Cửa chùa đất Phật là chốn yên bình, nơi thanh tịnh mà vào dịp tết đến xuân về, nhiều người tìm về với mong muốn cầu sự bình an, may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.
Xuân Nhâm Dần này, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều người dân đi lễ chùa muộn hơn mọi năm.
Cầu cho quốc thái, dân an
Đối với chị Nguyễn Thị Ngọc Anh ở xã An Mỹ (huyện Tuy An), cứ mỗi độ xuân về, dù có hòa mình vào không khí lễ tết thì chị vẫn không quên lên chùa thắp hương, cầu nguyện sức khỏe bình an, may mắn và hạnh phúc. Cũng chính vì thế, Tết Nguyên đán không chỉ mang ý nghĩa chào đón năm mới, mà còn mang nét tâm linh, tín ngưỡng trong tâm thức của chị. Vì vậy, trong những ngày đầu xuân mới, gia đình chị thường tìm về chùa để cầu cho quốc thái, dân an, may mắn cho gia đình.
Chị Anh chia sẻ: “Chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là nơi để mỗi người lắng lại lòng mình với những ý nghĩ tốt lành. Đến chùa trong những ngày đầu năm mới, không chỉ cảm nhận được không khí vui tươi của mùa xuân mà tôi còn bày tỏ lòng thành kính Phật, cầu nguyện bình an, phước lành đến với bản thân, gia đình và cho mọi người”.
Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao lo toan, vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Đến chùa, mỗi người sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời - đất. Mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.
Anh Nguyễn Bình Lợi ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Đầu năm mới, chỉ cần đến chùa là tôi cảm nhận được sự thanh tịnh trong tâm hồn và hướng đến lối sống thiện lành... Như Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói: “Tĩnh lặng là điều cốt lõi. Chúng ta cần tĩnh lặng như chúng ta cần không khí, như cái cây cần ánh sáng mặt trời. Nếu tâm trí của chúng ta luôn chứa đầy những toan tính và lo lắng thì chúng ta chẳng thể tìm được một khoảng trốпg cho chính mình”. Năm mới đến chùa lễ Phật, tôi cũng thành kính cầu mong cho quốc thái dân an, làng xóm yên bình, nhà nhà sung túc”.
Không chỉ thế, nhiều người đi chùa còn để xin chữ đầu năm hay những câu đối có ý nghĩa để mang về nhà treo ở nơi trang trọng nhất, cầu nguyện sự thành đạt cho cuộc sống và học hành thi cử cho con cái. Đặc biệt, lễ chùa đầu năm cũng giúp các bạn trẻ hiểu biết thêm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, bổ sung kiến thức lịch sử. Anh Lê Văn Minh ở phường 6 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Đối với tôi, đi lễ chùa đầu xuân đã trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa của gia đình, để thể hiện ước mơ và cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống hạnh phúc, an vui, thái bình…”.
Hiện nay, đối với nhiều bạn trẻ, đi lễ chùa đầu xuân không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân, bạn bè mà còn là dịp để thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn thiền môn trong tiết xuân. “Tết năm nào tôi cũng cùng gia đình đến chùa cầu bình an năm mới. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, người đến chùa ít, nhưng chùa vẫn được bài trí rất đẹp, có nơi còn hơn mọi năm”, chị Phạm Thị Lan ở xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) nói.
Không quên thực hiện 5K
Trái ngược với cảnh đông đúc thường thấy như những năm trước, lượng khách đến lễ chùa đầu xuân Nhâm Dần này giảm hẳn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Từ những ngày đầu tiên của năm mới, nhiều chùa đã bố trí chiếc bàn ở trước để đặt khẩu trang và nước sát khuẩn; đồng thời thường xuyên nhắc nhở du khách thực hiện nghiêm công tác phòng dịch.
Theo đại đức Thích Quảng Hòa, trụ trì chùa Long Sơn - Núi Cam (thôn Quang Hưng, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa), chùa luôn khuyến khích người dân đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, mỗi người đi lễ chùa không chỉ cầu nguyện phước lành, bình an cho bản thân, gia đình mà song hành với đó là thực hiện tốt chủ trương của chính quyền. “Mọi năm, chùa Long Sơn - Núi Cam đều tổ chức lễ cúng cầu an cho phật tử. Tuy nhiên, năm nay vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lễ cúng này phải tạm dừng. Mọi người chỉ ghi tên tuổi để chùa tự cầu nguyện, tránh tập trung đông người...”, đại đức Thích Quảng Hòa cho biết.
Tương tự, ở chùa Thanh Lương (xã An Chấn, huyện Tuy An), hạn chế người đi theo đoàn quá đông; nhiều gia đình giảm bớt người đi lễ và nhắc nhau giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc với người lạ. Tại một số chùa trên địa bàn tỉnh, cũng không khó để bắt gặp những người đi lễ chùa đeo kín khẩu trang, trừ lúc chụp ảnh cùng người thân... “Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, tôi nghĩ, mỗi người không thể chỉ lo cầu an, cầu may cho riêng mình mà gạt bỏ trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội. Vì vậy, mỗi người cần đề cao ý thức phòng dịch, quét mã QR, sử dụng nước rửa tay sát khuẩn... trước khi vào chùa”, chị Nguyễn Thị Hoa ở phường Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa) nói.
THIÊN LÝ