Thứ Sáu, 04/10/2024 10:22 SA
Điểm tựa cho con trẻ trong những ngày giãn cách
Thứ Ba, 14/09/2021 13:00 CH

Trẻ em học tập tại nhà vào những ngày giãn cách. Ảnh: DƯƠNG TRÍ

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng đến những kế hoạch vui chơi, học tập của trẻ; nhiều người phải ở yên trong nhà thời gian dài.

 

Để trẻ vừa được an toàn, vừa thấy thoải mái, vui vẻ trong thời gian giãn cách, cha mẹ không chỉ hướng dẫn trẻ thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, mà còn phải dành nhiều thời gian lên kế hoạch, giúp trẻ cân bằng giữa hoạt động trí óc và thể chất.

 

Đồng hành vượt qua khó khăn

 

Học sinh vừa bước vào năm học mới sau kỳ nghỉ dài. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên hầu hết trẻ em trên khắp đất nước buộc phải ở nhà dự lễ khai giảng và học trực tuyến.

 

Chị Lê Thị Thanh Lim ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) cho biết: “Tôi có hai con, cháu nhỏ học mẫu giáo còn cháu lớn đang học lớp 4. Do địa phương thực hiện giãn cách kéo dài nên các con có cảm giác tù túng, thiếu vận động, nay thêm việc ngồi học nhiều giờ bên máy vi tính khiến chúng gặp phải nhiều vấn đề cả về thể chất lẫn tinh thần; căng thẳng tâm lý. Do đó, vợ chồng tôi luôn quan tâm các con nhiều hơn, cố gắng đồng hành cùng cậu con trai lớn khi học online”.

 

Còn anh Đoàn Văn Thông ở xã An Mỹ (huyện Tuy An) đã lên kế hoạch riêng cho hai cậu con trai của mình bằng những hoạt động tại nhà. Buổi sáng hàng ngày, anh duy trì cho con thói quen dậy đúng giờ, tập thể dục và cùng con tham gia các hoạt động sáng tạo như xếp hình lego, tô màu, vẽ tranh... “Xác định chia sẻ công việc với cha mẹ cũng là cơ hội cho con trải nghiệm thêm những hoạt động đời thường, tôi cho con làm những việc nhà nhẹ nhàng như: nhặt rau, rửa chén, đổ rác, tưới cây... Việc làm này không chỉ giúp trẻ “giết” thời gian mà còn có thể học thêm nhiều kỹ năng khi ở nhà”, anh Thông nói.

 

Để hỗ trợ trẻ vượt qua giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chuyên gia tâm lý giáo dục cũng đưa ra những lời khuyên hữu ích dành cho gia đình, cha mẹ, người chăm sóc. Theo đó, gia đình, cha mẹ... cần hướng trẻ đến các hoạt động mà trẻ có thể làm được tại nhà như tập thể dục, làm việc nhà, tương tác với các thành viên trong gia đình, dạy cho trẻ các nội dung mang tính giáo dục, kỹ năng sống, định hướng nội dung thông tin mà trẻ theo dõi trên mạng và thời gian sử dụng mạng của trẻ. Cha mẹ cũng cần quan tâm đến các vấn đề về giấc ngủ của trẻ. Bởi lẽ, giấc ngủ sẽ có tác dụng điều hòa hoạt động sinh lý, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến các vấn đề trí não và tinh thần; quan sát các biểu hiện lạ, bất bình thường của trẻ để có các biện pháp can thiệp và tư vấn sớm.

 

Chia sẻ để thấu hiểu

 

Những ngày này, chị Nguyễn Thị Hoa ở phường 6 (TP Tuy Hòa) luôn cùng con vào bếp để làm những món ăn, thức uống bổ dưỡng theo sở thích của các thành viên trong gia đình. Lâu lâu, chị đăng tấm ảnh chụp những món ăn tự nấu lên facebook cá nhân với lời chia sẻ “cùng nhau vào bếp ngày giãn cách” khiến mọi người thích thú. Qua các món ăn đơn giản, chị có thể hướng dẫn các con hiểu về các nguyên vật liệu, biết dinh dưỡng của từng loại, vừa làm chị vừa trò chuyện cùng con.

 

Chị Hoa chia sẻ: “Trước đây, mọi người trong gia đình đều bận rộn với lịch trình công việc riêng của mình nên bếp núc gần như do mình tôi quán xuyến. Dịch bệnh ảnh hưởng nhiều thứ nhưng “lôi” được cả nhà vào bếp làm tôi rất vui. Cả nhà xúm xít đánh bột, nướng bánh... rồi cùng thưởng thức món ăn và trò chuyện khiến gia đình rộn vui hơn. Vì thế tôi nghĩ, cùng nhau quây quần bên gian bếp cũng chính là cách xây tổ ấm của mỗi gia đình”.

 

Không chỉ gia đình chị Hoa mà còn rất nhiều gia đình đã nhận biết sâu sắc hơn về hai chữ tổ ấm sau những ngày giãn cách. Đó là nơi chở che mỗi người, giúp chúng ta an toàn hơn trước dịch bệnh đang diễn biến phức tạp bên ngoài, giúp mỗi người nhận ra sự yêu thương, san sẻ với nhau làm cho gia đình hạnh phúc hơn.

 

Chị Đặng Thị Hà ở xã An Hiệp (huyện Tuy An) cho biết: Vì công việc nên anh chị em tôi mỗi người một nơi, có người ở TP Hồ Chí Minh, người ở Khánh Hòa... Thời điểm này, các thành viên trong gia đình tôi thường xuyên liên lạc với nhau qua facebook, zalo... Không chỉ hỏi thăm tình hình sức khỏe, công việc của nhau, chúng tôi còn chuyện trò về cuộc sống hàng ngày, chia sẻ những tin mới nhất về diễn biến của dịch bệnh… “Dù mỗi người một nơi nhưng gia đình tôi luôn rộn tiếng cười, nhất là mỗi buổi tối lúc hẹn nhau chat video nhóm. Tuy chỉ là trên không gian mạng nhưng mỗi người đều được nhìn thấy nhau, chuyện trò rôm rả. Không khí như thế trước đây hiếm có, bởi công việc riêng chi phối”, chị Hà nói.

 

Học trực tuyến đang thay thế trong bối cảnh trẻ không thể đến lớp học trực tiếp. Để trẻ vừa được hưởng những lợi ích của học trực tuyến mang lại, vừa duy trì trạng thái tâm lý, sức khỏe ổn định, ngoài vai trò của giáo viên, cha mẹ cần có cách thức phù hợp, giúp trẻ nhanh chóng thích nghi và học tập hiệu quả tại nhà. Cha mẹ cần hỗ trợ con mình bằng cách xây dựng lịch sinh hoạt xoay quanh lịch lên lớp và làm bài tập của trẻ, giúp con tuân thủ lịch sinh hoạt và học bằng cách lồng ghép bài học vào các hoạt động thường nhật.

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek