Thứ Bảy, 21/09/2024 19:33 CH
Gìn giữ nét văn hóa truyền thống trong thời kỳ mới
Thứ Ba, 16/11/2021 09:45 SA

Gia đình là tế bào của xã hội. Ảnh: THIÊN LÝ

Ứng xử văn hóa trong gia đình là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Thời gian qua, nhiều gia đình đã tạo dựng, giữ gìn những nét văn hóa ứng xử, hình thành nền nếp gia phong, nhằm hướng tới xây dựng gia đình đạt chuẩn văn hóa.

 

Trong giai đoạn hiện nay, dù văn hóa ứng xử đã có nhiều thay đổi so với những thế kỷ trước, nhưng khuôn phép của mỗi gia đình vẫn là sự duy trì giá trị truyền thống và áp dụng linh hoạt trong thời kỳ mới.

 

Vun đắp hạnh phúc

 

Theo chị Nguyễn Thị Hằng ở xã An Phú (TP Tuy Hòa), trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả, nấu và thưởng thức những bữa cơm lành canh ngọt không đơn thuần là được cùng ăn những món ngon với các thành viên trong gia đình mà đặc biệt hơn, đó là thời điểm gắn kết giữa các thành viên, hình thành nên truyền thống gia đình. Đối với gia đình chị, bữa cơm chính là những khoảnh khắc sum họp, là nơi thể hiện sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc lẫn nhau của mỗi thành viên. Con trẻ thể hiện sự kính trọng với ông bà, cha mẹ qua từng cử chỉ ăn uống. Còn cha mẹ có dịp hỏi han việc học hành của con, chia sẻ những ý tưởng, tâm tư của con; vợ chồng thể hiện tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau; anh chị em hòa thuận...

 

Chị Hằng chia sẻ: “Tôi nghĩ chuẩn bị bữa cơm ngon cho gia đình là niềm hạnh phúc của phụ nữ, thể hiện tình yêu thương đối với ông bà, cha mẹ và chồng con. Vì thế, tôi luôn dành thời gian chế biến những món ăn ngon, hấp dẫn hơn mỗi ngày để cả nhà cùng thưởng thức”.

 

Tương tự, dù bận rộn với công việc mưu sinh, nhưng đối với gia đình anh Lê Văn Lâm ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), việc gìn giữ mái ấm hạnh phúc rất quan trọng. “Những giây phút vui đùa bên các con là khoảng thời gian chúng tôi thoải mái và thảnh thơi nhất sau những áp lực cơm áo gạo tiền. Càng bận rộn, vợ chồng tôi càng trân trọng quãng thời gian đó hơn. Đây cũng là cách để các thành viên trong gia đình tôi có cơ hội thể hiện sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau”, anh Lâm nói.

 

Từ gia đình của chị Hằng, anh Lâm, có thể thấy những gia đình trẻ luôn là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tác động của cơ chế thị trường, của nhịp sống hiện đại. Với họ, chính tình cảm yêu thương, sự sẻ chia chăm sóc đã tạo nét văn hóa truyền thống gia đình rất cần được gìn giữ và phát huy. Nền nếp gia phong trong cuộc sống hiện đại được kế thừa và bổ sung những yếu tố tiến bộ của xã hội văn minh như bình đẳng giới, sinh hoạt dân chủ trong gia đình...

 

Xây dựng gia đình trong thời đại mới

 

Nhấn mạnh về vai trò của gia đình cũng như việc gìn giữ, phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình trong việc hình thành nhân cách con người và sự phát triển của xã hội, trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (tháng 10/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gia đình, Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng, thực hiện công cuộc đổi mới luôn xác định: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 

Mới đây, Chỉ thị 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước... Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta”.

 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Kế hoạch 33-KH/TU về thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Bí thư và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa có hướng dẫn triển khai kế hoạch này. Theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ nội dung của Chỉ thị 06, Kế hoạch 33 và chức năng, nhiệm vụ, tình hình, đặc điểm cụ thể của địa phương, đơn vị chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với nhiệm vụ cụ thể, sát thực tế; tổ chức học tập, quán triệt, triển khai Chỉ thị 06 và Kế hoạch 33 đến cán bộ, đảng viên, chi bộ; tuyên truyền sâu rộng trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách, pháp luật về gia đình, lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, đảm bảo sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác gia đình…

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek