Thứ Tư, 02/10/2024 11:36 SA
Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa ở Phú Yên trong quá trình Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa tiến đến kỷ niệm 400 năm thành lập tỉnh Phú Yên
Thứ Sáu, 08/08/2008 07:00 SA

Vai trò của nhân tố văn hóa trong phát triển ngày càng trở thành vấn đề lớn thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều giới: khoa học, chính trị, quản lý nhà nước, kinh doanh. Không phải ngẫu nhiên mà Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển năm 1995 đã xác định: “Các nhân tố văn hóa là những điều kiện thiết yếu cho một sự phát triển bền vững” và trở thành “một phần không thể tách rời của chiến lược phát triển” (1).

 

Ganh-Da-Dia-1-080807.jpg
Thắng cảnh gành Đá Dĩa - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Di sản văn hóa là một bộ phận cơ bản và trọng yếu của nền văn hóa mỗi quốc gia, dân tộc. Đó là những sản phẩm vật chất và tinh thần do con người hoặc thiên nhiên tạo ra và được sử dụng phục vụ cho đời sống con người, từ đó hình thành, khẳng định các giá trị của chúng về lịch sử, văn hóa - văn nghệ, khoa học... Các sản phẩm - di sản đó luôn thể hiện bản sắc dân tộc cụ thể, là cơ sở để một dân tộc hòa nhập với cộng đồng nhân loại mà không tự đánh mất mình.

 

Trong nhiều thế kỷ qua, nhất là từ cuối thế kỷ 19 đến nay, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao biến động thăng trầm theo số phận của dân tộc, đất nước; nhưng những gì còn tồn tại cho đến ngày hôm nay chứng tỏ sức sống bền bỉ của di sản văn hóa Việt. Cùng với dân tộc và đất nước qua bao biến động của lịch sử đó, những di sản văn hóa còn tồn tại và phát triển trên đất Phú Yên ngày nay là vốn quý, không chỉ của Phú Yên mà còn là vốn quý của quốc gia.

 

Trong xã hội hiện đại, di sản văn hóa được quan niệm không phải như những biểu tượng hoài niệm quá khứ, mà như một lực cố kết cộng đồng trong cuộc đấu tranh vì sự tồn tại và phát triển của đất nước. Nó không chỉ là nhân chứng của quá khứ mà là của cả hiện tại và liên quan đến tương lai của cả một cộng đồng xã hội. Chúng ta đều biết mọi gia đình đều quan tâm và thường xuyên dạy dỗ con em trong nhà, tôn trọng luân thường đạo lý, giữ gìn thuần phong mỹ tục trong ứng xử với gia đình, làng xóm, giỗ tết, ma chay, cưới xin... đó cũng chính là một cách giữ gìn cái gốc văn hóa của dân tộc, chống lại nguy cơ đồng hóa về mặt văn hóa. Dân tộc Việt Nam trong nhiều thế kỷ bị ngoại bang đô hộ mà không bị tha hóa là nhờ giữ được các gốc văn hóa đó.

 

Từ góc độ kinh tế học, di sản văn hóa còn được xem là một tiềm năng kinh tế, nếu biết đặt nó vào trong khuôn khổ của việc phát triển du lịch. Kinh tế du lịch hiện nay đang chiếm một tỉ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế quốc dân của nhiều quốc gia trên thế giới. Hoạt động du lịch thực chất là hoạt động do nhu cầu văn hóa quyết định. Sự khao khát hiểu biết về tính đa dạng của thế giới, nhu cầu tiếp xúc, giao lưu, xê dịch, đổi mới không gian tồn tại, cũng như nhu cầu giải trí tích cực để nâng cao sức khỏe về thể chất và tinh thần... là động lực thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động du lịch. Do đó di sản văn hóa luôn có vai trò là nguồn tài nguyên to lớn của du lịch. Người Nhật gọi di sản văn hóa là “tài sản văn hóa” vừa có ý nghĩa là của quý hiếm có giá trị tinh thần, vừa có ý nghĩa vốn liếng sinh lợi cho con người về kinh tế.

 

*

*     *

 

Tỉnh Phú Yên có tài nguyên hết sức đa dạng và phong phú cho dịch vụ du lịch, nhiều di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh; nhiều đầm vịnh, rừng núi, có bờ biển dài với những bãi tắm rộng hàng chục cây số phong cảnh nên thơ... Tuy nhiên, những năm gần đây hoạt động dịch vụ du lịch còn rất khiêm tốn, nền công nghiệp du lịch với nguồn tài chính nhỏ bé, cơ sở vật chất thiếu thốn, trình độ phục vụ còn lạc hậu, chưa biết khai thác ưu thế của thiên nhiên và các di sản văn hóa để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo nhằm thu hút khách du lịch.

 

Hiện nay, tỉnh đang cố gắng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái - văn hóa, khai thác cảnh quan xinh đẹp và nguyên sơ của thiên nhiên; cùng với việc phát huy vai trò độc đáo của các di sản văn hóa ở địa phương để tạo ra sự hấp dẫn riêng có đối với các du khách, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy các dịch vụ phục vụ du lịch phát triển.

 

Những nghệ nhân tạo ra các sản phẩm văn hóa cổ truyền và đồ thủ công mỹ nghệ lưu niệm, chế biến các món ăn đặc sản, các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật truyền thống có điều kiện thể hiện tài năng và có thu nhập từ nghệ thuật lao động quý hiếm của mình...

 

Kể từ khi được tái lập tỉnh (tháng 7/1989), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên với những cố gắng của mình đã tiến hành những công tác cần thiết để bảo tồn và phát triển những di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh, Bộ Văn hóa Thông tin đã cấp quyết định công nhận 13 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Ngoài hai danh thắng thiên nhiên: Đầm Ô Loan, Gành Đá Dĩa còn lại là các địa chỉ văn hóa - lịch sử: Chùa Đá Trắng, Đền thờ và mộ Lê Thành Phương, Đền thờ và mộ Lương Văn Chánh, Tháp Nhạn, Thành Hồ, Thành An Thổ, Di tích tàu không số Vũng Rô, Chiến thắng Đường 5, Di tích vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh, Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên Phú Yên ở La Hai - Đồng Xuân, nơi diễn ra Đồng khởi Hòa Thịnh - cuộc đồng khởi đầu tiên ở đồng bằng Khu V trong kháng chiến chống Mỹ. Phú Yên còn có nhiều di sản văn hóa rất độc đáo hiện đang được đầu tư sưu tầm và khai thác, có những di sản như: hát bài chòi, hát bả trạo, hát ru, hò khoan, hò cát lái, lễ hội cầu ngư, lễ hội đua ngựa, lễ hội đua thuyền, lễ hội đập Đồng Cam... của người Kinh, lễ hội cồng chiêng, nhiều sử thi và lối hát khan của đồng bào dân tộc thiểu số... Trong những di sản văn hóa phi vật thể độc đáo ấy, có nét chung trong một số tỉnh; nhưng cũng có những di sản riêng mang tính đặc thù chỉ có ở Phú Yên: cặp kèn đá, bộ đàn đá Tuy An, trống đôi - cồng ba - chinh năm là những ví dụ.

 

Nhà nước đã đầu tư nhiều tỉ đồng để trùng tu một số di sản vật thể, tổ chức nhiều điểm khảo cổ, sưu tầm lưu giữ nhiều di sản phi vật thể. Nhân dân cũng tham gia nhiều công sức duy tu, tu bổ nhiều đình chùa, nhà cổ và nhiều di sản khác.

 

Tuy nhiên, những cố gắng trên là chưa đủ so với yêu cầu. Thực tế những năm qua cho thấy nhiều di sản vật thể của Phú Yên chưa được quan tâm một cách đầy đủ, toàn diện, cho nên bị mai một và hủy hoại nhiều như: Nhà tù Trà Kê - nơi giam giữ tù chính trị của thực dân Pháp trước năm 1945; Thành Hồ - ngôi thành cổ của người Chăm ở Hòa Định - Phú Hòa; Thành An Thổ - thủ phủ của Phú Yên nhiều thế kỷ, nơi sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng; các ngôi chùa cổ, nhà cổ và nhiều di tích lịch sử cách mạng khác.

 

Bên cạnh đó, điều đáng lo là hiện nay không chỉ ở đồng bằng mà cả miền núi trong tỉnh các sản phẩm văn hóa nước ngoài như băng, đĩa, mạng điện tử, sách, kinh... đang xâm nhập đời sống hàng ngày của nhân dân. Những sản phẩm văn hóa từ bên ngoài du nhập vào không phải tất cả đều xấu và sự tiếp thu các sản phẩm văn hóa ưu việt bên ngoài là điều cần thiết, nhưng trong thực tế có một bộ phận thanh thiếu niên bị văn hóa nước ngoài chi phối, một số tập quán, lối sống truyền thống bị thay đổi từ trong ứng xử, trong cả quan điểm thẩm mỹ, quan hệ xã hội...

 

Kiểu sống phương Tây thực dụng, xa lạ với truyền thống dân tộc đang có nguy cơ lan rộng. Nhiều di sản văn hóa truyền thống đang mất đi hàng ngày trong sự thờ ơ, quên lãng của cộng đồng; kho tàng văn học - nghệ thuật dân gian, các nghề thủ công truyền thống bị mai một theo những người già đã và sắp khuất xa.

 

*

*    *

Từ những đánh giá trên cho thấy, trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước gắn với xu thế hội nhập quốc tế, việc giao lưu không chỉ diễn ra trên lĩnh vực kinh tế mà còn diễn ra rộng lớn trên lĩnh vực văn hóa. Các sản phẩm văn hóa từ các nước ngày càng xâm nhập vào đời sống xã hội của cả nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng. Do đó việc giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc lại càng bức thiết hơn bao giờ hết.

 

Với tốc độ phát triển kinh tế hiện nay, thì kinh tế của đất nước có sự thay đổi rất lớn, cơ sở hạ tầng và các phương tiện phục vụ đời sống ngày càng hiện đại, nhiều đô thị và các khu công nghiệp sẽ mọc lên khắp nơi. Khung cảnh yên ả, chậm chạp của một xã hội nông nghiệp sẽ được thay bằng nhịp sống khẩn trương, hối hả của một xã hội công nghiệp - dịch vụ. Các chương trình truyền hình, phát thanh, báo chí, trên internet, trên các phương tiện quảng cáo... với nhiều sản phẩm văn hóa rất đa dạng tác động vào cuộc sống từng người. Lúc đó Người Việt Nam chỉ còn khác với người các nước khác ở bản sắc văn hóa dân tộc riêng của mình. chính việc tiếp nhận sự tác động thường xuyên các di sản văn hóa cả phi vật thể và vật thể từ trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội sẽ làm cho từng người, từng cộng đồng chúng ta giữ được bản sắc văn hóa đó.

 

Trong lòng mỗi người Phú Yên sẽ có cảm giác ra sao nếu không còn một Tháp Nhạn, không còn Đền thờ Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương, Nhà thờ Bác Hồ ở Sơn Định; không còn những ngôi chùa cổ như Từ Quang, Hồ Sơn, Bửu Tịnh, không còn Nhà thờ Mằng Lăng cổ kính; không còn nghe câu dân ca bài chòi, những đêm cồng chiêng rộn rã và cả những câu hát ru thắm đẫm tình cảm và đạo lý làm người của bà, của mẹ? Và liệu ai còn nhớ đến những năm tháng gian khó nhưng hào hùng của công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc nếu không còn những chứng tích ghi dấu vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh, hay những chiến công Núi Hiềm, Suối Cối, Đường 5, Vũng Rô, Hòa Thịnh...?

 

Việc phải làm sắp đến trong việc giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa ở Phú Yên để tiến tới kỷ niệm 400 năm thành lập tỉnh, tựu trung cần lưu ý:

 

- Đối với di sản văn hóa vật thể: Cần tổ chức kiểm kê, đánh giá, phân loại một cách có hệ thống, tổ chức công nhận và phân cấp quản lý phù hợp gắn liền với việc đầu tư để trùng tu và khai thác phục vụ tham quan du lịch, giáo dục lịch sử - truyền thống có hiệu quả.

 

Một số di tích hiện chỉ còn phế tích, cần nghiên cứu phục chế một phần hay toàn bộ để phục vụ du lịch và nghiên cứu văn hóa lịch sử. Khuyến khích cộng đồng dân cư duy trì và tôn tạo một số cơ sở tôn giáo cổ kính, đình miếu, nhà ở cổ, nhà rông. Xây dựng một số di tích lịch sử cách mạng đúng tầm. Xây dựng nhà Bảo tàng tỉnh và các bảo tàng, nhà truyền thống ở các địa phương, đơn vị để lưu giữ, giới thiệu các di sản văn hóa ở địa phương.

 

- Đối với di sản văn hóa phi vật thể: Đầu tư thích đáng để sưu tầm, tổng kết, lưu giữ bằng nhiều phương tiện không để bị mai một. Thường xuyên tổ chức các sinh hoạt giao lưu, các hội thi văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc, nghiên cứu đưa vào trường học để dạy cho học sinh. Khuyến khích việc hình thành các đoàn, nhóm biểu diễn, câu lạc bộ sinh hoạt văn nghệ truyền thống; xây dựng được nhiều tiết mục độc đáo của địa phương để phục vụ khách du lịch và giao lưu văn hóa... theo hướng vừa giữ gìn, vừa phát triển các di sản văn hóa phục vụ thiết thực cho cuộc sống. Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân tộc hôm nay chính là xây dựng nền tảng vững chắc về văn hóa và tinh thần cho xã hội hiện đại mai sau, là thắp sáng lên ngọn lửa vĩnh cửu trong tâm hồn của mọi thế hệ người Việt Nam để không ai tự đánh mất mình trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, lâu dài.

__________________

(1) Theo tạp chí Người đưa tin UNESCO, số 10-1995

 

Đào Tấn Lộc

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Âm vang liên hoan lính quân hàm xanh
Thứ Năm, 07/08/2008 15:57 CH
Bao giờ Phú Yên có Festival?
Thứ Năm, 07/08/2008 14:30 CH
21 phim tranh giải Sư tử vàng LHP Venice 2008
Thứ Năm, 07/08/2008 10:30 SA
27 Nhà thiếu nhi tham dự
Thứ Năm, 07/08/2008 07:20 SA
Cảnh sát hình sự - Hành trình bí ẩn
Thứ Tư, 06/08/2008 13:00 CH
5 đơn vị đồng giải A toàn đoàn
Thứ Tư, 06/08/2008 07:33 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek