Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2023 dành cho học sinh từ tiểu học đến THPT trên địa bàn tỉnh nhằm hình thành thói quen, khơi dậy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào đọc sách trong thế hệ trẻ; khuyến khích việc chia sẻ, lan tỏa niềm yêu thích đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc.
Lãnh đạo Sở VH-TT&DL và Sở GD-ĐT trao giải nhất cho các thí sinh. Ảnh: THIÊN LÝ |
Cuộc thi do Sở VH-TT&DL phối hợp Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn tổ chức với thông điệp lan tỏa tình yêu đọc sách, qua đó khơi dậy trách nhiệm mỗi người, gia đình, xã hội về niềm tự hào dân tộc, tình yêu Tổ quốc.
Những bài học quý
Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa) không chỉ có nhiều học sinh tham gia cuộc thi này nhất mà còn là trường có nhiều thí sinh đạt giải. Kết quả này là trái ngọt từ sự nỗ lực của mỗi thí sinh, sự chăm chút của gia đình, thầy cô giáo trong việc ươm mầm, nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho các em.
Xuất sắc giành 1 trong 3 giải nhất của cuộc thi, thí sinh Phạm Ngọc Giao - cô học trò lớp 12A4, Trường THPT Lê Hồng Phong, chia sẻ cảm nhận về một cuốn sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn của tác giả Phạm Lữ Ân bằng những dòng cảm xúc chân thực: Lần giở những trang sách của Phạm Lữ Ân, hành trình qua 40 bài viết là chặng đường khám phá những khía cạnh cuộc sống. Mọi vật nảy nở từ cái tôi, ta sẽ đi đến đâu nếu không biết mình là ai? Lắng nghe chính mình để hiểu những giá trị độc nhất, cá tính không thể lặp lại và khát vọng ẩn giấu. Biết mình, con người học cách nâng niu, trân trọng những báu vật như ước mơ - tài sản quý báu nhất của thanh xuân với “Ta đã làm chi đời ta?” hay sự trong sáng của tấm lòng bằng cách vun trồng “Một chùm hoa vô ưu” trong trí. Và chỉ khi “Lắng nghe lời thì thầm của trái tim”, ta mới nghe thấu cuộc đời...
Trong bài thi, Ngọc Giao đã mang đến 2 trong 40 bài học quý giá mà tác giả đã gửi gắm trong Nếu biết trăm năm là hữu hạn. Xuyên suốt mạch cảm xúc, cô nữ sinh tuổi 17 luôn tin rằng, Phạm Lữ Ân đã dành trọn vẹn tình cảm của mình vào trong 40 mẩu chuyện. “Điều làm em thích nhất ở cuốn sách này là ngoài chứa đựng những bài học, cuốn sách như một lời động viên, giúp con người có thể vực dậy sau những mất mát. Ngoài các triết lý sâu sắc thì cuốn sách còn là những chiêm nghiệm riêng của tác giả nhưng rất hữu ích đối với người trẻ. Đặc biệt, cuốn sách lôi cuốn người đọc bởi nhiều hình minh họa. Mỗi chi tiết mang lại cho người đọc cảm giác tươi mới, lạc quan, nhất là những hình ảnh về thiên nhiên, tạo cho người đọc có cảm giác an yên hơn”, Ngọc Giao bày tỏ.
Liên tiếp 2 năm liền đạt giải nhất cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc do tỉnh tổ chức, lần thi này Lương Trần Thủy Tiên, học sinh lớp 9G, Trường THCS Tôn Đức Thắng (TX Đông Hòa) đã chọn tác phẩm Cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn của đại văn hào Mark Twain nói về cuộc phiêu lưu kỳ diệu của cậu bé Huck tinh nghịch và anh Jim trên dòng Mississipi. Thủy Tiên cho biết đây là cuốn sách em đã đọc vào mùa hè năm trước và vô cùng yêu thích. Khi cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc được phát động, em đã dành hơn 3 ngày để vừa nghiền ngẫm lại cuốn sách, vừa suy nghĩ và viết cảm nhận của mình. Em mong muốn bài viết của mình sẽ góp phần lan tỏa, để mọi người biết tới một cuốn sách hay và đầy ý nghĩa với những bài học quý về tình bạn bao la, không phân biệt ranh giới của tôn giáo, sắc tộc. “Tình người nảy nở trên trang văn sẽ làm con người cảm nhận được những giá trị cao đẹp và học được cách trân trọng cuộc sống. Để rồi, những câu văn mang đậm chất thơ trong tiểu thuyết của Mark Twain sẽ chở che trái tim của bao thế hệ người đọc như em đến suốt cuộc đời”, Thủy Tiên bày tỏ.
Em Phạm Ngọc Giao trao đổi về bài dự thi với cô Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong. Ảnh: THIÊN LÝ |
Mở rộng quy mô tổ chức
Theo ban tổ chức cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, cuộc thi nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với lứa tuổi thanh thiếu nhi, từ đó khuyến khích, thúc đẩy văn hóa đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho các em. Đồng thời khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đọc trong việc góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước giàu đẹp, văn minh đối với thế hệ trẻ.
Sau một thời gian phát động, cuộc thi đã nhận được 11.182 bài dự thi từ 47 trường học các cấp trên địa bàn tỉnh. Các bài dự thi bám sát thể lệ của ban tổ chức, thể hiện tình yêu sách của bản thân thông qua việc chia sẻ, cảm nhận sách để truyền cảm hứng, hướng đến lối sống tích cực, trách nhiệm với xã hội; khát vọng cống hiến, xây dựng, phát triển quê hương đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Nhiều bài dự thi được đầu tư, trình bày công phu cả về nội dung lẫn hình thức, có nhiều sáng tạo, ứng dụng yếu tố công nghệ, phù hợp với lứa tuổi, có tính lan tỏa tích cực trong cộng đồng.
“Trong những năm tiếp theo, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc sẽ được tổ chức với quy mô lớn, rộng hơn, hướng đến nhiều đối tượng dự thi, bao gồm cả sinh viên các trường đại học, cao đẳng... Từ đó góp phần khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách trong cộng đồng, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trên toàn tỉnh”, bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết.
Còn theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thị Ngọc Ái, ngoài giúp các em học sinh hiểu được giá trị to lớn của sách, cuộc thi còn nhằm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, đổi mới công tác tổ chức hoạt động và quản lý thư viện trường học. Cùng với tổ chức các hoạt động, sân chơi bổ ích, lôi cuốn, mỗi trường cần tổ chức các cuộc thảo luận, chia sẻ, trao đổi, khuyến khích các bậc phụ huynh dành thời gian và hướng dẫn con em đọc sách ở nhà...
Cô Trần Thị Kim Cúc, giáo viên Trường THCS Tôn Đức Thắng (TX Đông Hòa) - mẹ của Thủy Tiên, chia sẻ: “Trên cơ sở sở thích của con như vẽ tranh, học ngoại ngữ, tôi đã chọn những đầu sách văn học nước ngoài nhằm giúp con có thể tiếp cận nhiều hơn những cuốn sách hay của thế giới. Bên cạnh đó, tôi còn thiết kế một không gian đọc sách lý tưởng và xây dựng một khung giờ học tập khoa học để giúp con đọc sách hiệu quả hơn. Tôi cũng thường xuyên chia sẻ với con về những giá trị tốt đẹp của những cuốn sách hay”.
Theo cô Kim Cúc, ngày nay, việc đọc sách trong mỗi gia đình không chỉ cần được đề cao mà còn phải được mọi người có ý thức gìn giữ. Cha mẹ cần làm gương và có những phương pháp khích lệ tinh thần con trẻ khi đọc sách hơn là ép buộc. Như vậy, các em mới tiếp thu được nhiều tri thức, nâng cao năng lực bản thân.
Trong những năm tiếp theo, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc sẽ được tổ chức với quy mô rộng hơn, hướng đến nhiều đối tượng dự thi, bao gồm cả sinh viên các trường đại học, cao đẳng… Từ đó góp phần khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách trong thế hệ trẻ.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thị Hồng Thái |
THIÊN LÝ