những cơ sở tín ngưỡng, tâm linh có vai trò quan trọng trong đời sống người dân địa phương, chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử - văn hóa của cộng đồng dân cư sinh sống ven biển Phú Yên. Các lăng có đầy đủ yếu tố để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Việc xếp hạng các lăng không chỉ nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của người dân miền biển Tuy An, Phú Yên mà còn góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của di tích các lăng đến với đông đảo người dân và khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
ThS Nguyễn Hoài Sơn, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Phú Yên, cho rằng: Ở phần giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của các di tích, cần đánh giá sâu hơn về phong tục thờ cúng cá Ông ở những nơi này và làm rõ tín ngưỡng thờ cúng cá Ông đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của người dân vùng biển như thế nào? Ngoài giá trị về hiện vật, cũng cần làm nổi bật giá trị tâm linh của các di tích. Hơn nữa, các di tích này không chỉ có giá trị về mặt văn hóa - lịch sử mà còn có giá trị trong việc phát triển kinh tế, du lịch của địa phương. Bên cạnh đó, các di tích còn thể hiện đạo lý truyền thống của ông cha, góp phần cố kết cộng đồng, bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống và hình thức vui chơi, diễn xướng dân gian khác. Từ đó gìn giữ và phát huy những giá trị cốt lõi của người dân vùng ven biển Tuy An nói riêng và Việt Nam nói chung.
Nói riêng về lăng Tam Tòa, ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng tỉnh nhìn nhận: Theo nghiên cứu, lăng Tam Tòa có tên gốc là Tam Tòa Miếu. Có thể do hoạt động tín ngưỡng biến đổi theo thời gian nên tên gọi khác nhau. Vì vậy, địa phương cần cân nhắc về việc lấy tên gốc để đảm bảo tính chính xác trong lý lịch di tích. Đặc biệt, chính quyền cần sớm hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích. Đây là điều kiện bắt buộc để xét duyệt di tích cấp tỉnh...
Trên cơ sở ý kiến phân tích của các nhà nghiên cứu lịch sử, khoa học, thành viên xét duyệt hồ sơ di tích tỉnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An Nguyễn Văn Hoàng yêu cầu các phòng, ban liên quan xem xét, điều chỉnh, bổ sung dữ liệu và hoàn thiện hồ sơ các di tích; các thôn, xã có di tích phải bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của di tích đó. “Việc bài trí trong các điểm di tích cần khoa học, tôn nghiêm nhằm phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục giá trị truyền thống lịch sử - văn hóa cho các thế hệ...”, ông Hoàng nói.
THIÊN LÝ