Thứ Năm, 28/11/2024 03:48 SA
Văn học dân gian trong cuộc sống gia đình
Thứ Ba, 02/11/2021 14:00 CH

Gia đình rất quan trọng đối với việc hình thành nhân cách con người. Ảnh: THIÊN LÝ

Được sáng tác từ những điều bình dị trong cuộc sống như: tình yêu thiên nhiên, đất nước, tình yêu đôi lứa…, những câu hát ru, những câu ca dao hay câu chuyện cổ tích mang lại sức mạnh to lớn trong việc nuôi dưỡng, giáo dục phẩm chất, nhân cách của một con người.

 

Ngày nay, tuy môi trường sống đã thay đổi, con người bị chi phối bởi nhiều mối quan hệ ngoài gia đình và làng xã, xóm giềng, nhưng văn học dân gian (VHDG) vẫn tồn tại và có giá trị giáo dục con trẻ vì những ưu thế riêng của nó.

 

Từ lời ru của mẹ

 

Hình ảnh người mẹ ngồi bên nôi hát ru con ngủ, người bà vừa quạt, vừa kể những câu chuyện cho cháu nghe... dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời mỗi con người. Và những câu hát ru, những câu chuyện cổ tích ấy cũng đã góp một phần nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ: Trưa hè bên chiếu võng đưa/ Mẹ ru con ngủ giữa trưa nắng vàng/… Chim trời ai dễ đếm lông/ Nuôi con ai nỡ (mà) kể công tháng ngày.

 

Theo các nghiên cứu, Phú Yên có kho tàng hát ru phong phú, dồi dào về số lượng, dù lời lẽ và tiết tấu âm nhạc có hơi mộc mạc, chân chất so với hát ru các vùng miền khác. Đối với người lớn, hát ru là tiếng hát của tâm hồn, có khi đơn giản, mộc mạc, có khi ẩn giấu nhiều nỗi niềm, trong đó có cả những mong ước, lời răn dạy cho con: (Ơ… hời) Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ, kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con, hay (Ơ… hời) Đố ai đếm được vì sao/ Đố ai đếm được công lao mẹ già/ Đói lòng ăn hột chà là/ Để cơm cho mẹ, mẹ già yếu răng…

 

Bên cạnh đó, hát ru Phú Yên còn có rất nhiều câu vui, tưởng như vô thưởng vô phạt, nhưng giá trị ở chỗ tạo nên một thế giới trẻ thơ ngộ nghĩnh, kỳ lạ trong tri nhận còn sơ khai. Lớn lên, đứa trẻ sẽ tiếp nhận, cắt nghĩa thế giới và hiện thực cuộc sống xung quanh mình, bắt đầu bằng những hình ảnh độc đáo trong trí tưởng tượng được hình thành từ thuở sơ khai ấy. Đó cũng là nền tảng đạo đức, tình nghĩa gia đình mà cha mẹ, ông bà xây dựng cho con, bởi trong lời hát ru luôn có gia vị tình yêu, có chất xúc tác là vòng tay ôm, là sự vỗ về, che chở của ông bà, cha mẹ. Ví dụ như: (Ơ… hời) Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đàng xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo; hay, (Ơ… hời) Ngó ra ngoài biển mù mù/ Thấy ba ông Táo đội dù nấu cơm/ Một ông xách chén đòi đơm/ Hai ông ứ hự nồi cơm chưa vần...

 

Ngoài ra, những câu chuyện cổ tích cũng góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Nhiều người đúc kết rằng, những đứa trẻ được ông bà, cha mẹ kể chuyện cổ tích thường khó làm điều ác. Những câu chuyện cổ tích, nhất là truyện cổ tích thần kỳ bao giờ cũng mang lại nhiều bài học đạo đức quý giá. Khi trẻ tầm 2, 3 tuổi đã bắt đầu phải học cách ứng xử, học cách thưa - gửi, giúp đỡ người khác..., vì vậy khi ông bà, cha mẹ kể chuyện thường lồng ghép các yếu tố giáo dục. Điều này sẽ giúp trẻ phân biệt được thế nào là thiện - ác, thế nào là đúng - sai, khuyến khích các bé làm nhiều điều tốt, tạo niềm tin vào cuộc sống: kẻ xấu thì luôn bị trừng phạt, người tốt thì luôn được giúp đỡ qua các câu chuyện như: Thánh Gióng, Thạch Sanh - Lý Thông, Tấm Cám...

 

Đơn giản, dễ nhớ

 

Những bài học về đạo đức, cách ứng xử thể hiện trong VHDG bao giờ cũng có tính khái quát cao, súc tích, đơn giản, dễ nhớ. Không chỉ những câu ca dao, tục ngữ ngắn gọn, những câu đố mang tích ẩn dụ, mà cả những bài hát, chuyện kể dân gian bao giờ cũng làm người nghe, kể cả trẻ em nhớ rất dễ dàng. Hơn nữa, những bài học giáo huấn từ chuyện kể dân gian, câu nói, bài hát dân gian không chỉ dễ tiếp nhận hơn những lời dạy dỗ trực tiếp, khô khan, mà còn luôn có tính ứng dụng và giá trị thực tiễn cao. Vì VHDG không giới hạn trong thời đại nào, nó có tính nguyên hợp và tính tập thể, nên việc vận dụng nó vào mọi ngữ cảnh, điều kiện đều có thể phù hợp. Theo đó những bài học về rèn luyện kỹ năng, ứng xử cho các thành viên trong gia đình cũng rất hiệu quả, cần thường xuyên áp dụng như: Chị ngã em nâng, Anh em như thể tay chân, Một giọt máu đào hơn ao nước lã...

 

Nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng Ôn Như Hầu Nguyễn Văn Ngọc đã nói về tác dụng giáo dục đạo đức con người của VHDG: “Nói luân lý thì dễ sinh lòng chán nản. Cứ mượn truyện kể ra thì luân lý mới trôi chảy”.

 

Cũng từng nói về vai trò của VHDG trong giáo dục đạo đức, lối sống từ gia đình, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian và Văn nghệ các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên, cho rằng: Việc dạy con thông qua tác phẩm VHDG phụ thuộc trước hết vào người truyền thụ - tức ông bà, cha mẹ trong gia đình. Ông bà cha mẹ có gương mẫu chú ý răn dạy con cái thì gia đình mới tốt. Một gia đình tốt sẽ góp phần làm xã hội vững mạnh. Muốn có vốn kiến thức, sự hiểu biết văn hóa, VHDG để thực hành những bài học giáo dục hấp dẫn cho con cháu, ông bà, cha mẹ cũng phải học, phải rèn luyện. “Phú Yên xưa nay vẫn là vùng đất thuần nông, vốn VHDG rất phong phú, nên chúng ta có quyền tin tưởng rằng điều kiện để căn dặn con cháu là rất thuận lợi. Hy vọng tình yêu thương con, niềm ước muốn con cái nên người, có nhân cách tối, biết sống tử tế, nhân ái, sẽ là động lực để các bậc cha mẹ nỗ lực, cố gắng nhiều hơn”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Trang nói. 

 

Việc dạy con thông qua tác phẩm VHDG phụ thuộc trước hết vào người truyền thụ - tức ông bà, cha mẹ trong gia đình. Ông bà cha mẹ có gương mẫu chú ý căn dặn con cái thì gia đình mới tốt. Một gia đình tốt sẽ góp phần làm xã hội vững mạnh. Muốn có vốn kiến thức, sự hiểu biết văn hóa, VHDG để thực hành những bài học giáo dục hấp dẫn cho con cháu, ông bà, cha mẹ cũng phải học, phải rèn luyện.

 

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Trang

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phố vắng xa – thơ TRẦN LÊ ANH TUẤN
Chủ Nhật, 31/10/2021 12:42 CH
Về đông, ta còn… - thơ HUỲNH VĂN QUỐC
Chủ Nhật, 31/10/2021 12:37 CH
Mùa vàng rơm
Chủ Nhật, 31/10/2021 10:27 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek