Thứ Tư, 02/10/2024 11:26 SA
Âm vang liên hoan lính quân hàm xanh
Thứ Năm, 07/08/2008 15:57 CH

Sau bốn ngày thi diễn sôi động, hào hứng, trong đó có một đêm đi biểu diễn phục vụ cán bộ và nhân dân các địa phương ở Phú Yên, Liên hoan Đội tuyên truyền văn hóa (TTVH) Bộ đội biên phòng (BĐBP) lần thứ VI năm 2008 khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã khép lại. Song dư âm của liên hoan vẫn còn đọng lại trong lòng nhiều người dân TP Tuy Hòa...

 

anh-LH-080807.jpg

Tiết mục hát múa Trống hội non sông của đoàn Phú Yên - Ảnh: X.HIẾU

 

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên, thành viên Ban giám khảo liên hoan:

 

Đa số các chương trình tham gia liên hoan được đầu tư dàn dựng công phu, kết hợp chặt chẽ các yếu tố nghệ thuật (âm nhạc, ánh sáng, trang trí sân khấu), tạo được hiệu quả thẩm mỹ đồng bộ; có một số tiết mục đạt tới sự chuyên nghiệp, tinh tế. Đặc biệt, các đoàn rất chú ý khai thác văn hóa dân gian truyền thống vùng miền nên đã phát huy được thế mạnh, mang lại hiệu quả nghệ thuật cao.

Gần 400 diễn viên, tuyên truyền viên là những người lính mang quân hàm xanh, người đến từ quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh, người đến từ đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, người đến từ miền cát trắng duyên hải miền Trung... mang đến liên hoan những lời ca tiếng hát, điệu múa, tiếng đàn, vở kịch đầy tính nghệ thuật, mang sắc thái riêng của từng địa phương.

 

Ca, múa, nhạc là những thể loại chiếm phần lớn trong các chương trình tham gia liên hoan, được các đoàn đầu tư dàn dựng rất công phu. Xuyên suốt các chương trình là chủ đề ca ngợi Tổ quốc và nhân dân, trọn lòng tin vào Đảng và biết ơn công lao của Bác Hồ vĩ đại, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, ca ngợi truyền thống anh hùng của lực lượng BĐBP, của quê hương đất nước… Những chủ đề ấy được thể hiện qua các tiết mục hát múa hoành tráng, như Dòng máu Lạc Hồng của đoàn Đà Nẵng, Ngày hội biên cương của Phú Yên, Dung Quất vẫy chào của Quảng Ngãi, Vóc dáng anh hùng của Quảng Nam, Tổ quốc ngày mới của Bình Định, Hành khúc người chiến sĩ biên phòng của Gia Lai… Bên cạnh loại hình ca, hình ảnh người lính mang quân hàm xanh được thể hiện sống động qua những sinh hoạt gắn kết với đời thường để từ đó sáng lên tình đồng chí đồng đội, tình quân dân, tình yêu đôi lứa rất mộc mạc, giản dị… trong các tiết mục múa: Muối mặn tình người (Phú Yên), Hành khúc biên phòng Quảng Nam (Quảng Nam), Tình yêu mùa vàng (Hà Tĩnh), Lũy thép vùng biên (Đắk Lắk), Nơi ấy có chúng tôi (Quảng Bình)… Múa là một loại hình rất khó cả về biên đạo lẫn biểu diễn, nhưng đã được tất cả các đoàn chọn làm tiết mục “đinh” cho chương trình, đầu tư dàn dựng rất chuyên nghiệp. Chính các tiết mục múa đã mang lại sự hài hòa hấp dẫn cho mỗi chương trình và cả liên hoan. Trong đó, một số tiết mục kết hợp khéo léo với nhạc cụ dân tộc đã gây được ấn tượng sâu sắc với người xem, như Vó ngựa biên cương (Đà Nẵng), Muối mặn tình người (Phú Yên), Dáng tháp (Khánh Hòa), Tiếng vọng non ngàn (Đắk Nông), Sức xuân biên cương (Kon Tum), Cầu mùa (Thừa Thiên - Huế), Con tàu trên sóng (Hải đoàn 48)…

 

Kịch cũng là một thử thách đối với các diễn viên không chuyên. Tuy nhiên, đây là thể loại bắt buộc nên tất cả các đoàn đều đầu tư dàn dựng công phu, trong đó thể loại kịch dân ca được khai thác khá nhiều. 15 tiểu phẩm và kịch thông tin với cách tiếp cận vấn đề, lý giải vấn đề khác nhau, nhưng đều tập trung vào các hoạt động của những người lính mang quân hàm xanh đang ngày đêm bảo vệ vùng biên cương, biển đảo của Tổ quốc. Trong khi Quảng Ngãi có Trong cơn lốc thì Hà Tĩnh có Tình người nơi biên cương; Gia Lai có Lầm lỗi thì Kon Tum có Tỉnh ngộ, Quảng Bình có Sa lưới, Thừa Thiên- Huế có Sóng dữ, Phú Yên có Vườn cây ao cá thì Khánh Hòa có Những người con của biển; Đắk Nông có Kỷ vật vô giá thì Bình Định có Của để dành, Đắk Lắk có Buôn làng ta làm theo lời Bác dạy, Hải đoàn 48 có Phương thức làm ăn bền vững…

 

Tuy liên hoan lần này không có những tiết mục, giọng ca, tay đàn đặc biệt xuất sắc, gây ấn tượng, nhưng điều đáng mừng là chất lượng nghệ thuật của các đoàn tương đối đồng đều, “kẻ tám lạng người nửa cân”. Điều này đã làm  cho ban giám khảo rất khó khăn trong việc chọn đoàn nào vào vị trí số một. Vì vậy, từ dự kiến ban đầu là 3 giải A toàn đoàn, Ban tổ chức đã tăng lên 5 giải A. Những đoàn đoạt giải B, C đều có chương trình loại khá trở lên.

 

Đại tá Nguyễn Tiến Thắng, Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị Bộ tư lệnh BĐBP - Trưởng ban tổ chức liên hoan:

 

15 năm qua, chương trình phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) đã đào tạo được đông đảo những người làm công tác TTVH trên các tuyến biên giới. Qua liên hoan lần này, đội ngũ các chiến sĩ TTVH mang quân hàm xanh tiến bộ rõ rệt. Nếu như ở những liên hoan trước, các diễn viên là lực lượng phối hợp nhưng lại đóng vai trò chủ chốt trong các chương trình, thì lần này, những người làm công tác TTVH BĐBP chủ động trong các tiết mục. Tại liên hoan này cũng đã xuất hiện một số diễn viên trẻ có nhiều triển vọng.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bao giờ Phú Yên có Festival?
Thứ Năm, 07/08/2008 14:30 CH
21 phim tranh giải Sư tử vàng LHP Venice 2008
Thứ Năm, 07/08/2008 10:30 SA
27 Nhà thiếu nhi tham dự
Thứ Năm, 07/08/2008 07:20 SA
Cảnh sát hình sự - Hành trình bí ẩn
Thứ Tư, 06/08/2008 13:00 CH
5 đơn vị đồng giải A toàn đoàn
Thứ Tư, 06/08/2008 07:33 SA
Chưa đột phá!
Thứ Ba, 05/08/2008 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek