Thứ Tư, 02/10/2024 13:30 CH
Khi phụ nữ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống
Chủ Nhật, 19/10/2008 07:00 SA

Trải qua các thời đại, phụ nữ Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng và tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

 

Bản sắc văn hóa Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững được vun đắp nên qua lịch sử đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, tính giản dị khiêm tốn trong lối sống, sự tinh tế trong ứng xử, trọng nghĩa tình đạo lý... Bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc chính là phát huy những giá trị tinh thần truyền thống đó. Bản sắc văn hóa Việt Nam còn được phản ánh trong các phương thức biểu hiện độc đáo như tiếng nói của dân tộc, tâm lý, phong tục, tập quán và những hình thức nghệ thuật truyền thống.

 

van-hoa-dan-toc-081018.jpg

Cùng nhau giữ gìn nghệ thuật truyền thống – Ảnh: D.T.X

 

Trải qua các thời đại, ở lĩnh vực nào, người phụ nữ cũng có những đóng góp đáng kể cho sự tồn tại, phát triển và tiến bộ của dân tộc, vì thế họ đã chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong tâm thức của mọi người dân Việt Nam. Trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phụ nữ Việt Nam cũng giữ vai trò quan trọng và tích cực.

 

Trong sinh hoạt xã hội của người Việt Nam thời xưa, sự tôn trọng nể vì người phụ nữ xuất phát từ vai trò và địa vị thực tế của họ trong gia đình và ngoài xã hội. Bất kỳ người Việt Nam nào cũng ghi nhớ trong lòng:

 

“Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

 

Người mẹ Việt Nam có vai trò quan trọng và quyết định đối với sự phát triển, sự trưởng thành của người con cả về thể chất lẫn tinh thần cũng như về nhân cách. Nghĩa mẹ thường được đặt cao hơn: “Cha sinh không tày mẹ dưỡng”, “Phúc đức tại mẫu”, “Đức hiền tại mẹ”...

 

Ngay từ khi còn trong bào thai của mẹ, đến khi ra đời, các thế hệ người Việt Nam đã nhận lấy bầu sữa mẹ cùng với sự dạy dỗ của mẹ. Qua những lời hát ru, mẹ dạy con tình yêu đất nước, lòng biết ơn đối với tổ tiên như:

 

“Uống nước phải nhớ đến nguồn

Được ăn quả chín nhớ ơn người trồng”

“Ru hời, ru hỡi, ru hời...

Làm trai đứng ở trên đời

Sống cho xứng đáng giống nòi nhà ta”.

Mẹ dạy con phải thương yêu đoàn kết:

“Một cây làm chẳng nên non,

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

 

Mẹ dạy con cách sống của người Việt Nam là: “Thà chết vinh còn hơn sống nhục” hoặc:

 

“Ngọc kia chẳng dũa, chẳng mài

Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi”

 

Mẹ dạy con phải yêu lao động như lẽ sống ở đời, không được lười lao động:

 

“Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”

“Cờ bạc là bác thằng bần,

Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm”.

 

Đối với con gái, mẹ dạy con phải “công - dung - ngôn - hạnh”:

 

“Con đừng học thói chua ngoa

Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười

Dù no, dù đói cho tươi,

Khoan ăn bớt ngủ là người lo toan...”

 

Hát ru, những lời ru ngọt ngào, đầm ấm, thiết tha là một hình thức giáo dục rất độc đáo, không những giúp cho quá trình hình thành nhân cách của con người mà còn truyền thụ những bài học, những kinh nghiệm được đúc kết qua hàng nghìn năm lịch sử.

 

Lớn lên, trước khi vào đời và nhận những bài học của cộng đồng, quê hương làng xóm, của xã hội, tất cả các thế hệ trẻ đều do mẹ dạy dỗ ở gia đình, nhận lấy từ mẹ những bài học bằng lời, bằng ý, bằng tình và bằng chính hành động của mẹ, vì vậy đã góp phần tạo nên tình cảm, tâm lý, đạo đức, thái độ, phong cách của người con, đồng thời làm phong phú thêm nền văn hóa của xã hội, từ thế hệ này qua thế hệ khác.

 

Trong nền văn hóa vật chất, việc ăn mặc của phụ nữ bao giờ cũng là nhân tố phản ánh trung thực, đậm nét tính chất dân tộc. Là những người tự dệt ra vải lụa, tạo ra màu sắc, tự cắt may theo kiểu cách của mình, người phụ nữ đã thể hiện tâm hồn, tình cảm, nhận thức về tự nhiên và xã hội trên các sản phẩm mà họ làm ra. Từ chiếc khăn đội đầu đến màu áo yếm, cách ăn mặc, kiểu trang phục của người phụ nữ đã tạo nên những tình cảm đẹp, có ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội:

 

“Áo đen ai nhuộm cho mình

Cho duyên mình đậm cho tình anh thương

Dưới mặt nước chói loà yếm đỏ,

Trên bầu trời rạng tỏ mây xanh

Từ ngày xa cách em - anh

Nước trời còn đó ai đành phụ nhau”

 

Trong gia đình, người phụ nữ còn phải đảm đương công việc nội trợ. Từ tương cà dưa muối thanh đạm, đến cua ốc, cá thịt đều là các món ăn đậm đà hương vị dân tộc, đã được nâng lên thành nghệ thuật, trở thành phong tục và kinh nghiệm trong những cuộc thi ở các hội làng.

 

Những công việc thường ngày mà người phụ nữ đảm nhiệm như nấu ăn, dệt vải, thêu thùa, may vá... tưởng như rất đơn giản, nhưng lại góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa vật chất của dân tộc.

 

PNVN-081018.jpg

Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Bên cạnh đó phụ nữ Việt Nam còn là những chiến sĩ tích cực trong việc bảo vệ và phát triển nền văn hóa tinh thần của dân tộc. Các bài ca dao, tục ngữ mà người phụ nữ truyền khẩu không chỉ là sự phản kháng chế độ phong kiến, đả kích bọn vua chúa quan lại cường hào, châm biếm những thói hư tật xấu trong xã hội, mà còn tổng kết những tri thức về sản xuất, chiến đấu và trao đổi tình cảm, lối ứng xử trong cuộc sống đời thường... tạo nên nét đặc sắc trong kho tàng văn chương bình dân.

 

Từ lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng, phụ nữ còn là những nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn những điệu múa dân tộc uyển chuyển, mềm mại, hát các làn điệu dân ca trong sáng, bình dị, thiết tha và tham gia xây dựng nền nghệ thuật sân khấu cổ truyền tài hoa, hiếm có.

 

Những phụ nữ có điều kiện được học hành đã đem tài nghệ và tâm hồn hòa chung vào các dòng văn thơ, góp phần vào việc phát triển nền văn chương của dân tộc. Tiêu biểu là Nàng Điểm Bích đời Trần Anh Tông với bài thơ nổi tiếng và duy nhất bằng tiếng mẹ đẻ. Nữ học sĩ Ngô Chi Lan đời Lê Thánh Tông, nổi tiếng với chùm thơ Tứ thời (Vịnh bốn mùa); Nguyễn Thị Du, người làng Kiệt Đặc, Hải Dương cải trang nam giới đi thi Hội đã đỗ thủ khoa Triều Mạc (Tiến sĩ), làm đến chức Lễ sư ở triều đình nhà Hậu Lê; Bà Trịnh Thị Ngọc Trúc, giữa thời Lê Trịnh nhiễu nhương đã từ bỏ mọi vinh hoa phú quí để miệt mài hoàn thành bộ từ điển Hán - Việt cổ nhất của Việt Nam: Chỉ Nam Ngọc âm giải nghĩa.

 

Đặc biệt trong nền văn chương Việt Nam ở các thế kỷ XVIII, XIX đã nở rộ một chùm hoa đẹp của “Văn học phụ nữ” với 4 cây bút nổi tiếng: Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan và Ngọc Hân Công chúa.

 

Như vậy, trên cả lĩnh vực văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, người phụ nữ xưa đã biểu lộ sức sống dẻo dai, tinh thần dân tộc đậm đà, sức sáng tạo tinh tế và năng khiếu thẩm mỹ đặc biệt của họ.

 

Trải qua hàng nghìn năm, các thế lực phản động, thù địch của dân tộc đã bao đời mưu toan thủ tiêu các giá trị văn hóa Việt Nam bằng cách truyền văn hóa nước ngoài vào Việt Nam: từ những giáo hóa về hôn nhân gia đình của bọn quan lại nhà Hán đến chính sách đồng hóa về y phục, phong tục của bọn quan lại nhà Minh v.v... Cùng với toàn dân tộc, phụ nữ Việt Nam không những cố gắng bảo vệ mà còn phát triển bản sắc của mình, bằng cách học và tiếp thu, biến thành của mình nhiều điều hay lẽ phải của người. Bằng cách đó, những thế hệ phụ nữ Việt Nam đã làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù, góp phần tích cực bảo vệ và phát triển nền văn hóa truyền thống của dân tộc.

 

Ngày nay, trong thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, khi chúng ta mở cửa để hội nhập với thế giới, thì việc khẳng định “cái tôi”, khẳng định bản sắc riêng của Việt Nam là vấn đề quan trọng. Do vậy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ của toàn xã hội, của toàn dân trong đó có sự đóng góp tích cực của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam.

 

NGUYỄN THỊ TUYẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thu dịu dàng
Thứ Tư, 15/10/2008 10:34 SA
Phim Việt bao giờ hái ra tiền?
Thứ Ba, 14/10/2008 14:14 CH
Khi hoa hậu vào vai người nhiễm HIV
Thứ Ba, 14/10/2008 07:32 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek