Thứ Hai, 30/09/2024 15:37 CH
Trung thu xóm trọ - truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Thứ Sáu, 29/09/2023 17:00 CH

Minh họa: PV

Xóm trọ mà Gạo đang sống nằm lọt thỏm trong vô số những xóm trọ khác gần cụm công nghiệp phía bắc thành phố. Bố mẹ Gạo đi làm trái ca, cứ người này về nhà thì người khác vừa mới đi xong. Có khi cả tuần bố mẹ chẳng kịp nhìn thấy mặt nhau. Có dặn dò việc gì thì thông qua Gạo hoặc ghi trên chiếc bảng treo ở góc nhà. Gạo thích nhìn những nét chữ được ghi vội vàng, nguệch ngoạc trên bảng. “Chiều nay mua 5 cân gạo quán bà Thơm, gạo rẻ nhất”. “Chiều em nhớ đi họp phụ huynh cho con. Mang theo tiền đóng học”. “Em nhớ bôi mặt dầu gấc nhé. Anh mới chưng được 1 lọ, để trong ngăn mát tủ lạnh”. “Gạo ở nhà học bài, quét nhà, nhặt rau, gấp quần áo giúp mẹ”. Có đôi khi trên tấm bảng xuất hiện thêm một cái mặt cười, một bông hoa giấy.

 

Gạo cùng những đứa trẻ trong xóm trọ nghèo quanh quẩn trong căn phòng 20m2 và mảnh sân chung phía trước. Cùng đi học, cùng tha thẩn chơi chung dưới gốc bàng già rồi cùng chờ đến giờ tan ca bố mẹ trở về xóm nhỏ. Bạn của Gạo cũng đủ mọi hoàn cảnh khác nhau đến từ những miền quê xa lắc. Bố mẹ các bạn không phải ai cũng là công nhân trong khu công nghiệp. Có người thu mua đồng nát, người chạy xe ôm, người bán vé số, người buôn thúng bán mẹt ngoài lề đường, người rửa bát thuê quán cơm bụi ngoài đầu ngõ. Gạo đã quen với những khuôn mặt lam lũ nơi mình sống. Tha thiết nhìn ngắm họ mỗi ngày bằng đôi mắt hồn nhiên của lứa tuổi lên mười. Những ngày nghỉ, Gạo thích được đến nhà bạn chơi nhìn thế giới trong mười mấy mét vuông chật hẹp. Nhà Hạnh chật nhất, trong phòng chất đầy đồ đạc chỉ còn chừa lại một lối đi. Nhiều khi Gạo vô tình chạm vào thứ này thứ kia khiến đồ đạc xô nhau đổ xuống. Hạnh vừa xếp lại đồ vừa cười bảo:

 

- Toàn đồ mẹ tớ xin hoặc mua rẻ của người ta. Chúng vẫn còn dùng được, bán đi thì tiếc mà để lại có khi không dùng đến. Bố cứ mắng mẹ hoài vì sợ nhà sắp thành bãi rác.

 

- Mẹ tớ cũng vậy. Mấy cái túi ni lông đi chợ về cũng giặt sạch phơi khô, gập gọn lại cất đi. Để đựng rác, gói ghém đồ đạc mỗi khi cần.

 

- Những lúc đau đớn trong người, bố tớ thường nhạy cảm với mọi thứ xung quanh. Bố tớ nói trong nhà toàn mùi rác. Cậu có thấy thế không?

 

- Tớ không ngửi thấy mùi gì hết. Tớ thích nhà cậu. Mà bố tớ từng nói nếu chúng ta cười nhiều thì trong nhà luôn có mùi đầm ấm.

 

- Tớ chỉ mong bố khỏe mạnh thôi. Khi không bị bệnh tật hành hạ bố tớ vui vẻ lắm. Hình như khi ấy tớ có ngửi thấy mùi đầm ấm mà cậu nói.

 

Gạo nhìn bạn trong lòng trào lên thứ tình thương khó tả. Nhà Hạnh nghèo, mẹ là lao động chính trong nhà mưu sinh bằng nghề thu mua đồng nát. Lúc nào gặp mẹ Hạnh cũng thấy cô ấy chở ngất nghểu mấy bao tải phía sau. Giấy vụn, đồ điện cũ hỏng, chai lọ lỉnh kỉnh khiến cô xiêu vẹo cả người. Có hôm Gạo chạy lại đẩy giúp cô đến tận nơi thu mua. Nhìn lưng áo cô đầm đìa mồ hôi Gạo thấy thương như là thương mẹ.

 

Bố Hạnh thì đau yếu thường xuyên, có khi nằm cả ngày trong nhà không làm được việc gì. Để đỡ đần cho mẹ, sau giờ học Hạnh đi bán bóng bay ở các khu vui chơi trong thành phố. Những khi vắng khách, Hạnh tìm một chỗ ngồi giở sách ra học bài. Hạnh thường trở về nhà vào lúc tối muộn khi những đứa trẻ khác trong xóm trọ đã lên giường đi ngủ để sáng mai còn dậy sớm đi học. Trừ những ngày mưa gió, còn lại Hạnh không bỏ buổi bán hàng nào. Những ngày lễ tết thì càng bán được nhiều bóng bay. Vậy nên suốt mấy năm nay Hạnh không được đón Trung thu cùng bạn bè trong xóm trọ. Mà chẳng riêng gì Hạnh, có biết bao bạn khác trong những xóm trọ nghèo còn bận mưu sinh vì miếng cơm manh áo mà không thể hồn nhiên ngắm trăng, rước đèn và phá cỗ. Bình bán vé số, Xương mải đi đánh giày, Hòa rửa bát cho quán cơm. Có về đến nhà thì ngoài đường đã vãn người, cỗ đã phá xong, trăng có khi cũng đã lẩn vào mây trốn tìm với gió.

 

- Năm nay bạn có ở nhà đón Trung thu cùng xóm trọ không? Gạo hỏi Hạnh lúc hai đứa tựa đầu vào gốc cây trứng cá nhìn bầu trời mùa thu qua tán lá.

 

- Chắc là không vì tớ còn phải đi bán hàng. Hôm ấy có khi cả nhà tớ cùng đi bán bóng bay và đồ chơi. Vì đường phố đông vui lắm, chỗ nào cũng thấy các bạn nhỏ xúm xít vui đùa. Năm nào tớ cũng bán hết hàng mang theo. Có những năm còn không đủ bán.

 

- Tết Trung thu mà không được đi chơi, cậu có buồn không?

 

- Tớ đi bán bóng bay, gặp gỡ và mang niềm vui đến cho rất nhiều bạn nhỏ nên thích lắm. Hơn nữa còn kiếm được tiền phụ mẹ. Tớ chỉ mong một năm có đến vài cái tết Trung thu ấy chứ.

 

Gạo ngoảnh sang nhìn Hạnh, chỉ muốn ôm chặt bạn một cái. Người bạn quanh năm mặc áo cũ, đi dép cũ, chiếc cặp sách cũng là đồ mẹ bạn xin được đâu đó mang về. Trong nhà bạn gần như chẳng có thứ đồ đạc nào được mua mới. Ngay cả những bữa cơm canh có khi vài miếng thịt kho, ít đậu rán, đĩa dưa muối cũng là đồ người ta dúi cho mẹ bạn. Nhưng Hạnh chưa bao giờ tỏ ra chạnh lòng trước hoàn cảnh của mình. Gạo từng nhìn thấy bạn nhận từ tay mẹ chiếc dây buộc tóc có đính hình chiếc lá còn lấm lem bùn đất bằng ánh mắt rạng rỡ vui mừng. Gạo yêu ánh mắt ấy nên yêu tất thảy sự lam lũ của đời sống xung quanh bạn. Thỉnh thoảng Gạo hay chạy sang nhà Hạnh để dúi vào tay bạn thanh kẹo nhỏ, cuốn truyện hay. Cũng có khi chạy sang để được nhìn thấy dáng bạn lúi húi ngồi học bài sau giờ đi bán bóng…

 

- Mẹ ơi. Con ước gì tết Trung thu này được phá cỗ cùng tất cả các bạn, không thiếu một ai mẹ ạ. Nhưng Hạnh nói phải đi bán bóng…

 

- Vậy thì tất cả chúng mình sẽ rủ bạn đến chung vui và mua hết số bóng mà bạn có. Thay vì chơi đèn lồng thì tiền đó chúng mình để chơi bóng được không?

 

Gạo ngẩn người ra mấy giây rồi nhảy cẫng lên vui sướng. “Mẹ giỏi quá. Sao mẹ nghĩ ra hay vậy”. Gạo lao vào ôm mẹ, hít hà thỏa thuê mùi mồ hôi của mẹ trên lưng áo công nhân. Gạo nhớ ra đã lâu lắm rồi mình không ôm mẹ như thế. Hình như càng lớn Gạo càng thấy ngượng ngùng khi thể hiện tình cảm trước mọi người. Gạo đâu biết rằng một vòng ôm ấm áp của mình đã có thể khiến mẹ lâng lâng hạnh phúc.

 

Cuối cùng sau bao mong ngóng thì ngày rằm tháng tám cũng đã đến. Tụi Gạo háo hức đến mức trong đầu chật ních những câu hỏi về Trung thu. Gạo cứ đi ra đi vào, nâng lên đặt xuống bánh nướng hình đàn heo con mà mẹ mới mua về. Gạo mong mãi đến tối để đặt từng con heo nhỏ vào tay các bạn. Mẹ còn mua một rổ hồng chín đỏ, mấy quả bưởi ngọt để tối góp vui. Năm nào cũng vậy, cả xóm tổ chức Trung thu bằng cách nhà nào có gì góp nấy. Trung thu năm nay cũng vậy, nhà nào cũng giục nhau ăn cơm sớm để còn trải chiếu ra sân bày cỗ. Trẻ con mặc quần áo đẹp, háo hức cầm mấy cái trống con gõ ầm ĩ xóm. Bốn cái chiếu được trải ra sân chung, bóng điện bật sáng trưng khắp dãy trọ. Gạo mang đàn heo ngộ nghĩnh ra xếp hàng, mấy đứa nhỏ xúm vào cười khúc khích. Người bổ cam, người gọt hồng, người tỉ mẩn ngồi làm chú chó bằng tép bưởi. Ai đó mua về ít bánh kẹo, bim bim. Lại có nhà góp vui bằng ít kẹo lạc tự làm, ít ống thổi mang từ quê xuống. Gạo nhấp nhổm nhìn ra cổng mấy lần, cứ thấy tiếng cửa sắt kêu kèn kẹt là ào ra đón. Hôm nay Bình nghỉ bán vé số, Xương đánh giày về sớm, Hòa được chủ quán cơm cho nghỉ và hứa không trừ lương. Chỉ còn thiếu mỗi Hạnh, bạn tranh thủ đi bán bóng từ chiều mà lâu về quá chừng. Mẹ cười bảo “đừng có lo, mẹ đã dặn cả nhà Hạnh tối nay về chung vui với chúng ta rồi. Mình cứ dọn cỗ ra, tí nữa bạn sẽ về”.

 

Tám rưỡi tối thì cả nhà Hạnh về, mang theo chùm bóng bay hình các con vật với đủ các màu sắc khiến trẻ con trong xóm trọ thích mê. Gạo ùa ra dắt tay bạn vào trong hỏi có mệt không? Có đói không? Tối nay có bán được nhiều bóng bay không? Mẹ muốn mua tất cả số bóng bay còn lại. Hạnh ỏn ẻn bảo “đây là quà cháu mang về tặng các bạn trong xóm trọ. Hôm nay mẹ con cháu bán được nhiều rồi”. Gạo vui quá chừng, ngồi một chỗ nhìn các em nhỏ chạy lăng xăng khắp sân, trên tay đứa nào cũng cầm một quả bóng bay. Trăng ngày rằm tròn quá, mẹ nói trăng mười sáu sẽ còn tròn hơn. Đêm Trung thu trăng đi theo dấu chân trẻ nhỏ khắp mọi miền vẫn không quên ghé thăm những xóm trọ nghèo nằm lọt thỏm giữa thành phố xô bồ. Gạo quay sang nhìn Hạnh, thấy bạn cũng đang ngửa cổ ngắm trăng. Trong đôi mắt đen láy của bạn ánh lên niềm hạnh phúc…

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek