Thứ Hai, 30/09/2024 08:27 SA
Festival Huế 2008: Sâu lắng và gợi mở
Thứ Năm, 05/06/2008 13:39 CH

Đến hẹn lại lên, Festival Huế 2008 đã khai mạc vào tối 3/6 tại sân khấu lớn, quảng trường Ngọ Môn - Kỳ đài Huế. Festival lần thứ V này tiếp tục chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.

 

Festival-080605.jpg

Sắp đặt long - phụng. - Nguồn VNN

 

LỘNG LẪY ĐÊM KHAI HỘI

 

Sân khấu cho lễ khai mạc được thiết kế hiện đại gồm hai phần cố định và sân khấu trượt với hiệu ứng ánh sáng từ hệ thống đèn phối màu, đèn chiếu projector qua màn hình đứng, màn hình sàn với các gam màu chủ đạo đỏ, vàng, cam, xanh, hồng và tím Huế. Thêm vào đó, tiết mục pháo hoa ấn tượng của nghệ sĩ pháo hoa nổi tiếng Pierre - Alain Hubert lấy hậu phông là không gian lung linh của lầu Ngũ Phụng (Ngọ Môn) đã tạo nên một khung cảnh đa sắc màu cho đêm khai mạc. Ba khán đài với hơn 5.000 chỗ ngồi dành cho khách mời và khán giả có vé đã kín chỗ, còn lại hơn 2 vạn khán giả có mặt ở vòng ngoài có thể theo dõi và tham dự chương trình khai mạc qua hai màn hình lớn.

 

Trong đêm khai mạc, khán giả đã được thưởng thức những tiết mục đặc sắc của các đoàn nghệ thuật Việt Nam và các nước bạn: tiết mục múa Đôi cánh thiên thần của nhóm múa Ngôi Sao Nhỏ cùng với diễn viên múa nổi tiếng Linh Nga, màn múa lụa kinh điển Phụng vũ trường linh của Đoàn nghệ thuật Quảng Tây (Trung Quốc), vũ điệu Yotsudake của Đoàn nghệ thuật Okinawa (Nhật Bản), tiết mục múa Xôn xao ngày hội của Đoàn ca múa nhạc Thăng Long và Trường Trung học Nghệ thuật Huế... Dưới sân khấu là những phần biểu diễn thú vị không kém của Đoàn nghệ thuật cà kheo Vương quốc Bỉ trong tiếng kèn đồng rộn rã của Đoàn S.N.O.B (Pháp), màn múa quạt nhẹ nhàng mềm mại của Đoàn nghệ thuật Namdo (Hàn Quốc)...

 

Điều làm cho khán giả Phú Yên phấn khởi và tự hào là sự góp mặt của Đoàn ca múa nhạc dân gian Sao Biển trong đêm khai mạc Festival Huế 2008. Tiết mục hòa tấu Tiếng vọng non ngàn (âm nhạc: NSƯT Thanh Hải, biên đạo: NSƯT Hữu Từ) bằng đàn đá kèn đá Tuy An cùng trống đôi, cồng ba chinh năm, với sự phối hợp của các diễn viên múa Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, đã mang đến cho người xem nhiều cảm xúc.

 

Nét nổi bật của chương trình là sự đan xen nhẹ nhàng, tinh tế giữa các tiết mục truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế. Chương trình khai mạc kết thúc cũng là lúc cánh cửa Ngọ Môn rộng mở đón du khách tham dự chương trình Đêm Hoàng cung lung linh huyền ảo, mở màn cho 9 ngày - đêm lễ hội.

 

Dan-da-080605.jpg

NSƯT Thanh Hải hòa tấu đàn đá kèn đá Tuy An tại Festival Huế 2008. - Nguồn VNN

 

PHỤC DỰNG LỄ THIÊNG CỦA VĂN HÓA CUNG ĐÌNH

 

Hôm qua (4/6), lễ tế Nam Giao được tỉnh Thừa Thiên - Huế phục dựng bài bản và trang nghiêm dựa trên một phần nguyên bản lễ tế Giao đầu triều nhà Nguyễn ngày xưa. Lễ tế được chia thành hai phần: lễ xuất cung tại kinh thành và lễ tế tại đàn Nam Giao. Bắt đầu từ  6giờ sáng, lễ thiết đại triều diễn ra (một cách tượng trưng) tại điện Thái Hòa. Từ đây đoàn ngự đạo xuất cung ra phía cửa Quảng Đức đến bến Nghinh Lương đình trên sông Hương, trước mặt kinh thành Huế. Đó là một đám rước hơn 600 người trong trang phục cờ lọng nhiều màu sắc như hoàng triều ngày xưa.

 

So với 4 lần trước, festival lần này có quy mô lớn hơn với sự tham gia của 60 đoàn nghệ thuật đến từ 19 quốc gia châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Tổng cộng Festival Huế 2008 có 77 chương trình nghệ thuật, trong đó có 37 chương trình của các nước bạn, với nhiều loại hình: múa, xiếc, sân khấu, ca nhạc và ca múa nhạc, nghệ thuật đường phố, triển lãm và nghệ thuật sắp đặt. Nếu tính cả các nghệ sĩ tham dự trại sáng tác điêu khắc quốc tế thì Festival Huế 2008 là một cuộc hội ngộ của 22 nền văn hóa trên thế giới. Quy mô tổ chức cũng toàn diện hơn; không gian tiếp tục rộng mở với 4 lễ hội lần đầu tiên được phục dựng, 3 lễ hội được tái hiện và làm mới, hoàn thiện về nội dung, nghi thức. Nếu tính cả lễ khai mạc và lễ bế mạc, Festival Huế 2008 có tất cả 9 lễ hội lớn.

19 giờ cùng ngày, tại Trai cung, khu vực đàn Nam Giao, 900 diễn viên vào cuộc với phần lễ tế, bắt đầu bằng đoàn ngự đạo rước vua từ Trai cung tiến vào đàn tế. Nhà vua (diễn viên sắm vai) thực hiện các nghi thức trước khi tế như lễ quán tẩy (rửa tay) tại tầng đàn thứ ba, cáo tế tại án thờ ở tầng hai và thực hiện nghi thức tế chính tại viên đàn - đàn chính Nam Giao.

 

Nhà vua làm chủ lễ tế tại viên đàn, nơi đặt sáu hương án, gồm: án thờ trời, án thờ đất, án thờ các chúa Nguyễn, án thờ các vua Nguyễn, án thờ lịch đại đế vương (tất cả vua chúa các triều đại của Việt Nam), án thờ các vị anh hùng có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời với lễ tế ở viên đàn, ở tầng đàn thứ hai còn có tám hương án và các bô lão tám làng thực hiện nghi thức lễ tế. Đây là tám làng có truyền thống văn vật quanh Huế, được mời đại diện cho nhân dân cả nước tế trời…

 

Được biết, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đang tiến hành xây dựng bộ hồ sơ khoa học gồm rất nhiều phần việc về lễ tế Nam Giao, dự kiến trong 4 năm tới sẽ đệ trình UNESCO đề nghị công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”. Những hình ảnh sống động của lễ tế sẽ là một phần vô cùng quan trọng của bộ hồ sơ.

 

YÊN LAN (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek