Thứ Sáu, 29/11/2024 09:42 SA
Nhà văn Nguyễn Quang Hà:
Viết trả nghĩa nhân dân và đồng đội
Thứ Ba, 28/10/2008 07:33 SA

Một nhà văn có tới bảy lần bị thương trong chiến tranh mà vẫn may mắn thoát chết. Sau đó ông nằm điều trị ung thư đại tràng hơn hai tháng trời, bị cắt 1,4 mét đại tràng. Bác sĩ và người thân tưởng tử thần đã chiến thắng. Nhà văn Đỗ Chu, Hữu Thỉnh đã bàn chuyện hậu sự. Thế nhưng, ông đã khỏe lại và vẫn viết văn đều đặn. Đó là Nguyễn Quang Hà, người luôn có nụ cười hiền hậu, dễ mến trên môi. Giờ ông đã có tuổi nhưng sức viết vẫn dẻo dai. Ông luôn tâm niệm một điều: Viết để trả nghĩa nhân dân, đồng đội.

 

DUYÊN NỢ

 

Nguyen-Quang-Ha-081028.jpg

Nhà văn Nguyễn Quang Hà

Nguyễn Quang Hà sinh năm 1941, tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trường, quê làng Quang Biểu (Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang, xưa sáp nhập với tỉnh Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc). Đầu năm 1967, ông từ giã quê hương, lên đường nhập ngũ đi chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên - Huế. Ngay từ những ngày đầu trên đất Huế, Nguyễn Trọng Trường nghĩ ngay đến việc cầm bút. Ông tự nhủ lòng: “Nhất định phải cầm bút ghi lại những hành động dũng cảm, tấm lòng kiên trung, đức hy sinh cao cả của đồng bào, đồng chí xứ Huế trong những tháng năm đánh Mỹ rất đỗi hào hùng nhưng cũng vô cùng bi tráng này”. Tưởng nhớ nơi mình sinh ra, Nguyễn Trọng Trường đã lấy chữ cái đầu địa danh quê hương mình ghép thành bút danh Nguyễn Quang Hà.

 

Trong ngôi nhà nhỏ của Nguyễn Quang Hà ở đường Phan Đình Phùng (TP Huế) dường như lúc nào cũng có tiếng cười. Bởi ông có một người vợ dịu hiền, giỏi giang và hết mực chăm lo cho gia đình. Chuyện tình riêng của Nguyễn Quang Hà cũng nhiều trắc trở. Độ đó, sau khi đất nước thống nhất, Nguyễn Quang Hà trở về gặp bố mẹ, vợ con. Chẳng ngờ, vợ ông đã có một đứa con riêng ngoài ba đứa con với Nguyễn Quang Hà, khi ông còn ở chiến trường. Ông đã nhẫn nại để giữ cho gia đình bình yên. Nhưng rồi hai người cũng chia tay… Năm 1982, ông kết hôn với bà Võ Thị Quỳnh, người vợ bây giờ. Con chung của ông và bà Quỳnh đã lớn, là thạc sĩ. Nguyễn Quang Hà đón mẹ vợ và ba đứa con với vợ trước về sống cùng mình tại TP Huế. Sau khi các con đã lập gia đình, ông bảo họ hãy đón nốt mẹ và người em cùng mẹ khác cha về Huế để sống gần nhau.

 

Thừa Thiên - Huế có một điều gì đó như là duyên nợ khiến Nguyễn Quang Hà ở lại, làm báo, viết văn cho đến bây giờ.

 

VIẾT TRẢ NGHĨA NHÂN DÂN VÀ ĐỒNG ĐỘI

 

Tôi và nhà văn Nguyễn Quang Hà trò chuyện trong căn phòng nhỏ của ông. Căn phòng chưa đầy 8 mét vuông chứa đầy sách, nơi ông “quảng cáo” là đã tiếp rất nhiều bạn văn. Tôi nhận ra ông còn nhiều trăn trở, suy tư và còn nhiều dự định. Một người đã có tuổi như Nguyễn Quang Hà mà còn nhiều dự định về văn chương như vậy, hẳn là có nhiều điều muốn viết ra, nếu không viết sẽ cảm thấy có lỗi. Ông nói: “Tôi luôn tâm niệm chỉ viết cho nhân dân, đồng đội và sẽ tiếp tục làm như vậy. Bởi vì tôi nợ nhân dân, nợ đồng đội”. Vì nhân dân nuôi những người như ông, đồng đội ông vì chiến đấu mà hy sinh. Đại đội có 155 người thì 105 người hy sinh. Ông kể cho tôi nghe câu chuyện về bà mẹ Hải Lăng (Quảng Trị) nuôi giấu cán bộ, trong đó có Nguyễn Quang Hà. Mẹ bị địch bắt, tra tấn nhưng nhất quyết không khai. Chúng quấn tôn quanh người mẹ và đốt lửa, nhưng vẫn không nhận được thông tin gì. Rồi chúng đốt lửa cho đến khi mẹ chết…

 

Chuyện khác về một bà mẹ ở Phong Điền. Mẹ quy ước với cán bộ rằng nếu tắt đèn là tín hiệu có địch, không được về nhà. Địch theo dõi và biết điều này nên đã bắt mẹ để đèn sáng lừa cán bộ vào. Mẹ vào bếp vờ nấu nước uống rồi nhân cơ hội đó châm lửa đốt nhà mình. Bọn địch đã bắt và chặt đứt cánh tay mẹ. Kể xong, Nguyễn Quang Hà rưng rưng: “Đấy, với những bà mẹ như thế, những người dân kiên trung, hết lòng vì cách mạng, những đồng đội không sợ chết, sẵn sàng lao vào kẻ thù như vậy, làm sao tôi không ám ảnh, không mang ơn. Có những người như vậy thì cách mạng mới thành công, những người bị thương nhiều lần như tôi mới sống sót được…”

 

40 năm mê mải đi, mê mải viết, đến nay Nguyễn Quang Hà đã có 26 đầu sách xuất bản, cả thơ, truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết. Năm 2008 này ông in 2 tiểu thuyết nữa và hoàn thành tập tiểu thuyết Con nợ dày 500 trang. Hiện ông còn cả ngàn trang bản thảo chưa in.

 

Bao nhiêu năm rồi sống với Huế, nhưng ông vẫn giữ giọng nói đặc sệt chất Kinh Bắc. Chẳng phải vì không yêu Huế, mà theo ông, nói giọng Huế không hay sẽ làm giảm bớt vẻ đẹp Huế. Chia tay bạn văn, bao giờ ông cũng nở nụ cười rất trẻ, rất hiền.

 

NGUYỄN VĂN HỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sự trở lại của Pink cá tính
Thứ Bảy, 25/10/2008 07:29 SA
Giật mình... truyện tranh
Thứ Năm, 23/10/2008 14:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek