Thứ Sáu, 18/10/2024 14:59 CH
Giữ gìn nền nếp gia phong
Thứ Ba, 09/11/2021 10:40 SA

Gia đình nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. Ảnh: THIÊN LÝ

Gia phong là một trong những nền tảng xây dựng nên gia đình Việt Nam truyền thống. Đó chính là cái gốc của gia đình, giữ cho con người, gia đình và xã hội Việt Nam một sức sống mãnh liệt.

 

Gia phong được hiểu là thói nhà, tập quán và giáo dục trong gia tộc, nền nếp riêng của một gia đình. Cốt lõi của gia phong luôn định hướng tới tinh thần chuộng gốc nguồn, khuyến khích lòng hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, thờ kính tổ tiên, coi trọng gia đình, thủy chung tình nghĩa, anh em hiếu thuận trong ứng xử...

 

Vun đắp hạnh phúc gia đình

 

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Đào Thị Nô ở xã An Mỹ, huyện Tuy An. Dù có ba thế hệ nhưng các thành viên trong gia đình vẫn luôn hòa thuận, đoàn kết, kính trên nhường dưới. Theo bà Nô, để giữ nếp nhà, vào những ngày nghỉ, lễ tết, gia đình bà luôn tổ chức những bữa cơm sum họp để đại gia đình cùng quây quần, mọi người cùng chuyện trò, chia sẻ sau những ngày làm việc, học hành mệt mỏi. Những buổi sinh hoạt chung giúp gắn kết các thành viên trong gia đình, là khoảng thời gian mọi người cảm thấy vui vẻ, ấm cúng. Bởi vậy, ngôi nhà của bà Nô luôn ngập tràn tiếng cười hạnh phúc. Con cháu dù bên ngoại hay bên nội đều đoàn kết, yêu thương nhau.

 

Bà Nô chia sẻ: “Là bậc ông bà nên vợ chồng tôi luôn cố gắng làm gương cho con cháu, cư xử đúng mực, công bằng; răn dạy con cái phải gương mẫu từ chính những việc làm hàng ngày trong sinh hoạt gia đình, tôn trọng, quan tâm chăm sóc ông bà nội ngoại, ứng xử với bà con lối xóm. Bên cạnh đó, vợ chồng tôi luôn gần gũi, lắng nghe chia sẻ của con cái với tinh thần “người bạn”, cũng là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cháu. Đồng thời, chúng tôi dành nhiều thời gian gần gũi với các cháu, trông nom, dặn dò các cháu khi cha mẹ chúng bận rộn công việc làm ăn...”.

 

Nhiều người cho rằng trong gia đình có những quy củ, phép tắc, con trẻ tôn kính, lễ độ, hiếu thuận với người già thì khi ra xã hội những người trong gia đình đó cũng sẽ biết nhường nhịn, làm điều thiện, là người có văn hóa. Đó chính là lý do nền nếp gia phong cần phải được giữ gìn cho dù cuộc sống con người có bộn bề đến đâu. Chị Lê Thị Thanh Lam ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), cho rằng: “Các thành viên trong mỗi gia đình ngày nay có thể duy trì nền nếp gia phong của mình từ những việc nhỏ nhất chứ không cần phải cầu kỳ, to tát. Riêng gia đình tôi có một quy định “bất di bất dịch”, đó là các thành viên trong gia đình thay phiên nhau rửa bát mỗi ngày sau khi ăn cơm xong để rèn luyện tính siêng năng và có trách nhiệm hơn”.

 

Gìn giữ gốc rễ

 

Tục ngữ Việt Nam đã đúc kết “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”, “giỏ nhà ai, quai nhà nấy”, hay “phụ từ, tử hiếu” như một quy luật, một triết lý giáo dục văn hóa, đạo đức trong gia đình. Hành vi đạo đức của ông bà, cha mẹ không chỉ để lại “quả đức” cho con cháu mà còn là sự gieo trồng đạo đức cho thế hệ sau.

 

Theo một nghiên cứu của các nhà tâm lý, một gia đình có nền nếp, cha mẹ giáo dục con bằng những phương pháp hợp lý, dùng lý lẽ để răn dạy con, thì đứa bé ấy lớn lên trở thành một đứa trẻ rất lễ phép, sống hòa đồng. Còn một đứa trẻ sống trong một gia đình không hạnh phúc, bạo lực... thì sẽ luôn có tâm lý sợ hãi, ám ảnh. Như vậy, sự giáo dục của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển tâm lý, hành động của những đứa con.

 

Có thể thấy, quá trình đổi mới đã và đang đem đến cho gia đình Việt Nam những cơ hội phát triển rất to lớn và tích cực như mức sống của đại bộ phận gia đình được nâng cao, các chức năng cơ bản của gia đình có nhiều biến đổi theo chiều hướng tiến bộ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Mặt trái của cơ chế thị trường đã làm cho nhiều gia đình không còn thời gian quan tâm đến vấn đề gia phong, sinh ra lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền, coi thường đạo đức gia đình truyền thống. Trước thực trạng này, việc giữ gìn, phát huy giá trị gia đình truyền thống là vô cùng quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết. Theo đó, vai trò của người cao tuổi (NCT) càng trở nên quan trọng và càng có nhiều ý nghĩa đối với yêu cầu cấp thiết này.

 

Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh khẳng định: “NCT với trải nghiệm dày dạn về cuộc đời luôn là trụ cột tinh thần vững chãi trong gia đình. NCT là tấm gương sáng cho con cháu noi theo về đạo đức, lối sống, kinh nghiệm, công lao trong xây dựng tổ ấm, hạnh phúc gia đình, từ đó xây dựng nên những gia đình “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường”... Đó là những bằng chứng sống về những gia đình mẫu mực Việt Nam”.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek