Thứ Tư, 02/10/2024 17:32 CH
Nhà văn Đỗ Kim Cuông, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương:
Phải có nhận thức mới, đúng đắn về văn học nghệ thuật
Chủ Nhật, 03/08/2008 08:00 SA

Ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Ngày 28/7/2008, đoàn công tác của các cơ quan trung ương đã có buổi làm việc với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Yên để đánh giá, xem xét công tác hỗ trợ đầu tư sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí. Dịp này, Báo Phú Yên đã gặp gỡ, trao đổi với nhà văn Đỗ Kim Cuông, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương về các vấn đề nêu trên.

 

* Những vấn đề Nghị quyết Bộ Chính trị quan tâm chỉ đạo về công tác văn học, nghệ thuật lần này là những vấn đề gì, thưa nhà văn?

 

Nha-van-080802.jpg

Nhà văn Đỗ Kim Cuông

- Sau khi lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân; ý kiến của các cơ quan Trung ương và địa phương, đặc biệt là ý kiến đóng góp của hàng trăm văn nghệ sĩ của các hội văn học, nghệ thuật Trung ương và địa phương, Bộ Chính trị nhận thấy rằng: Hơn 20 năm qua thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; chính trị, an ninh, ổn định đời sống, văn nghệ của nước ta đã có bước phát triển tốt, song vẫn còn những yếu kém, bất cập. Văn học, nghệ thuật phát triển chưa tương xứng với văn hóa, với sự phát triển của xã hội. Chúng ta còn thiếu vắng những tác phẩm có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, phản ánh sâu sắc, chân thực sự nghiệp cách mạng của đất nước và nhân dân ta trong quá khứ và trong thời kỳ đổi mới.

 

Do vậy, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X), tập trung chỉ đạo nhiệm vụ của văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới trên 5 mặt. Một là, đẩy mạnh công tác sáng tác, tạo điều kiện tối đa cho đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy trí tuệ, năng lực sáng tạo để những năm tới có được những tác phẩm tiểu thuyết, thơ, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian… có chất lượng, có giá trị về nội dung và nghệ thuật, phản ánh sâu sắc hiện thực, hướng tới các giá trị chân-thiện-mỹ, giá trị nhân văn, giàu bản sắc dân tộc, vùng đất… Hai là, đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật để thúc đẩy sáng tác và quan trọng nữa là định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Khâu này, hoạt động những năm qua ở cả Trung ương và địa phương còn thiếu và yếu. Giá trị một tác phẩm văn nghệ muốn để cho công chúng hiểu, chia sẻ với người nghệ sĩ rất cần các nhà phê bình văn nghệ có nghề, tránh lối phê bình áp đặt chủ quan, khiên cưỡng mà phải có cái nhìn hiểu biết, khoa học, nhân văn… Ba là, tập trung cho việc công bố, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật để đưa tác phẩm đến với công chúng, nhất là vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc… Bốn là, tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý văn nghệ, đặc biệt chú trọng các tài năng văn nghệ trẻ. Song hiện nay, nhiều ngành như sâu khấu, điện ảnh, âm nhạc, múa không được đào tạo cơ bản, hiện đại, chúng ta sẽ tụt hậu. Tài năng văn nghệ là vốn quý của nhân dân, đất nước, của từng địa phương cần được đầu tư, đào tạo… Năm là, làm rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan lãnh đạo, quản lý nhà nước của các hội văn nghệ, của văn nghệ sĩ với công tác văn học, nghệ thuật để đáp ứng yêu cầu mới.

 

Chi-hoi-SK-080802.jpg

Giao lưu sân khấu học đường, một trong những chương trình được hỗ trợ kinh phí - Ảnh: XUÂN HIẾU

 

* Để Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn học, nghệ thuật đi vào đời sống, điều quan trọng hàng đầu là gì thưa nhà văn?

 

- Ban Tuyên giáo Trung ương nay mai sẽ có hướng dẫn cụ thể để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết. Trách nhiệm, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, các hội văn nghệ, Bộ Chính trị xác định đã rõ. Rất nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương, văn nghệ sĩ đều nhận thức rằng: Điểm mấu chốt để Nghị quyết của Đảng đi vào đời sống, các cấp ủy đảng, chính quyền, các hội văn nghệ, văn nghệ sĩ phải có nhận thức mới, đúng đắn về vai trò, vị trí, nhiệm vụ của văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Đất nước ta đang sống trong giai đoạn hòa bình, ổn định và phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế. Quá trình giao lưu văn hóa toàn cầu là tất yếu, một mặt phải giữ cho được các giá trị truyền thống, mặt khác cũng phải tiếp thu các giá trị tinh hoa thế giới để học tập và sáng tạo ra các giá giá trị văn nghệ Việt Nam thời kỳ mới. Nếu nhận thức của các cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước không có những chuyển động tích cực, cơ chế chính sách cho văn nghệ và văn nghệ sĩ không có sự điều chỉnh kịp thời thì văn học, nghệ thuật khó đáp ứng với yêu cầu của cuộc sống. Hiện thực của đất nước, những vấn đề mới, các mối quan hệ xã hội, đời sống của nhân dân, tư tưởng, đạo đức, lối sống đang có những chuyển động mạnh mẽ, bên cạnh mặt tốt, cũng còn những mặt chưa tốt, thậm chí suy thoái… Chỉ đơn cử một ví dụ nhỏ như số phận người nông dân hôm nay trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã khác xa với hình ảnh người nông dân trong kháng chiến, trong thời kỳ vận động hợp tác hóa nông nghiệp, thời bao cấp… Nếu người nghệ sĩ không bám sát thực tiễn, không có cái nhìn mới, sâu sắc, sự thông cảm chia sẻ mọi nỗi vui buồn với người nông dân, làm sao chúng ta có được những tác phẩm văn học, nghệ thuật hay về họ được công chúng thừa nhận?

 

* Nhà văn đánh giá như thế nào về công tác hỗ trợ sáng tác, công bố các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật của Chính phủ cho văn nghệ sĩ và nhà báo của Phú Yên qua đợt kiểm tra lần này?

 

- Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, từ năm 2004 đến nay hàng năm các hội nhà báo, hội văn nghệ từ Trung ương đến địa phương được Chính phủ hỗ trợ cho một khoản kinh phí để anh chị em văn nghệ sĩ, nhà báo có điều kiện sáng tạo, công bố tác phẩm, nâng cao trình hộ chính trị nghiệp vụ chuyên môn, đi thực tế. Hội Nhà báo, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Yên đều được nhận khoản tiền này, tuy không nhiều nhưng thực sự có ích, tạo điều kiện khuyến khích cho các nhà báo, văn nghệ sĩ sáng tạo. Hội Nhà báo, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Yên qua kiểm tra, đánh giá của đoàn công tác liên ngành gồm Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đều nhận thấy các hội đã thực hiện nghiêm túc thông tư hướng dẫn của Chính phủ, sử dụng đồng tiền đúng mục đích, có hiệu quả. Chỉ tiếc rằng do số hội viên đông nên đầu tư cho mỗi tác giả còn thấp. Chúng tôi rất mừng khi các văn nghệ sĩ cao tuổi ở Phú Yên hiện nay như Văn Công, Y Điêng, Liên Nam, Tô Phương, Bùi Tân, Nguyễn Tường Thuật, Bằng Tín, Trần Sĩ Huệ… vẫn lao động nghệ thuật không mệt mỏi và có tác phẩm mới. Hơn ai hết, họ hiểu rằng sự sống còn đối với một người văn nghệ sĩ là tác phẩm… Song đã đến lúc cần tập trung có chiều sâu, có trọng điểm cho một số văn nghệ sĩ có khả năng để viết các tác phẩm văn nghệ có giá trị về mảnh đất và con người Phú Yên vốn có bề dày truyền thống cách mạng và vươn lên trong sự nghiệp đổi mới này. Văn học, nghệ thuật của chúng ta hôm nay vẫn còn mắc nợ với nhân dân và đất nước, với chính quê hương của mình.

 

* Xin cảm ơn nhà văn!

 

PV (thực hiện)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek