Thứ Sáu, 20/09/2024 12:29 CH
Đặc sắc trang phục truyền thống các dân tộc
Thứ Ba, 06/09/2022 14:00 CH

Trang phục truyền thống các dân tộc rực rỡ trên sân khấu. Ảnh: THIÊN LÝ

Ngay từ khi xuất hiện, trang phục đã mang tính tộc người rõ rệt. Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục là phương tiện cấu thành và thể hiện bản sắc dân tộc, là tín hiệu để phân biệt giữa các sắc tộc.

 

Phú Yên là địa bàn sinh sống của 30 dân tộc anh em. Đặc biệt, các dân tộc thiểu số (DTTS): Chăm, Ê Đê, Ba Na... mỗi dân tộc đều có trang phục riêng, mang nét đẹp và ý nghĩa khác nhau, in dấu văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của dân tộc mình.

 

Chứa đựng nét tinh tế, riêng biệt

 

Tại xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, phần lớn người đồng bào dân tộc Ê Đê sinh sống. Những phụ nữ DTTS ở xã miền núi này vẫn giữ được phong tục dệt vải, thêu và sử dụng trang phục dân tộc trong cuộc sống thường nhật. Những lúc rảnh rỗi, họ lại ngồi bên khung cửi dệt vải, thêu váy áo cho bản thân và các thành viên trong gia đình mình, nhất là những dịp lễ tết.

 

Theo chị KPá Hà ở xã Suối Trai, trang phục của phụ nữ Ê Đê là váy tấm, áo chui. Áo được thiết kế theo kiểu chui đầu, được dệt nên bởi các đường hoa văn ngang dọc ở vai, nách… Cổ áo được khoét cao, mở rộng ở phía vai. Váy hay còn gọi là myêng, màu đen đậm quấn quanh thân. Chạy dọc phía dưới chân váy là những hoa văn được thêu rất tỉ mỉ. Áo và váy của người phụ nữ Ê Đê có những đường viền được kết hợp cùng các dải hoa văn bằng những sợi chỉ đỏ, vàng, xanh và trắng nhằm tạo điểm nhấn. Theo truyền thống, đàn ông Ê Đê đóng khố và mặc vải tấm. Chiếc áo lễ phục của đàn ông Ê Đê thường là áo chui đầu, cổ hình chữ V, có phần tay khá dài, vạt sau dài hơn vạt trước. Vạt trước có thể che hết được phần bụng dưới, còn vạt sau thì che hết mông của người mặc.

 

Công đoạn để làm ra trang phục dân tộc Ê Đê đều do bàn tay người phụ nữ khéo léo sáng tạo nên. Con gái Ê Đê từ khi 8-10 tuổi đã được bà, được mẹ truyền dạy cho cách dệt, thêu thùa trang phục. Việc học thêu bắt đầu từ những họa tiết nhỏ trên tay áo, viền áo, khi đường kim mũi chỉ thành thạo sẽ tự làm trang phục cho mình. Chị KPá Hà chia sẻ: “Để làm ra một bộ trang phục thường mất từ 20-30 ngày. Tùy theo độ khó mà thời gian làm ra nó có thể nhiều hơn. Ngày nay, người Ê Đê mặc trang phục truyền thống nhiều nhất vào những dịp lễ tết, ngày trọng đại của gia đình. Những người biết dệt trang phục của dân tộc ngày càng ít hơn. Vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa từ trang phục dân tộc Ê Đê là rất cần thiết”.

 

Trong khi đó, các bộ trang phục của người Ba Na ở huyện Đồng Xuân khá cầu kỳ với nhiều gam màu sặc sỡ và tinh tế với những nét độc đáo, tạo nên bản sắc riêng. “Phụ nữ mặc áo chui đầu, không xẻ cổ kết hợp với váy. Váy của phụ nữ Ba Na không được may lại mà nó chỉ là một tấm vải đen được quấn quanh thân dưới, có tua tua hạt cườm. Với lối tư duy đơn giản, các họa tiết trong trang phục của người Ba Na là những hình khối đối xứng mang tính biểu tượng cao. Còn trang phục của người đàn ông Ba Na sử dụng ba màu chính là trắng, đỏ và đen”, bà La O Thị Ngọc ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân nói.

 

Còn đối với người Chăm, chiếc áo truyền thống, chân váy và khăn đội đầu là ba thứ không thể thiếu trong trang phục truyền thống của họ. Áo chỉ là tấm vải thô, trơn, không trang trí hoa văn, được người xưa truyền lại. Nhưng thay vào đó, họ thường choàng dây thắt lưng được trang trí nhiều họa tiết hoa văn đặc sắc, màu chủ đạo luôn là đỏ tươi và vàng óng. Đây là điểm nhấn độc đáo cho bộ trang phục Chăm. Phụ nữ Chăm thường mặc loại váy mở hay còn gọi là aban. Váy này là loại váy quấn bằng vải tấm, hai mép vải không may dính vào nhau, khi mặc cặp váy được xếp và lận vào bên trong giữ chặt eo hông. Váy thường được phủ kín hoa văn trên bề mặt. Hoa văn được kết hợp với nhiều màu sắc khác nhau trên nền đen, đỏ, xanh... tạo nên nhiều kiểu dáng phong phú. Còn đàn ông Chăm chỉ mặc đơn giản bộ quần áo màu trắng thô, trơn, không trang trí hoa văn. Bên ngoài khoác thêm chiếc áo thổ cẩm tự đan tua tua hạt cườm, với hai màu chủ đạo là đen và đỏ. Trang phục của người nam cũng có khăn đội đầu dệt trơn bằng vải thô màu đỏ đơn giản.

 

Chị La O Thị Tím ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân trình diễn dệt thổ cẩm tại Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh Phú Yên lần XI - năm 2022. Ảnh: THIÊN LÝ

 

Bảo tồn và phát huy

 

Thời gian qua, nhiều người dân và du khách khi đến với các huyện miền núi Phú Yên đều rất ấn tượng và yêu thích những bộ trang phục của người Ê Đê, Chăm, Ba Na…, bởi màu sắc đẹp, lạ mắt. Bà con đồng bào DTTS làm ra trang phục không chỉ để mặc mà còn bán cho du khách để làm đồ lưu niệm hoặc cho thuê mặc chụp ảnh.

 

Chị La O Thị Tím ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, chia sẻ: “Ngoài nhu cầu sử dụng của gia đình, nhiều người cũng rất muốn mua trang phục đồng bào Ba Na làm quà lưu niệm và thuê để chụp ảnh. Vì vậy, tôi và nhiều người ở đây vẫn nhận làm trang phục khi có đơn đặt hàng để chị em trong thôn buôn giữ gìn, duy trì bản sắc văn hóa của dân tộc mình và có thêm nguồn thu nhập”.

 

Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng phòng VH-TT huyện Sơn Hòa, cho biết địa phương đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy vai trò của các nghệ nhân trong việc truyền dạy dệt may trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ để tiếp tục duy trì, bảo tồn nét đẹp trang phục truyền thống của dân tộc mình gắn với phát triển du lịch. “Để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào DTTS ở các huyện miền núi của tỉnh, theo tôi, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá nét đẹp văn hóa từ trang phục, khuyến khích người dân sử dụng trang phục của dân tộc mình trong các lễ hội, lễ tết… là rất cần thiết. Đồng thời cần có chính sách bảo tồn, phát huy, lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc Phú Yên nói chung, Sơn Hòa nói riêng”, ông Tình đề xuất.

 

Trước nguy cơ biến mất của trang phục truyền thống một số dân tộc ít người, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện như: Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng, kiểm kê, lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các DTTS; bảo tồn, khôi phục và phát huy di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các DTTS; tổ chức tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy và kỹ năng truyền dạy bảo tồn trang phục truyền thống các DTTS tại các huyện có đồng bào DTTS... Để thực hiện hiệu quả, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ đúng yêu cầu thực tiễn, có tính trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và hiệu quả; đồng thời kết hợp lồng ghép các nhiệm vụ của kế hoạch với các nhiệm vụ thường xuyên của các địa phương, đơn vị.

 

Trong thời kỳ CNH-HĐH, nhiều dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một, mất đi nét sinh hoạt văn hóa, trong đó có trang phục truyền thống. Việc bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Phú Yên là rất cần thiết nhằm giữ gìn vốn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek