Huỳnh Khang (48 tuổi, quê ở thôn Phước Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) hiện làm đại diện cho một doanh nghiệp Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh. Dẫu sống và làm việc ở vùng đất từng mệnh danh “Hòn ngọc Viễn Đông” nhưng anh vẫn da diết nhớ quê hương. Huỳnh Khang trải lòng: “Dù có đi xa vạn dặm, tôi vẫn giữ bên lòng tiếng mẹ xứ Nẫu thân thương…”.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, Huỳnh Khang đã nỗ lực học tập và thi đỗ Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh khóa 1992-1997. Hiện anh làm đại diện cho một doanh nghiệp Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh. Là dược sĩ, hàng ngày bận bịu với công việc chuyên môn nhưng vì đam mê thơ văn nên mỗi khi cảm xúc chợt đến, anh trải lòng bằng những vần thơ hoặc tản văn... Huỳnh Khang bộc bạch: “Có những cảm xúc chợt đến và dâng trào, nếu để khoảnh khắc ấy qua đi thì khó tìm lại để viết”. Những bài thơ anh viết chuyển tải cho người đọc thông điệp về cuộc sống, tự sự những lát cắt cuộc đời, về ký ức tuổi thơ, nơi “chôn nhau cắt rốn”... Huỳnh Khang nói vui: “Mình không phải là nhà thơ chuyên nghiệp nhưng cũng tạm lấy bút danh: Khờ - Ang (Khang) để kết nối giao lưu với bạn bè yêu thơ…”.
Những năm học phổ thông cũng như thời sinh viên, anh rất thích tác phẩm của các nhà thơ nổi tiếng như: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử... Từ đó, anh dần yêu thơ và đam mê sáng tác thơ nhiều hơn.
Sống, làm việc ở vùng đất từng mệnh danh “Hòn ngọc Viễn Đông” nhưng anh vẫn da diết nhớ quê hương, Huỳnh Khang khẳng định: “Dù có đi xa vạn dặm, tôi vẫn giữ bên lòng tiếng mẹ xứ Nẫu thân thương” và anh trải lòng:
…Kiếp sau xin vẫn hiền hòa
Vẫn dân “Nẫu”, “đi xe thồ”, “dẫy na”…
(Vẫn xin làm dân “Nẫu”)
Dù sinh sống nơi đất khách nhưng hình ảnh giếng nước làng, những đêm xem phim, xem hát ở quê nhà thời bao cấp khó khăn luôn là ký ức đẹp trong anh. Và dược sĩ Huỳnh Khang cũng không quên những trò chơi bắn bi, thả diều một thời thơ trẻ:
…Ta về với tuổi thơ ta
Bãi soi, đám mía, lũ gà, đàn trâu…
…Ta về với bạn thuở nào
Vừa quen, vừa lạ, lời chào chẳng ra…
(Ta về)
Có lẽ Huỳnh Khang cũng như bao chàng trai khác, trong cuộc đời có những giây phút ngu ngơ trước một “bóng hồng”, có những phút làm “gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ…” cho nên đã hoài niệm trải lòng:
…Có mối tình nguệch ngoạc, lông bông
Vụng dại theo hoài trong nỗi nhớ…
(Miền nhớ)
Dược sĩ Huỳnh Khang cũng đôi lần làm thi sĩ, tự sự với lòng mình:
Hồn tôi là những hoa cỏ may
Đu tà áo dài em tung bay
Đu gót son em nhè nhẹ bước
Đu lên sợi mềm suối tóc mây
(Khóm cỏ may)
Và Huỳnh Khang ước muốn sống lại những ngày tháng tuổi thơ:
Về đong nắng gió miền ngoài,
Tìm ngày thơ thẩn tắm hoài bến sông.
Dạo quanh kiếm lại tuổi hồng
Và đi gom nhặt những bồng bột xưa.
(Về tìm tuổi thơ)
Mỗi dịp về thăm quê, anh lại rung cảm:
Miên man nắng gió Tuy Hòa
Miên man tiếng hát đưa đò trên sông.
Vàng bông lúa trải trên đồng,
Miên man một áng mây hồng trên cao.
(Miên man Tuy Hòa)
Đâu đó vùng ngoại ô thành phố bất chợt có những làn khói lam chiều lãng đãng bay trong gió vô tình đã làm nỗi nhớ quê cồn cào hơn trong Huỳnh Khang:
Cái nỗi nhớ dường như không khách sáo
Khi tàn chiều khói tỏa nhớ càng hung
Tuy Hòa hỡi, Tuy Hòa ơi! Nhớ lắm!
(Nỗi nhớ Tuy Hòa)
Có một vài bài thơ của anh đã được các nhạc sĩ đồng cảm phổ nhạc. Tiêu biểu nhất là “Miền nhớ” và “Khóm cỏ may” đã có video trên Youtube và được công chúng đón nhận với nhiều cảm xúc và khen ngợi.
Không chỉ làm thơ, dược sĩ Huỳnh Khang còn viết tự truyện kể về “Những cái tết xưa”, “Đám cưới ngày xưa”, “Đám giỗ ngày xưa” và các tục lệ khác của làng quê... Mới đây, anh cùng Nguyễn Luật và Nguyễn Bá Nha ra mắt ấn phẩm thơ “Tình Người Đất Phú”, do Nhà xuất bản Văn Học xuất bản. |
HOÀNG HÀ THẾ