Thứ Tư, 02/10/2024 15:25 CH
Phim Việt bao giờ hái ra tiền?
Thứ Ba, 14/10/2008 14:14 CH

Với những nước phát triển, điện ảnh từ lâu đã trở thành một ngành công nghiệp siêu lợi nhuận và cũng siêu rủi ro. Bộ phim Dự án phù thủy Blair được đầu tư chỉ 7.000 USD để rồi thu về hơn 100 triệu USD.

 

nu-hon-than-chet-081014.jpg

Một cảnh trong phim “Nụ hôn thần chết”. Phim này đầu tư 5 tỉ, thu về con số kỷ lục 18 tỉ đồng

 

Trong khi đó bộ phim Cleopatra với hai ngôi sao Elizabeth Taylor và Richard Burton do hãng Fox Studio sản xuất với giá thành kỷ lục trong lịch sử điện ảnh thế giới: 286,4 triệu USD vào năm 1963. Thế nhưng, rất nhiều năm sau, Cleopatra chỉ thu về 377,6 triệu USD - như vậy là lỗ nặng do chôn vốn và trượt giá đồng tiền.

 

Mới đây, bộ phim Nụ hôn thần chết của hãng HK phim, Phương Nam và Galaxy phối hợp sản xuất đã thu về 18 tỉ đồng so với số tiền đầu tư khoảng 5 tỉ. Con số này mới nghe tưởng là “một lời hai”. Thế nhưng, những người trong cuộc cho biết, theo tỉ lệ ăn chia với các đối tác, nhà sản xuất chỉ còn lại khoảng 50%. Và nếu phim chiếu càng lâu thì tỉ lệ càng giảm để rồi lợi nhuận chỉ còn khoảng 2 tỉ/năm. Nếu không làm phim, đem số tiền 6 tỉ đồng gởi ngân hàng, lãi suất thu được cũng đã 1 tỉ đồng mà không vất vả, không đối mặt với rủi ro thua lỗ. Như thế điện ảnh Việt Nam có lời hay không?

 

Thị trường điện ảnh Việt hiện nay có đầu ra rất kém vì cả nước chỉ có 30 rạp chiếu phim đủ tiêu chuẩn. Trong khi đó, nạn in đĩa lậu khiến các nhà sản xuất phim đau đầu vì chưa có phương cách đối phó. Hãng phim Chánh Phương của đạo diễn Nguyễn Chánh Tín với bộ phim Dòng máu anh hùng đầu tư đến 1,5 triệu USD, được giới chuyên môn đánh giá cao cũng lâm vào tình cảnh như vậy. Lúc đầu Chánh Phương film tính chuyện phát hành qua hệ thống của Hollywod, nhưng muốn vậy phải có thêm 1,5 triệu USD nữa để quảng cáo. Nếu không tự lo tiền để quảng cáo, nhà phát hành sẽ lo, nhưng bù lại họ thu đến 80% doanh số và sau khi trừ các khoản lằng nhằng khác thì nhà sản xuất chỉ còn dưới 10%. Do vậy, sau phim Dòng máu anh hùng, dù được khen khắp nơi, Nguyễn Chánh Tín cũng đành phải “ra riêng” với hãng phim mới lấy tên mình và chỉ dám làm dòng phim 45 phút, đầu tư nhỏ. Tuy nhiên, với hai phim ma Ngôi nhà bí ẩn, Suối oan hồn vừa rồi, Chánh Tín film đã phải bán 1 vé xem 2 phim nhưng cũng chỉ tạm hòa vốn. Theo đạo diễn Nguyễn Chánh Tín: Hòa vốn là may mắn rồi!

 

Do tình hình như vậy, nên hầu hết các hãng phim Việt chỉ dám đầu tư kịch trần 4 tỉ đồng cho mỗi phim, vì nếu nhiều hơn là lỗ. Ông Lưu Phước Sang (hãng phim Phước Sang) tính toán: Nếu cảm thấy thu được 6 - 7 tỉ đồng, tôi sẽ đầu tư 3 tỉ; thu 10 tỉ đầu tư 5 tỉ. Những nhà làm nghệ thuật phải tính kỹ như vậy vì nếu đầu tư nhiều hơn để làm phim trong tình hình hiện nay thì chắc chắn lỗ. Đạo diễn Chánh Tín còn cho biết: Ai nói làm phim trên 4 tỉ có lời là “nổ”, họa chăng là muốn quảng bá thương hiệu để đầu tư những việc khác có tính chất dài hơi hơn.

 

Muốn có phim hay tất phải có nhiều tiền, điều này thì ai cũng biết. Tuy nhiên, tiền không phải là tất cả, điều đó đã được chứng minh. Thế nhưng các nhà sản xuất phim từ kinh phí nhà nước lúc nào cũng kêu than không có tiền để phim được hoành tráng. Thực tế ngược lại, như trong năm 2008 này, nhà nước cấp kinh phí hơn 11,3 tỉ đồng cho đạo diễn Đặng Nhật Minh làm phim Đừng đốt, trong đó đã có lửa. Trong khi tổng số tiền cho điện ảnh ở khu vực sản xuất phim được nhà nước cấp chỉ có 25 tỉ. Vậy nhưng, theo phản ánh của giới chuyên môn lẫn dư luận báo chí, phim này có những cảnh quay rất giả. Ví dụ cảnh hy sinh của một nhân vật nữ, chẳng biết dàn dựng thế nào mà khi chết thì vết thương của nhân vật này lộ ra… một mớ dây dẫn điện, kíp nổ, miếng da bò bảo vệ diễn viên và một bịch ni-lông đựng máu giả! Như vậy, xét về hiệu quả kinh doanh, một mặt hàng được đầu tư cao nhưng chất lượng kém thì ai mua vé để sinh lời! Thời gian vừa qua, dư luận đặt dấu hỏi nghi ngờ dự án phim về Lý Thái Tổ được nhà nước đầu tư hàng trăm tỉ đồng cũng là một hoài nghi chính đáng.

 

Nền điện ảnh Việt Nam hiện nay vẫn trong giai đoạn “liệu cơm gắp mắm”. Song dù cơm và mắm như thế nào thì vẫn phải đồng bộ, nhịp nhàng chứ không thể chắp vá tùy tiện. Mà sự chắp vá tùy tiện trong phim Việt là điều ai có chút am hiểu đều nhìn thấy được. Gần đây, nhiều phim Việt “nóng vội” lôi kéo khán giả bằng những cảnh “phòng the”. Những “cảnh nóng” ấy như thế nào ắt khán giả đã rõ. Còn theo ông Lê Ngọc Minh, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, trong một lần trả lời báo giới: Đóng “cảnh nóng”, diễn viên Hàn Quốc có 1 triệu USD còn diễn viên Việt Nam chỉ được 12 triệu đồng. Sự chênh lệch con số cát-xê giữa hai nền điện ảnh dành cho diễn viên đóng cùng một cảnh, thử hỏi diễn viên nào “hy sinh vì nghệ thuật” toàn vẹn hơn?

 

Một đạo diễn lão làng đã thành công với nhiều phim làm trong hoàn cảnh “liệu cơm gắp mắm” cho biết: Đoàn làm phim phải luôn là một cỗ máy vận hành trơn tru tất cả mọi khâu. Nếu chỉ tiết kiệm được vài đồng mà xảy ra hậu quả thì tác hại của nó nhiều khi không thể tính nổi bằng tiền”. Rõ ràng nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng trong thời buổi kinh tế thị thường phải nói đến chuyện lỗ - lời. Nhưng điện ảnh được kinh doanh khác với các món hàng thông thường. Nếu đầu tư kinh doanh khéo, điện ảnh chẳng những mang lại lợi ích về kinh tế, hơn nữa là lợi ích về văn hóa tinh thần và quảng bá, dọn đường cho thương mại. Mà nền điện ảnh Hàn Quốc đã làm được điều này một cách kỳ diệu, nếu không muốn nói đi sau lưng phim Hàn là hàng hóa Hàn tràn ngập nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

 

HÒA AN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek