Thứ Năm, 19/12/2024 13:55 CH
Nguyên tiêu núi Nhạn - “điểm đến” cho cảm xúc thơ (*)
Thứ Bảy, 12/02/2022 13:00 CH

Song song với hoạt động của Đêm thơ Nguyên tiêu truyền thống tỉnh Phú Yên tính từ năm 1980, thì tập thơ Nguyên tiêu hàng năm cũng có thể xem là ấn phẩm truyền thống tính từ năm 2001.

 

Bìa tập Thơ Nguyên tiêu 2022. Ảnh: HUỲNH VĂN QUỐC

Thậm chí ấn phẩm này còn “truyền thống” hơn cả đêm thơ khi mà trong 3 năm qua, đêm thơ phải tạm dừng để bảo đảm phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình chung, thì tập thơ Nguyên tiêu thường niên vẫn được duy trì. Có lẽ đây cũng là điểm tạo nên sự khác biệt khi Phú Yên hòa vào hoạt động Ngày Thơ Việt Nam cùng với cả nước, tính từ năm 2003.

 

Tập Thơ Nguyên tiêu 2022 do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên tuyển chọn và NXB Hội Nhà văn cấp phép đã ra mắt bạn đọc, bạn yêu thơ và tác giả thơ đúng vào dịp Nguyên tiêu xuân Nhâm Dần. Tập thơ như một món quà quen thuộc cho những ai quan tâm vào thời điểm này sẽ không quá hụt hẫng khi mà hội thơ trong năm nay vẫn tạm dừng vì an toàn cho sức khỏe cộng đồng là trên hết.

 

So với mọi năm, con số gần 80 tác giả với non 200 bài thơ gửi về tham gia, để từ đó chọn ra hơn 60 bài của 60 tác giả là có phần khiêm tốn. Điều này cũng dễ hiểu, vì trong điều kiện bình thường mới khi dịch đã tạm thời được kiểm soát, nhiều thứ khác trước mắt của mỗi tác giả cần được ưu tiên hơn…

 

Số lượng tuy giảm, nhưng chất lượng không vì thế mà ảnh hưởng, đề tài thơ vẫn như thường niên nếu không muốn nói là năm nay có thêm một đề tài ngoài ý muốn: COVID-19. Trong khuôn khổ của một hoạt động thơ mang tính yêu thơ là chính, chất lượng thơ vẫn được duy trì và vẫn có sự tiếp nối với những gương mặt mới.

 

Sẽ không có gì phải ngạc nhiên khi những tác giả thường xuyên gắn bó với thơ Nguyên tiêu Phú Yên bày tỏ niềm tiếc nuối và mong đợi. Từ Huế, nhà thơ Ngàn Thương gửi về đất Phú những câu thơ còn chưa ráo mực trong mùa mưa bão:

 

“Bao mùa dịch giã, thơ ngưng tiếng

Nhạc cũng không còn trỗi khúc ca

Người đẹp ngóng chờ tan COVID

Cho thỏa lòng ai dưới trăng ngà

Khách mãi khát khao ngày hội ngộ

Nguyên tiêu truyền thống Phú Yên mình

Không gian lưu dấu miền nhân nghĩa

Xứ Nẫu không mờ cảnh sắc xuân...”

(Sắc xuân)

 

Ở Phú Yên, nhà thơ Lê Hào cũng Thấu hiểu được mùa xuân với những dòng tâm sự rất… nóng hổi:

 

“Em tựa đầu vào vai anh

nghe nóng hổi

chúng ta nóng hổi vì nhau, vì sự sống xung quanh

mùa xuân về nóng hổi

trái đất của chúng ta nóng hổi

Em đưa bàn tay cho anh cầm

nhìn ngón tay trân quý

chúng ta trân quý những ngón tay của mùa xuân

chỉ cho ta lẽ đời

và níu giữ những gì thân thiết

Từ biến cố đau thương

chúng ta mới thấu hiểu được mùa xuân”.

 

Từ TP Hồ Chí Minh, một tác giả với bút danh khá lạ: Khét, đã phải lòng mùa xuân nơi núi Nhạn sông Đà dù anh chưa một lần đến nơi đây:

 

“Tôi gửi cho em một mùa xuân

hương hoa cả đời mọc dưới chân tháp Nhạn

theo tờ lịch cuối nở lưng mùa thương nhớ

trổ hồng chúng ta

Em cầm mùa xuân trên tay

lay tôi giấc triền miên

mắt môi người ngọt lịm

như cái nắng lẽo đẽo phía hiên nhà

như ngực mình ghim đầy nỗi nhớ quê

Em ơi, quê mình đất Phú trời Yên

ta như trở về với mẹ

Em cầm mùa xuân trên tay

Tôi lại cầm em giữa lòng Phú Yên mình”

(Em cầm mùa xuân trên tay)

 

Rõ ràng, dù có tổ chức hay tạm thời gián đoạn, đêm thơ trên núi Nhạn vẫn là điểm đến cho cảm xúc thơ của những tác giả thơ và người yêu thơ biết đến Phú Yên trên mọi miền đất nước. Cũng từ điểm đến thơ núi Nhạn, có một tác giả thơ mới toanh là họa sĩ Trần Trưởng đã đặt vào đó những cảm xúc vừa… cổ kính vừa lạ lẫm. Anh nâng niu gửi đứa con tinh thần của mình từ năm ngoái và năm nay mới có dịp xuất hiện. Đó là bài Thượng nguyên thơ cổ tháp:

 

“Đêm thơ như bầu rượu

Thơm nồng tỏa gió mây

Nụ thơ cười tình rót

Nhấp ngụm hoang vu say…”.

 

Những tác giả thơ đã quen thuộc với bạn đọc thơ Nguyên tiêu Phú Yên hàng năm như Hoàng Nguyên Chương, Trần Văn Lan, Nguyễn Lục Gia, Trần Lê Anh Tuấn… đều đưa đến bạn đọc những nét duyên dáng riêng trong thơ mình. Nếu như Trần Văn Lan đằm thắm về những điều tưởng không còn gì để viết nhưng qua thơ ông vẫn thấy rung động, thì Trần Lê Anh Tuấn đã làm mới ngoại cảnh qua nhịp đập tim mình:

 

“Có bà lão miệng cười ra hạnh phúc

Têm lời thề trong chiếc lá trầu cay

Sáu phiên chợ chị về mua duyên nợ

Bà lão cười hạnh phúc chiếc răng lay”

(Về đi chợ Hòa Đa - Trần Văn Lan)

 

“Đêm mọng đầy nỗi nhớ

Hương chảy xuống con đường

Đi hướng nào cũng vương

Ánh trăng bồng bềnh thở.”

(La Hai - Trần Lê Anh Tuấn)

 

Để khép lại bài này, có lẽ tác giả thơ quen thuộc Hoàng Nguyên Chương đã nói hộ người yêu thơ với cảm hứng từ núi Nhạn - Tuy Hòa:

“Một mai kia ai trở lại Tuy Hòa

Sẽ hiểu được bóng trăng chờ cổ tháp

Sẽ hiểu được cơn sóng triều dào dạt

Trong mắt người từ thuở có mùa xuân”

(Trong mắt một người)

 

Và ở đây, “bóng trăng chờ cổ tháp” cũng là một phần tâm trạng của người thơ và người yêu thơ để cảm xúc thêm dịp thăng hoa…

 

-------------

(*) Đọc tập Thơ Nguyên tiêu 2022 của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, NXB Hội Nhà văn, tháng 1/2022

 

HUỲNH VĂN QUỐC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek