Mùa xuân này, cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước, các lễ hội ở Phú Yên đều ngừng hoặc giảm quy mô tổ chức. Năm 2022 là năm thứ 3 cả nước và Phú Yên thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong mùa lễ hội.
Mùa lễ hội đầu năm là nét văn hóa truyền thống Việt Nam. Thế nhưng, khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp thì nhu cầu đi lễ hội, thực hành các nghi lễ đều giảm thiểu tối đa. Đây cũng là việc làm thể hiện trách nhiệm của mỗi người dân trước cộng đồng, xã hội.
Hẹn mùa lễ hội sau
Nếu như những năm trước, từ mùng 4-6 tháng Giêng, TX Sông Cầu sẽ tổ chức lễ hội Vịnh Xuân Đài; mùng 7 tháng Giêng, huyện Tuy An có lễ hội Đua thuyền truyền thống Đầm Ô Loan, TP Tuy Hòa có lễ hội Đua thuyền truyền thống; mùng 8 tháng Giêng, TX Đông Hòa tổ chức lễ hội Đua thuyền truyền thống sông nước Đà Nông, thì năm nay, các lễ hội này tiếp tục tạm dừng.
Tương tự, hàng loạt lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh cũng dừng tổ chức, chờ đến mùa xuân sau như: lễ hội Đua ngựa Gò Thì Thùng, xã An Xuân (huyện Tuy An); lễ hội Chùa Từ Quang (huyện Tuy An); lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm (huyện Đồng Xuân); hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên và các đêm thơ - nhạc cấp huyện; các chương trình biểu diễn nghệ thuật, thể thao, vui chơi, giải trí khác... Các địa phương trên địa bàn tỉnh đều nghiêm túc trong việc dừng tổ chức lễ hội cũng như các hoạt động tụ tập đông người để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Chị Phạm Thị Kim Thoa ở xã An Chấn (huyện Tuy An) chia sẻ: “Thiếu vắng nhiều lễ hội trong những ngày xuân, tôi rất tiếc. Song nét đẹp văn hóa, bản sắc dân tộc vẫn luôn hiện hữu. Không du xuân năm nay, chúng ta còn có nhiều mùa sau để cùng trẩy hội, trong điều kiện vui tươi, an toàn hơn khi dịch COVID-19 được kiểm soát”.
Trước những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, có cả những hy sinh, mất mát trong hành trình khốc liệt chiến đấu với đại dịch COVID-19 thời gian qua, bất kỳ ai cũng tâm niệm một điều rằng: Xuân này, mỗi người không chỉ biết đến niềm hân hoan, hưởng thụ mà quan trọng hơn là ý thức, trách nhiệm. “Tôi rất đồng tình khi Phú Yên tạm dừng tổ chức các lễ hội. Chúng ta tạm dừng một mùa lễ hội nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng xã hội, để lại cùng nhau hân hoan trong mạch nguồn văn hóa, niềm vui lễ hội của những mùa xuân sau khi không còn dịch bệnh”, anh Nguyễn Văn Lý ở xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) bộc bạch.
Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra
Việc tạm dừng các lễ hội hoặc duy trì phần lễ, không tổ chức phần hội để chống dịch cũng là cơ hội để ngành Văn hóa rà soát, chấn chỉnh các lễ hội lớn, nhỏ trên trên địa bàn tỉnh hiện nay nói riêng.
Ông Lương Công Trình, Trưởng Phòng VH-TT huyện Phú Hòa, cho biết: “Ngành Văn hóa huyện Phú Hòa chủ trì, phối hợp với các đơn vị, phòng, ban liên quan, đặc biệt là Đội kiểm tra liên ngành 814 của huyện tăng cường kiểm tra các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ các tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện. Các hoạt động triển khai trong điều kiện dịch COVID-19 được kiểm soát, đảm bảo phòng, chống dịch theo quy định...”.
Song song với việc tạm ngưng các hoạt động lễ hội, ngay từ đầu năm, Trung tâm VH-TT, Trung tâm VH-TT&TT và Trung tâm VH-TT&TT-TH các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan phòng, chống dịch COVID-19. Đa số người dân và du khách chấp hành nghiêm túc. Ông Ngô Xuân Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Tây Hòa, cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trung tâm chủ động đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền để phòng, chống dịch trong cộng đồng, đặc biệt tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nhằm hướng dẫn người dân thực hiện tốt nếp sống văn minh, thực hiện đúng thông điệp 5K của Bộ Y tế về khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách... trong thời gian vui xuân”.
Trước đó, Bộ VH-TT-DL đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đối với hoạt động lễ hội, bộ đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ tổ chức phần nghi lễ. UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động lễ hội trên địa bàn theo đúng quy định. Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động VH-TT-DL, lễ hội phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và tình hình dịch bệnh COVID-19 của từng địa phương.
THIÊN LÝ