Thứ Sáu, 29/11/2024 07:52 SA
Họa sĩ viết văn
Những “tay cọ” bị “chữ ám”
Thứ Năm, 30/10/2008 14:00 CH

Rất nhiều người được học hành bài bản để vẽ lại lao vào cầm bút vung vẩy chữ. Có những họa sĩ viết văn thành danh đến độ người đời quên béng tay cọ họ đang cầm, nhưng cuối cùng họ vẫn là những họa sĩ đích thực.

 

hoa-081030.jpg

Họa sĩ Ly Hoàng Ly triển lãm sắp đặt cùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong

 

“DANH VĂN” ÁT “DANH VẼ”

 

Rất nhiều họa sĩ được đào tạo bài bản hẳn hoi nhưng lại được gọi là… nhà văn. Những họa sĩ viết văn dạng này còn rất trẻ, như Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Thuần, Vũ Đình Giang, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thị Châu Giang, Song Phạm… Những cái tên vừa nêu phần lớn gắn với những tiểu thuyết, truyện ngắn, tập thơ đã xuất bản trong thời gian qua. Nhắc đến Nguyễn Danh Lam, người ta nhớ đến tiểu thuyết Giữa vòng vay trần gian, Bến vô thường; Nguyễn Ngọc Thuần với các tập truyện thiếu nhi Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm mộng; Vũ Đình Giang có tập truyện Kẻ lạ nhìn tôi từ phía sau, Song song; Ly Hoàng Ly có tập thơ Cỏ trắng và tập Lô Lô mà chị đã từ chối giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2006; Nguyễn Thị Châu Giang có các tập truyện Biển trên núi, Đèn lồng treo cao, Chợ tình; Song Phạm có tập thơ Tôi uống bầu trời trong ly nước nhỏ… Tuy nhiên, suốt nhiều năm liền của thời sinh viên trong trẻo, họ đã “mài” mòn ghế giảng đường trường Đại học Mỹ thuật. Vậy tại sao danh xưng của họ không gắn liền với nghề nghiệp đã được đào tạo chính quy?

 

Nhà văn Nguyễn Danh Lam cho biết: “Tôi chẳng tham gia gì ở mảng mỹ thuật đã gần 10 năm nay, trừ việc viết vài ba cái tin, còn bên văn thì xuất hiện lai rai. Vậy nên, nếu người ta biết thì biết về văn là dĩ nhiên. Có rất nhiều nguyên nhân, riêng tôi có thể liệt ra vài ý thế này. Chủ quan, hiện tôi mê văn nhiều hơn mê vẽ. Ý tưởng văn luôn “phục kích” trong đầu, cần và có thời gian là mở máy ra gõ được ngay, không phải phác thảo, căng bố, bày giá, nặn sơn, cạo palette… Một nguyên nhân chủ quan nữa là tôi đang đọc nhiều, nên tư duy cũng thiên về tư duy từ ngữ, ý tưởng cũng là ý tưởng từ ngữ”. Còn nhà thơ Song Phạm nói: “Tôi vẫn cầm cọ, dù vẽ không thật nhiều; thường chỉ những bức khổ nhỏ dành tặng bạn bè. Chỗ tôi trọ cũng chật hẹp, không đủ điều kiện để bày biện, càng không có chỗ để treo tranh”.

 

Nhà văn Vũ Đình Giang phân biệt rạch ròi giữa vẽ và viết: “Mặc dù được biết đến qua các cuốn sách, nhưng cũng giống nhiều nhà văn khác xuất thân từ đủ các thành phần nghề nghiệp, tôi tách bạch giữa hai nghề trên. Chúng được vận hành độc lập, và tôi không so sánh chúng”.

 

VIẾT VĂN, NHƯNG KHÔNG BUÔNG “TAY CỌ”

 

Về một trong nhiều lý do khách quan để các họa sĩ nêu trên ít cầm cọ mà tập trung vào viết văn, Nguyễn Danh Lam lý giải: “Tình hình mỹ thuật khoảng hơn chục năm trở lại đây… buồn quá! Nhiều họa sĩ cặm cụi vẽ bao lâu mới được một phòng tranh, tranh đẹp hẳn hoi, nhân dịp mở triển lãm cá nhân, vài tờ báo đưa cho mấy dòng tin, rồi tất cả lại chìm vào quên lãng (!). Ngược lại, nhiều người vẽ rất chán, thế mà cứ xuất hiện ùn ùn! Các cây bút viết về mỹ thuật mà hiểu về mỹ thuật trên mấy tờ báo ít năm trở lại đây gần như vắng bóng. “Gu” thẩm định không có, nên viết “trớt quớt”, tranh đẹp không biết khen, mà tranh “bờ hồ” lại lăng xê nức nở… Tình hình “nhiễu” như thế, làm sao có thể tạo được một môi trường khích lệ người vẽ?

 

Có thể có ý kiến cho rằng, nhiều cây bút viết văn làm thơ mà vẫn không buông cọ, hoặc đang tìm đến cây cọ, và rất được chú ý đó thôi. Nói thật, nếu bây giờ tôi mở triển lãm mỹ thuật cá nhân, hẳn tôi sẽ có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều để người ta biết đến, so với một người bạn vẽ đẹp hơn tôi, mà chưa từng viết văn, làm thơ. Đấy là một sự thật rất… cắc cớ!”. Có đến chơi nhà của Nguyễn Danh Lam mới thấy, tranh anh vẽ khá nhiều như thể chờ sẵn một ngày đẹp trời gặp gỡ người xem.

 

Nổi danh trong làng văn, song những cái tên như Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Ngọc Thuần, Vũ Đình Giang vẫn hoạt động mỹ thuật đều đặn. Đầu tháng 6 vừa rồi, Ly Hoàng Ly triển lãm sắp đặt cùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong nhân ngày Quốc tế thiếu nhi.

 

Nguyễn Ngọc Thuần thường xuyên xuất hiện trên báo dưới các bức tranh minh họa nhiều mỹ cảm, anh cũng vừa tái bản tập truyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ với rất nhiều tranh in kèm. Vũ Đình Giang góp bàn tay hội họa của mình cho việc ra đời rất nhiều quyển sách được trình bày bìa đẹp. Nguyễn Thị Châu Giang từng có vài triển lãm gây ấn tượng, và nhiều người vẫn đang chờ tranh của chị xuất hiện… Có thể nói, công việc vẽ tranh hay viết văn bổ sung cho nhau làm nên nhiều tên tuổi. 

 

VĂN HẤP DẪN NHƯ VẼ

 

Trước các họa sĩ trẻ kể trên rất nhiều, các họa sĩ quá cố Chóe (Nguyễn Hải Chí), Việt Hải (Đặng Ca Việt), Tường Vân… cũng từng bị “chữ ám”. Nhiều người nhớ đến Chóe như một nhà biếm họa hàng đầu, và cũng không quên những vần thơ tài tử của ông. Thử đọc lại vài câu thơ của Chóe: “…Khi ta vẽ trừu tượng/ Cái đầu ta hiện thực/ Khi ta vẽ hiện thực/ Cái đầu ta trừu tượng/ Khi ta vẽ em/ Đầu ta bay đâu mất…” và “Em vứt đi ngọn lửa/ Ta từ bỏ kiếp rơm/ Để đời sau không còn là tro bụi”.

 

Còn họa sĩ Tường Vân một thời lừng danh đất Cảng Hải Phòng trong lĩnh vực thiết kế sân khấu. Nhưng dường như “chữ ám” Tường Vân nhiều hơn, thơ của ông ám ảnh một kiếp người: “Một ngày một tháng một năm/ Một đời hòn đất sủi tăm mặt hồ”, “Cỏ gầy con ngựa gầy/ Sức tàn be rượu đỡ” và “Tuần trăng trên gác trọ/ Hạnh phúc khác gì thuê”. Hoặc thơ của họa sĩ Việt Hải cũng đầy đường nét, màu sắc: “Cong queo đời mấy lối mòn/ Tượng thần rêu phủ nét son cũng nhòa/ Qua sông rồi lại lên đò/ Mấy phen chưa tới được bờ đào nguyên”…

HÒA AN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek