Gần đây, sau khi ngành Giáo dục xuất bản sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 2, trong đó có bài thơ Đi trong hương tràm, một số bạn đọc, thầy cô giáo và học sinh lớp 10, qua thư gửi cho tôi, muốn tìm hiểu về sự ra đời bài thơ đó.
Nhà thơ Hoài Vũ. Tranh: LÊ SA LONG |
Vắn tắt câu chuyện như sau:
Trong cuộc tiến quân đợt 1 hướng về Sài Gòn xuân Mậu Thân 1968, với tư cách phóng viên chiến trường của Báo Văn nghệ Giải phóng, tôi bám theo một đơn vị chủ lực. Vì hành quân thần tốc và giữ bí mật tuyệt đối, chúng tôi phải lội suốt đêm trên đồng tràm mênh mông, nước ngập ngang bụng. Khi trời vừa sáng, tôi cảm thấy đôi chân tê buốt và trong người bắt đầu hâm hấp sốt. Duỗi chân ra xem, tôi bất ngờ phát hiện 10 ngón chân đều bị tróc hết móng, máu và bùn đen bện chặt, đau buốt không sao tả xiết. Tai nạn này đã buộc tôi phải tạm thời ở lại trạm giao liên dã chiến. Tôi nằm giữa đồng tràm để nhờ chăm sóc, trong khi đại quân vẫn tiếp tục tiến về phía trước.
Gọi là trạm nhưng nơi đây chỉ có 5, 6 cô gái với những chiếc võng treo tòn ten giữa những thân tràm, và trên các cành tràm móc đầy khăn rằn, bình đông chứa nước...
Tôi sốt cao, được các cô ở trạm giao cho cô Lan trực tiếp chăm sóc. Là một cô gái 18 tuổi ở vùng sông nước, Lan hiền hậu, chân chất, đã lo cho tôi mọi thứ một cách tận tình, chu đáo và dễ thương như một đứa em gái. Ngày nào em cũng lặn lội ra sông rạch mò cua bắt cá về nấu cháo cho tôi ăn và luôn ngồi bên cạnh thỏ thẻ nhắc tôi ăn cho hết để mau khỏe.
Ngày tôi rời trạm, Lan một mình đưa tôi vượt qua biết bao hiểm nguy để đến trạm tiền phương của Sài Gòn an toàn.
Sau cuộc tiến quân đợt 1, tôi trở lại trạm này để nhờ các cô chuyển bài viết lên trên cho các báo, đài. Trước khi rời Sài Gòn, tôi không quên mua mấy ve dầu thơm để làm quà tặng em Lan. Vừa đến trạm, tin sét đánh dội vào tim tôi, quá bất ngờ và đau xót: Lan bị trực thăng Mỹ rượt bắn và đã ngã gục bên một gốc tràm trên đường trở lại trạm ngay sau khi đưa tôi đi trót lọt về hướng Sài Gòn.
Theo đề nghị của tôi, các em giao liên ở đây đã chỉ cho tôi chỗ em Lan nằm lại. Đó là một nắm đất cô đơn lạnh lẽo, nằm bên gốc tràm; những chiếc lá tràm vàng khô rơi đầy. Nhìn nấm mộ, nghĩ tới tuổi 18 của em mà tôi không cầm nổi nước mắt.
Tôi móc túi lấy ra mấy ve dầu thơm, mở nắp rồi cúi xuống vừa rưới hết lên mộ em vừa gọi: “Lan ơi, trời sáng rồi, dậy đi em! Anh từ Sài Gòn về có quà cho em đây nè! Dậy, rửa mặt, xoa dầu lên má, lên tóc nghen em!”. Không có tiếng em đáp lại. Không, không hẳn thế! Lời đáp của em, tiếng lòng của em chính là tiếng gió đột ngột khua xào xạc trên các ngọn tràm, và theo đó hương tràm cũng lặng lẽ tỏa ra, nồng nàn mà đau buốt!
Tối hôm đó, tôi xin các em ở trạm một cây đèn dầu rồi ngồi viết một mạch bài thơ Đi trong hương tràm. Nhớ em Lan quá, cảm xúc như bị nén chặt bỗng vỡ òa ra trên trang giấy, không có cách gì cản lại được.
Đến sáng, bài thơ này được tôi chép thành hai bản, một bản bỏ vào túi, một bản nhờ các em ở trạm chuyển về trên. Sau đó ít lâu, Báo Văn nghệ Giải phóng ở trong Nam và Báo Văn nghệ ở ngoài Bắc đã in bài thơ này. Và rồi, nhạc sĩ Thuận Yến - một nhạc sĩ tài hoa đã phổ nhạc bài thơ này. Với tiếng hát tuyệt vời của nghệ sĩ Thu Hiền qua sóng phát thanh, truyền hình, Đi trong hương tràm được nhiều người biết và yêu thích.
Em Lan giao liên hy sinh đến nay đã 55 năm, và 55 năm Đi trong hương tràm, tôi vẫn còn vương vấn mãi mùi nồng đượm của hương hoa tràm - một loài cây kiên cường, thủy chung, trinh bạch như con người trên vùng đất phương Nam của Tổ quốc.
Đi trong hương tràm
Em gửi gì trong gió trong mây Ðể sáng nay lên Vàm Cỏ Tây Hoa tràm e ấp trong vòm lá Mà khắp nơi mây hương tỏa bay!
Dù đi đâu và xa cách bao lâu Dù gió mây kia đổi hướng thay màu Dù trái tim em không trao anh nữa Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau.
Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu Có nỗi thương đau, có niềm hy vọng Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng Hương tràm bên anh, mà em đi đâu?
Dù đi đâu, và xa cách bao lâu Anh vẫn có bóng em giữa bóng tràm bát ngát Anh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh ngát Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao... |
HOÀI VŨ