Thứ Năm, 28/11/2024 02:33 SA
Chương trình Vua tiếng Việt: Góp phần gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt
Thứ Năm, 04/11/2021 13:00 CH

Chương trình Vua tiếng Việt thu hút khán giả. Ảnh: THIÊN LÝ

Qua 8 số phát sóng, chương trình Vua tiếng Việt (vào lúc 20 giờ 30, thứ sáu hằng tuần trên VTV3) đã tạo được sức hút, là một trong 10 chương trình ăn khách nhất từ tháng 9 nhờ cách thức tổ chức với nội dung mới lạ. Vua tiếng Việt là một sân chơi ngôn ngữ, mà ở đó, người chơi phải vượt qua những câu đố, thử thách liên quan đến từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt rất thú vị.

 

Với xu thế hội nhập, việc sử dụng ngôn từ nước ngoài thay thế ngôn từ tiếng Việt ngày càng tăng, nhiều từ ngữ, câu chữ dễ dãi tràn ngập trên mạng xã hội… ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt - một trong các yếu tố cơ bản làm nên bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, việc khám phá, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trở thành yêu cầu cấp bách. Những chương trình trò chơi truyền hình như Vua tiếng Việt không chỉ đem đến những giây phút thư giãn cho khán giả, mà còn giúp mọi người nâng cao hiểu biết về tiếng Việt, càng thêm yêu thích và trân trọng giá trị tiếng mẹ đẻ.

 

Chương trình thuần Việt ý nghĩa

 

Mỗi tập của Vua tiếng Việt có 4 người chơi tham gia. Theo đó, người chơi vượt qua thử thách ở vòng 4 sẽ trở thành Vua tiếng Việt của tập thi đó. Nếu muốn có giải thưởng cao hơn, người chơi có thể không nhận tiền thưởng để tiếp tục thử thách với Vua tiếng Việt ở tập tiếp theo. Đầu tiên, người chơi lần lượt trải qua thử thách phản xạ trong khoảng 90 giây với các câu hỏi sắp xếp chữ cái thành từ, điền vào chỗ trống các câu ca dao, tục ngữ, viết đúng chính tả các từ khó, nhận dạng động từ, danh từ, tính từ... Sau mỗi vòng, người có số điểm thấp nhất sẽ bị loại khỏi cuộc chơi để những người có số điểm cao hơn bước vào vòng 2 giải nghĩa, vòng 3 xâu chuỗi và vòng 4 soán ngôi.

 

Bên cạnh đó, khán giả yêu thích Vua tiếng Việt có thể tham gia các thử thách tiếng Việt trên hệ thống fanpage VTV3 và tiktok Vua tiếng Việt. Nhiều câu đố, kiến thức, thông tin cập nhật trong chương trình bắt nguồn từ chính những bình luận, tin nhắn của khán giả gửi về chương trình, đã khiến một chương trình trò chơi truyền hình thoạt đầu tưởng như khó bỗng trở nên hấp dẫn.

 

Với mức độ phức tạp của tiếng Việt, ê kíp chương trình đã mời Hội đồng cố vấn bao gồm PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, TSKH Ngữ văn Đoàn Hương và nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú. Ban cố vấn của chương trình sẽ là những người thẩm định các câu hỏi được đưa ra trong chương trình.

 

Bạn Nguyễn Thị Cúc, một khán giả ở phường 5 (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Hiện nay, việc sử dụng tiếng Việt sao cho đúng có lúc còn gây nhiều tranh cãi. Vì vậy, việc ra đời một chương trình về tiếng Việt là rất bổ ích và cần thiết. Chương trình được phát sóng rộng rãi đảm bảo tính giải trí lành mạnh, lại vừa mang ý nghĩa tích cực, giá trị nhân văn”. Còn anh Nguyễn Ngọc Nhiên ở xã An Chấn (huyện Tuy An) cho biết: “Cá nhân tôi rất thích chương trình này. Vì thực tế không thiếu các chương trình trò chơi truyền hình nhưng lựa chọn nội dung đề cập như Vua tiếng Việt là khá hiếm. Vì vậy, sự có mặt của Vua tiếng Việt là nỗ lực tuyệt vời của những người làm chương trình”.

 

Học sinh tiểu học học tiếng Việt. Ảnh: THÚY HẰNG

 

Còn nhiều tranh cãi

 

Tuy nhiên, chọn phạm trù được người xưa đúc kết “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” làm chương trình trò chơi truyền hình thì không thể tránh khỏi xuất hiện phản biện về chuyên môn trong Vua tiếng Việt. Điển hình ở tập 1, vòng phản xạ, chọn từ nào đúng, chương trình chọn “bò sốt vang” thay vì “bò xốt vang”. Theo từ điển tiếng Việt hiện hành, “sốt” là động từ thể hiện sự tăng nhiệt độ cơ thể lên quá mức bình thường (bị cảm sốt); là khẩu ngữ thể hiện sự tăng mạnh một cách đột ngột, nhất thời về nhu cầu hay giá cả (sốt đất, sốt vàng); là tính từ dùng cho cơm, canh khi đang còn nóng vừa nhấc xuống (cơm nóng canh sốt). Trong khi đó, từ “xốt” chính là danh từ (nước xốt), là động từ dùng trong nấu nướng (cá xốt cà chua). Vậy ở câu hỏi trên, đáp án đúng phải là “bò xốt vang”. Còn trong tập hai, khi ban cố vấn chương trình giải thích từ “càn rỡ” để đi đến kết luận là “Tính từ bổ ngữ cho động từ”, đãkhiến người xem “dậy sóng” vì không đủ sức thuyết phục… Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là, chương trình đã đưa ra những đáp án có tính sai lệch so với hệ thống từ điển tiếng Việt. Nếu các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cho rằng, những câu trả lời trên là có thể chấp nhận được thì cần thiết đưa ra những bổ sung và lý giải thuyết phục.

 

Mặt khác, các câu hỏi trong chương trình chưa phổ biến rộng rãi, chủ yếu thiên về các địa phương phía Bắc (ví dụ như sử dụng ca dao, tục ngữ miền Bắc không phổ biến; đặt câu hỏi về cách phân biệt các phụ âm đầu l/n, tr/ch, r/d...). Ban cố vấn chưa được phát huy hết vai trò của mình. Rất nhiều từ ngữ, câu ca dao, tục ngữ lạ, nhưng ban cố vấn chưa được mời để giải thích, giải nghĩa thêm... Hay ở vòng giải nghĩa, người chơi phải mô tả từ ngữ để người còn lại có thể đoán ra từ đó. Tuy nhiên, các từ này không được lựa chọn có chủ đích, mà được người dẫn chương trình chọn ngẫu nhiên bằng cách giở từ điển tại chỗ. Điều này không phản ánh được độ khó dễ cũng như khả năng, trình độ của người chơi và mang tính may rủi nhiều hơn.

 

Có lẽ chính vì tiếng Việt càng khó, nhiều người càng mong muốn thử sức và nói như TSKH Ngữ văn Đoàn Hương: “Chưa ai có thể nói mình nắm vững tiếng Việt, dù có chuyên môn và bằng cấp cao đến đâu. Chúng ta trau dồi tiếng Việt là chúng ta trau dồi đời sống tâm hồn, tâm linh của chúng ta”. Tham gia ngay tập mở màn của chương trình, nghệ sĩ Trọng Trinh đã khẳng định: “Tiếng Việt phải học nữa, học mãi”. Còn thí sinh Phùng Khắc Bắc Linh cho rằng: “Tôi thấy tiếng Việt mình muôn hình vạn trạng. Những từ ngữ với những ý nghĩa riêng biệt khi đứng độc lập, nhưng nếu đứng chung lại có thể tạo thành từ mang ý nghĩa khác. Vì vậy, tôi nghĩ luôn phải cố gắng tìm hiểu, học hỏi tiếng Việt...”.

 

Dù nhận nhiều tranh cãi về tiếng Việt qua chương trình, song Vua tiếng Việt đã thành công trong việc giúp khán giả có cơ hội tìm hiểu và khám phá sự tinh tế của tiếng Việt, góp phần gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) số 4 năm 1966: “Tiếng Việt của chúng ta rất giàu. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp. Giàu bởi kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân ta lâu đời và phong phú. Đẹp bởi tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp. Hai nguồn của cái giàu, cái đẹp ấy là ở chỗ tiếng Việt là tiếng nói của nhân dân, đầy tình cảm, màu sắc và âm điệu, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đầy ý nghĩa; đồng thời nó là ngôn ngữ của văn học mà những nhà thơ lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... và những nhà văn, nhà thơ ngày nay đã nâng lên đến trình độ rất cao về nghệ thuật”. 

 

Cá nhân tôi rất thích chương trình này. Vì thực tế không thiếu các chương trình trò chơi truyền hình nhưng lựa chọn nội dung đề cập như Vua tiếng Việt là khá hiếm. Vì vậy, sự có mặt của Vua tiếng Việt là nỗ lực tuyệt vời của những người làm chương trình.

 

Anh Nguyễn Ngọc Nhiên ở xã An Chấn, huyện Tuy An

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek