Bộ VH-TT-DL vừa có hướng dẫn về việc tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022. Theo đó, bộ này đề nghị Sở VH-TT-DL/Sở VH-TT/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành căn cứ vào điều kiện thực tiễn của từng địa phương chỉ đạo hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất và các hoạt động hưởng ứng.
Trong đó tập trung vào nội dung đẩy mạnh phong trào đọc sách, lan tỏa tri thức, nét đẹp của văn hóa, con người Việt Nam cho nhân dân trên địa bàn; khai thác triệt để nguồn lực về khoa học công nghệ, sử dụng các hình thức đa dạng trên không gian mạng để tổ chức các hoạt động quảng bá về văn hóa đọc; tích cực tham gia và triển khai đồng bộ tại địa phương các hoạt động, cuộc thi nhằm thúc đẩy văn hóa đọc do các cơ quan Trung ương phát động. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sở tổ chức truyền thông trực quan (băng rôn, khẩu hiệu, pano...) hoặc trực tiếp nhằm tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, đặc biệt là văn hóa đọc và ý nghĩa của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23/4 hàng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới. Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách con người. Ngày 4/11/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”.
MỸ AN