Thứ Sáu, 04/10/2024 10:21 SA
Mắt cỏ - nhìn vào những suy tư
Chủ Nhật, 03/10/2021 14:00 CH

Bìa tập thơ Mắt cỏ của tác giả Lê Hào. Ảnh: BÍCH DUYÊN

Mắt cỏ là ấn phẩm thơ ca thứ hai của Lê Hào sau Tấm lòng của cây cách đây 3 năm. Như chia sẻ của chính Lê Hào, thơ đối với anh trong những ngày đầu gặp gỡ là một liệu pháp chữa lành những tổn thương. Song cũng từ đây, mối lương duyên của anh với thơ ca càng trở nên sâu nặng. Thơ đã trở thành những thanh âm cất lên từ đáy lòng. Và rồi thơ lại trở thành đôi mắt để anh ngắm nhìn mọi niềm yêu lẫn niềm mơ trong say sưa lẫn suy tư.

 

Mắt cỏ vì vậy không chỉ đánh dấu một chặng đường đến với thơ của Lê Hào, mà còn là bước tiếp nối trên hành trình thơ ca của chính anh. Tập thơ vừa góp phần định hình diện mạo thơ, vừa mở rộng không gian thơ của anh đến những bờ bến mới - bến bờ của những suy tư về sinh thái, về tình yêu, về con người và về những huyền vi trong đời sống hiện tồn.

 

Với 45 bài thơ được viết rải rác trong 3 năm, Mắt cỏ lại không phải là một phép cộng của các hạng số đơn lẻ mà là một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất với sự xuyên suốt về cảm hứng, chủ đề và thi pháp. Tập thơ đã trình ra trước mắt độc giả một tâm hồn thiết tha yêu đời, yêu người, yêu thế giới tự nhiên và xem mọi sự hiện tồn đều là báu vật, đều là những điều lạ diệu kỳ. Nếu mất đi báu vật ấy, sự hiện sinh sẽ về với những hư vô:

 

Mình níu vào đời sống và đời sống cho mình một báu vật

ngay cả cỏ cây cũng có báu vật mà thôi …

nếu một ngày mất đi những báu vật này

thì mình chẳng là mình

chẳng là cỏ cây

chẳng là gì cả!

 

(Đời sống cho mình một báu vật)

 

Một trong những ân thưởng của tạo hóa dành cho con người chính là môi sinh trong lành với cỏ cây, hoa lá, núi đồi, sông suối… Cảm nhận sâu sắc sự quý giá của món quà ấy, tác giả dành cho thiên nhiên một tình yêu nồng đậm. Hay nói khác đi, thiên nhiên trong Mắt cỏ là người tình của thi nhân. Thiên nhiên - em, bao giờ cũng được khắc họa bằng một niềm yêu tha thiết và khát khao thấu hiểu. Tình yêu thiên nhiên và tình yêu đôi lứa vì vậy đồng hiện trong cùng một không gian thơ.

 

Thiên nhiên trong Mắt cỏ vừa được vẽ bằng những đường nét chân thực, gợi những cảm nhận rất rõ ràng về diện mạo, lại vừa được khắc họa bằng những dấu ấn trừu tượng: những trầm tích văn hóa được lưu cữu trong từng thớ đất, từng phiến đá, từng dòng sông, từng cánh đồng… Và tự nhiên cũng gắn liền với nhân sinh trong sự giao cảm sâu xa. Con người ngắm nhìn những biến đổi của tự nhiên, tự nhiên chứng kiến những nhọc nhằn của con người. Hai thực thể tương liên, cùng nhau đi qua những tháng năm của thời gian vời vợi:

 

Bãi cát phau phau nằm lặng lẽ

tàn cuộc mưu sinh là bờ…

chẳng gì phôi pha, dù là vỏ hàu trơ trọi

gió từ khơi xa năm nào, vạn chài tuôn nước mắt

cứ trở về, ra đi

trở về, ra đi

nỗi buồn đọng vào ghềnh

bụi bàn chải vươn tay níu triền đá

mực nước che ngang một phần gương mặt

đằng sau bóng ghềnh là bao nhiêu bóng hình

đằng sau sóng biển

là sóng giữa đời sống

(Gành Đá Dĩa)

 

Thế giới nghệ thuật của Mắt cỏ là sự hội tụ của những lớp ngôn từ hết sức phong phú, những hình ảnh thơ đa sắc, tương ứng với những cung bậc cảm xúc và những suy tư của tác giả. Vẫn là lối viết tự do cho con chữ tuôn trào hay ngưng đọng lại theo dòng chảy của ý tưởng và cảm hứng, nhịp điệu của mỗi bài thơ vì vậy lại rất đa dạng, khi nhanh, khi chậm, khi rộn ràng, khi trầm tư, biến đổi không ngừng như mọi niềm vui và nỗi buồn của cuộc đời này vậy.

 

Thơ của Lê Hào từ những ngày đầu vừa dạt dào cảm xúc vừa trĩu nặng những suy tư về phận người, phận cỏ, phận cây… Sự nhạy cảm của một tâm hồn thơ ca đã là một lăng kính để Lê Hào nhìn thấy những vỉa tầng nông sâu của vạn vật, nhìn thấy và rung động với những biến thiên tế vi trong đời sống.

 

Với chất suy tư, chiêm nghiệm, hình ảnh thơ trong Mắt cỏ đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ hiện thực trở thành biểu tượng. Tính đa trị của hình ảnh thơ đó tạo nên tính đa nghĩa trong mỗi bài thơ, không ngừng mở ra những không gian mới cho sự tiếp nhận của độc giả. Hành trình đi tìm nghiệm số của mỗi phương trình - thi phẩm, trở thành một trải nghiệm thẩm mỹ lý thú khi mỗi bước đi đến gần đáp số, người đọc lại bất ngờ với những đáp án khác nhau. Mắt cỏ nói riêng, và thơ Lê Hào nói chung, vì vậy, vẫy gọi độc giả đến không phải chỉ để cảm, mà để cùng suy tư, và cùng tỉnh thức.

 

BÍCH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vĩnh biệt một hồn thơ
Thứ Bảy, 02/10/2021 07:00 SA
Mạnh mẽ hơn trong đại dịch
Chủ Nhật, 26/09/2021 13:00 CH
Thời của âm nhạc online
Thứ Năm, 23/09/2021 10:45 SA
Mùa hội trăng rằm đặc biệt
Thứ Ba, 21/09/2021 13:11 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek