Sau 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, tối 3/9 - ngày Âm nhạc Việt Nam, những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tác và biểu diễn âm nhạc đã hội ngộ, lan tỏa niềm đam mê, tình yêu nghề, yêu cuộc đời…
Khai mạc chương trình nghệ thuật “Hát lên Việt Nam” do Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Phú Yên và Chi hội Âm nhạc (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) tổ chức, nhạc sĩ - Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Cao Hữu Nhạc, Chi hội phó Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Phú Yên, phát biểu: Năm 2010, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã chọn Phú Yên cùng với 15 tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ nhất. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Phó Chủ tịch hội đã về dự, giao lưu với anh chị em nhạc sĩ và những người yêu ca nhạc. Trên nền tảng đó, ngày Âm nhạc Việt Nam những năm tiếp theo được tổ chức tốt hơn tại Phú Yên. Nếu năm 2010 có anh chị em nhạc sĩ, ca sĩ Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa thì những năm sau thu hút thêm nhiều anh chị em nhạc sĩ, ca sĩ hoạt động âm nhạc ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Quảng Ngãi; có năm có cả ca sĩ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng về tham gia, làm cho chương trình nghệ thuật chào mừng ngày Âm nhạc Việt Nam thêm phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Phú Yên đã hình thành một tiểu vùng âm nhạc tự nhiên, một điểm hẹn tin cậy của các anh em hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc.
Trong không khí thân tình tại cà phê nghệ thuật Diệp Xang (phường 4, TP Tuy Hòa), những giai điệu đẹp ngân lên, tiếng hát cất lên trong chương trình nghệ thuật “Hát lên Việt Nam”. Họa sĩ Diệp Xang là người đồng hành, hỗ trợ chương trình này.
Đêm nhạc mở đầu bằng ca khúc Hát mừng ngày Âm nhạc Việt Nam của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Và rồi những bài hát về quê hương, về người mẹ, về tình yêu… được các hội viên Chi hội Âm nhạc gửi đến khán giả.
Một Gửi lại cho em (Lê Phú Hải) da diết hoài niệm; một Tuy Hòa em nỗi nhớ (thơ: Nhanh Cao, nhạc: Cao Hữu Nhạc), Gió Tuy Hòa (Đức Trịnh) nhiều cung bậc cảm xúc; một Cao nguyên Sông Hinh (Kso Y Thư) tràn đầy năng lượng; một Người mẹ Hòa Đồng (Thụy Hằng), mộc mạc, đầy tự hào…
Trong chương trình nghệ thuật “Hát lên Việt Nam”, những người yêu nhạc có dịp thưởng thức 2 tác phẩm đã đoạt giải cao tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I năm 2022. Bản Huyền ca đất Phú của nhạc sĩ Huỳnh Trọng Thống (giải B) với những sắc màu khác biệt được thể hiện qua tiếng hát của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thanh Vân, còn bản tình ca Khúc tháng Giêng (thơ: Mường Mán, nhạc: Xuân Thành - giải A) do chính tác giả biểu diễn. Người yêu nhạc cũng đã gặp lại nhạc sĩ Duy Tài sau nhiều năm ông vắng bóng. Nhạc sĩ Duy Tài cùng ca sĩ Quốc Dũng hát Tình biển tình người do ông sáng tác.
Sự xuất hiện của nhóm nhạc Draitang, phần giao lưu với nhạc sĩ Kso Y Thư, NSƯT Thanh Vân, hay tiết mục độc tấu kèn saxophone Về đây nghe em (Trần Quang Lộc) do Kiều Sinh Quang biểu diễn cùng ban nhạc có thể xem là những điểm nhấn của chương trình.
Có một khoảng lặng khi ca sĩ Quốc Dũng cất tiếng hát Hồn đá của cố nhạc sĩ - NSƯT Nguyễn Ngọc Quang. Đây là lần đầu tiên chương trình nghệ thuật chào mừng ngày Âm nhạc Việt Nam vắng bóng nhạc sĩ Ngọc Quang - một người anh của nhiều nhạc sĩ Phú Yên, một nghệ sĩ đầy đam mê, dồi dào năng lượng sáng tạo. Người đã đi xa nhưng âm nhạc vẫn còn. Bài hát Hồn đá thay lời tưởng nhớ một nhạc sĩ đã về miền xa thẳm.
Chương trình nghệ thuật “Hát lên Việt Nam” khép lại với những giai điệu sôi nổi của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Theo nhạc sĩ - NSND Cao Hữu Nhạc, ngày Âm nhạc Việt Nam là chất men tạo hưng phấn cho các nhạc sĩ, ca sĩ có nhiều sáng tạo mới, cùng góp phần gìn giữ, phát huy giá trị âm nhạc dân tộc, khuyến khích các tài năng âm nhạc tích cực cống hiến, sáng tạo nhiều tác phẩm hay, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, bồi đắp tâm hồn và nhân cách con người.
Ngày Âm nhạc Việt Nam thực sự là ngày hội của các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ, các nhà sư phạm âm nhạc và cả những người yêu nhạc tại Phú Yên.
Nhạc sĩ - NSND Cao Hữu Nhạc, Chi hội phó Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Phú Yên |
YÊN LAN