Thứ Hai, 25/11/2024 11:23 SA
Gắn kết yêu thương qua bữa cơm hàng ngày
Thứ Ba, 26/09/2023 10:16 SA

Đối với người Việt, bữa cơm không chỉ đơn thuần là được cùng ăn những món ngon với các thành viên trong gia đình, mà đặc biệt hơn, đó là sự gắn kết, hình thành nên truyền thống gia đình.

 

Thuyết trình về bữa cơm gia đình tại hội thi nấu ăn do Sở VH-TT&DL tổ chức. Ảnh: THIÊN LÝ

 

Vun đắp hạnh phúc

 

Với bà Nguyễn Thị Tạnh ở xã An Mỹ (huyện Tuy An), để giữ nếp nhà, vào những ngày nghỉ, nhất là dịp lễ tết, bà luôn tổ chức những bữa cơm sum họp để các thế hệ trong đại gia đình cùng quây quần. Mọi người cùng chuyện trò, chia sẻ sau chuỗi ngày làm việc, học hành... Những bữa cơm như vậy giúp gắn kết các thành viên trong gia đình, là khoảng thời gian mọi người cảm thấy vui vẻ, ấm áp.

 

Bà Tạnh chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng làm gương cho các cháu, cư xử đúng mực, công bằng; răn dạy con cái phải gương mẫu từ chính những hoạt động hằng ngày, biết tôn trọng, quan tâm chăm sóc ông bà nội ngoại, cư xử đúng mực với bà con lối xóm. Bên cạnh đó, tôi luôn lắng nghe chia sẻ, là chỗ dựa tinh thần cho con; đồng thời dành nhiều thời gian gần gũi, trông nom dạy dỗ các cháu khi cha mẹ chúng bận rộn công việc làm ăn...”.

 

Anh Đoàn Văn Thanh, con trai của bà Tạnh cho rằng, chính cách cư xử của bậc làm cha mẹ trong gia đình sẽ góp phần hình thành nên nhân cách của con cái. Vì vậy vợ chồng anh luôn sắp xếp công việc để có thời gian về nhà chăm bà, chăm con; cùng nhau ăn bữa cơm gia đình. “Thông qua những lúc sum họp gia đình, con cháu được ông bà cha mẹ răn dạy những điều hay lẽ phải như: uống nước nhớ nguồn, biết kính trên nhường dưới, vâng lời cha mẹ... Đặc biệt qua những bữa cơm đầm ấm, mọi người yêu thương nhau hơn, nề nếp gia đình được giữ gìn”, anh Thanh bày tỏ.

 

Kết nối các thế hệ

 

Theo kết quả điều tra gia đình Việt Nam, mô hình hộ gia đình hai thế hệ khá phổ biến (chiếm tỉ lệ 63,4%). Hộ gia đình ba thế hệ trở lên - gia đình mở rộng có xu hướng giảm. Hình thái gia đình hạt nhân tỏ ra có nhiều ưu điểm hơn bởi nó tồn tại như một đơn vị độc lập, gọn nhẹ và có khả năng thích ứng nhanh với các biến chuyển của xã hội. Tuy nhiên, gia đình hai thế hệ có sự đứt gãy trong việc trao truyền kinh nghiệm sống, lễ giáo... từ ông bà, người cao tuổi trong gia đình.

 

Các chuyên gia về gia đình cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cuộc sống ngày càng trở nên bận rộn, thời gian dành cho nhau giữa các thành viên trong gia đình mỗi ngày một ít. Ai cũng vội, ai cũng thiếu thời gian... nên không có nhiều cơ hội để tâm tình, quan tâm đến nhau. Hơn nữa, quá trình công nghiệp hóa gắn liền với đô thị hóa và di cư lao động nên con cái trưởng thành có xu hướng rời xa cha mẹ để đi lao động kiếm sống. Hệ quả là một bộ phận không nhỏ cha mẹ già phải sống cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Mối liên hệ giữa cha mẹ già và con cháu chủ yếu thông qua điện thoại. Thậm chí, một bữa cơm gia đình cũng không trọn vẹn.

 

Vì vậy, tìm về giá trị gia đình, làm ấm thêm mái ấm và có thời gian gần gũi với cha mẹ, con cái; làm những việc mà ngày thường bận rộn họ không thể có đủ thời gian làm được... là điều rất cần thiết. Sợi dây gắn kết yêu thương từ đó cũng bền vững hơn khi các thành viên trong gia đình đã xích lại gần nhau, có trách nhiệm với nhau, sẻ chia yêu thương và cùng nhau gánh vác mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

 

Việc vun đắp để có những bữa cơm gia đình đầy đủ thành viên trong gia đình không chỉ thể hiện ý thức, trách nhiệm của các thành viên, mà còn là dịp để mỗi người xem xét, nhìn nhận lại mình, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, điều chỉnh suy nghĩ và hành động đúng đắn hơn, tốt đẹp hơn. Mỗi gia đình hạnh phúc sẽ góp nên một phần không nhỏ để xây dựng một xã hội văn minh, tràn đầy những giá trị tốt đẹp, nhân văn. Đó là nhìn nhận chung của nhiều chuyên gia về gia đình Việt. 

 

Thông qua những lúc sum họp gia đình, con cháu được ông bà cha mẹ răn dạy những điều hay lẽ phải như: uống nước nhớ nguồn, biết kính trên nhường dưới, vâng lời cha mẹ... Đặc biệt qua những bữa cơm đầm ấm, mọi người yêu thương nhau hơn, nềnếp gia đình cũng được giữ gìn.

 

Anh Đoàn Văn Thanh, xã An Mỹ, huyện Tuy An

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek