Thời gian qua, nhiều em học sinh ở tuổi quàng khăn đỏ hồn nhiên thích thú cảm nhận thứ “sản phẩm” ngoại nhập đã được Việt hóa bằng ngôn từ. Đó là các loại truyện tranh mà chủ đề chính là… tình yêu trai gái! Ngôn từ khêu gợi sự tò mò của các em gái, em trai tuổi mới lớn, còn nội dung của nhiều truyện tranh thì làm cho người lớn giật mình.
Một bộ truyện tranh độc hại - Ảnh: HỮU BÌNH |
Hình ảnh bắt mắt, màu sắc sặc sỡ, những cuốn truyện tranh khổ 11,3cm x 17cm có tựa đề khiến các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo phải giật mình: Yêu hoặc chết, Điên vì tình, Sau bức màn nhung, Đáy ao oan hồn, Nhà trọ hoàn hảo... Nhiều truyện tranh có nội dung không hề phù hợp với lứa tuổi học trò, đơn cử như cuốn Tóc nâu (NXB Trẻ TP Hồ Chí Minh xuất bản năm 2007). Sách gồm 7 tập, dịch từ truyện của Satdchiho (Nga), nói về cuộc đấu súng vì người tình của đại thi hào Puskin ở thế kỷ XVII. Chiếm đến 2/3 cuốn sách là hình ảnh trai gái tuổi học trò ôm ấp, yêu đương, ăn mặc hở hang; ngôn từ gián tiếp bày cho các em cách làm “người lớn”.
Trên địa bàn TP Tuy Hòa và một số thị trấn trong tỉnh hiện có trên 50 điểm cho thuê truyện tranh. Hầu hết truyện có nguồn gốc từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Anh… TP Tuy Hòa có nhiều cửa hàng cho thuê truyện, có cửa hàng sở hữu vài ngàn cuốn truyện tranh, trong đó nhiều cuốn ngay từ tên gọi đã dự báo điều gì đó không bình thường đối với độc giả nhỏ tuổi. Sách có NXB chịu trách nhiệm hẳn hoi, cả những NXB nổi tiếng lẫn các NXB địa phương. Nhưng, những truyện này chỉ hợp pháp về hình thức xin phép xuất bản, còn nội dung thì biên tập hời hợt, cẩu thả; nhiều NXB địa phương bỏ qua xuất xứ cuốn sách, không đề tên tác giả nước ngoài giữ bản quyền và đặc biệt là rất mập mờ trong việc ghi thời gian nộp lưu chiểu của cuốn sách. Sau mỗi tập truyện tranh bao giờ cũng có phần giới thiệu các tập sẽ phát hành tiếp theo, ngôn từ mời gọi, câu khách. Các đầu nậu sách ở Phú Yên mua về, bán lại cho những điểm thuê truyện.
Đa số trẻ em say mê đọc truyện tranh, có em “nghiện” như “nghiện” chơi game. Trong khi đó, cha mẹ hiếm khi kiểm tra xem con em đọc sách gì, nội dung ra sao, sách ấy có phục vụ cho việc học tập, phấn đấu rèn luyện của các cháu hay không?
Tại một điểm cho thuê truyện tranh trên đường Duy Tân (TP Tuy Hòa), tôi bắt gặp nhiều em học sinh THPT đến thuê truyện và đọc say mê những cuốn kiểu như Tóc nâu, Nhà trọ hoàn hảo, Điên vì tình. Nhiều truyện có hình ảnh khêu gợi, đề cập đến chuyện tình dục rất lộ liễu. Lẽ ra phải mang đến cho các em những món ăn tinh thần lành mạnh, có tính giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn thì một số NXB lợi dụng việc kiểm tra không chặt chẽ để liên kết với tư nhân tuôn ra thị trường những sản phẩm chứa “độc tố”. “Chất độc” đó đang ngấm dần vào tâm hồn các em.
Đã đến lúc báo động đỏ về sự du nhập của các loại truyện tranh nhảm nhí, độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến tâm hồn của tuổi học trò. Ô nhiễm môi trường văn hóa còn ghê gớm gấp trăm ngàn lần ô nhiễm bởi chất thải, vì nó sẽ làm hư hỏng thế hệ tương lai. Nhà trường cần quan tâm đến vấn đề này. Các bậc phụ huynh hãy quan tâm đến con em mình, xem chúng đang đọc những gì; hãy hướng cho các em đọc những tác phẩm phù hợp với lứa tuổi, những tác phẩm giàu tính nhân văn cao đẹp, có tính giáo dục thẩm mỹ cao để góp phần hình thành nhân cách.
HỮU BÌNH