Thứ Tư, 02/10/2024 15:20 CH
Nhà thơ Hoàng Trần Cương: hồn đất - hồn thơ
Thứ Năm, 16/10/2008 07:30 SA

Nhà thơ Hoàng Trần Cương sinh năm 1949, tại huyện Đô Lương (Nghệ An). Năm 21 tuổi, đang học đại học, chàng trai Hoàng Trần Cương vào chiến trường, làm pháo thủ pháo 57.

 

Hoang-Tran-Cuong-081016.jpg
Nhà thơ Hoàng Trần Cương
Suối từ năm 1970 đến hết chiến tranh, trong đội hình của hai sư đoàn pháo cao xạ 367 và 375, Hoàng Trần Cương và đồng đội đã rê pháo đi khắp nơi, từ Bắc vào Nam cùng Đỗ Chu, Nguyễn Trí Huân, Thao Trường, Duy Khán. Từ năm 1972, Hoàng Trần Cương đã nhận được giải thưởng cao của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, không phải cho tác phẩm thơ mà là văn xuôi. Đó là ký sự Hạnh phúc hôm nay. Cùng năm ấy, Nhà xuất bản Lao Động xuất bản tập truyện ngắn Dư âm của ông.

 

Thế mạnh của Hoàng Trần Cương là trường ca. Hàng trăm bài thơ ngắn của ông đã công bố trên báo chí dường như cũng để chuẩn bị cho trường ca. Trầm tích là trường ca mở đầu cho tổng tập bộ ngũ Kim Mộc Hỏa Thổ được khởi thảo từ những năm 1980 và đã làm Hoàng Trần Cương nổi như cồn. Chỉ một trường ca ấy, Hoàng Trần Cương đã nhận được bốn giải thưởng đều là hạng nhất của bốn tổ chức văn học: Giải nhất cuộc thi Thơ của Tuần báo Văn Nghệ năm 1989 – 1990, giải A của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng Văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng và giải A giải thưởng Hồ Xuân Hương của quê hương ông.

 

Hoàng Trần Cương viết nhiều bài dành cho xứ Nghệ, trong đó có bài Miền Trung:

 

Bao giờ em về thăm

Mảnh đất quê anh một thời ngút lửa

Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa

Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam…

 

Miền Trung

Tấm lưng trần đen sạm

Những đốt sống Trường Sơn lởm chởm dâng màn

Thoáng bóng giặc núi bửa thành máng súng

Những đứa con văng như mảnh đạn

Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi…

 

Quê hương ông – mảnh đất nghèo “mồng tơi không kịp rớt/Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ/ Chẳng ai gieo mà mọc trắng mặt người”. Những câu thơ cứ ầng ậng trong nhịp chảy dốc và gấp như sông suối miền quê xứ Nghệ. Nhiều người đánh giá, Miền Trung là bài thơ hay nhất của Hoàng Trần Cương.

 

Tôi hỏi nhà thơ Hoàng Trần Cương trong một lần ông vào Khoa sáng tác và Lý luận phê bình Văn học (Trường đại học Văn hóa), rằng: “Ông sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền Trung nhiều bão gió, lại trải qua một tuổi thơ nhiều thiệt thòi. Có thể hiểu đây là hai yếu tố căn bản làm nên tính cách thơ và số phận thơ ông?” Hoàng Trần Cương nói: “Đúng ở phần căn bản. Không ai được chọn nơi sinh ra và không ai được quyền từ chối mẹ của mình. Tôi luôn thấy mình may mắn vì được sinh ra ở một vùng đất khốc liệt và trong một gia đình có nhiều biến cố. Miền Trung của tôi là vùng đất “phên dậu” của Tổ quốc. Trong hai thứ: nắng gió, đói nghèo của miền Trung, chỉ đói nghèo là có thể thay đổi, và hiện tại đang dần thay đổi. Nhưng yếu tố phong thổ thì mãi mãi không thay đổi. Cũng chính yếu tố này ám vào hồn cốt cư dân miền Trung. Tôi theo ngành Tài chính, trên 20 năm làm kế toán trưởng, qua bao cấp và chập chững với kinh tế thị trường, đó là những hoàn cảnh có phần nào ảnh hưởng đến những câu thơ của tôi. Tuy nhiên ngẫm thật kỹ ra, những ảnh hưởng ấy hình như không phải. Thực ra cái hồn thơ của tôi là sự tiếp nhận vô thức của đời sống, cảm xúc, thi ảnh của tuổi thơ. Những dấu ấn tuổi thơ là thứ được lưu giữ vĩnh viễn trong tâm hồn tôi. Người làm thơ thì không bao giờ thoát ra khỏi những ám ảnh quá khứ. Tôi đã từng bị cuộc đời quăng quật, điều đó đã tạo nên tính cách thơ tôi”.

 

Hoàng Trần Cương thích giao du. Ngoài trách nhiệm với công việc, nhà thơ cũng rất trách nhiệm với gia đình, bè bạn, vì vậy luôn được yêu quý. Thơ ông gần gũi với ruộng đồng, với những gì mà một số người cho rằng đã “lỗi mốt”. Song ông quan niệm văn chương không phải chạy theo mốt. Viết về những điều mình xúc động là cái chất của ông, cái tạng của nhà thơ xứ Nghệ.

Sau này, Hoàng Trần Cương viết thêm trường ca Đỉnh vua Sông Lam, nhưng không có tác phẩm nào vượt qua được Trầm tích. Bởi vì ông dành tâm huyết cho tác phẩm này quá nhiều. Thường trực trong ông là những cảm xúc, có khi dâng lên đến tận cùng. Câu thơ “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam” ra đời như vậy.

 

NGUYỄN VĂN HỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek