Một cụ già ngoại thất tuần bước lên sân khấu với cây đàn măngđôlin, đôi bàn tay so dây thánh thót. Hàng ngàn khán giả chăm chú nhìn ông đưa cây đàn về phía sau lưng đánh lên những nốt nhạc trầm bổng, làm ngất ngây lòng người...
Ông Thừa - Nguyễn Hữu Trợ đang gẩy măngđôlin - Ảnh: H.NAM |
“ĐỜN SĨ” TUỔI THẤT THẬP!
Đó là lần đầu tiên, Ban tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng huyện Đồng Xuân và hàng ngàn khán giả đam mê nghệ thuật ở huyện miền núi này được thưởng thức tài chơi đàn độc đáo của ông Nguyễn Hữu Trợ (người trong xóm thường gọi là chú Thừa), năm nay 75 tuổi, quê ở thôn Phước Huệ, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân). Khi ông trình bày xong tiết mục độc tấu “Bài ca quê huơng”, những tràng pháo tay cổ vũ của khán giả vang lên dồn dập. Nhiều tiếng hô lớn yêu cầu ông chơi tiếp, thế là ông “mần” thêm 3 bài nữa, kể cả đánh đàn thông thường và ôm đàn sau lưng mà gẩy. Cách chơi đàn có một không hai của ông làm nhiều người ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Kết thúc Hội diễn nghệ thuật quần chúng huyện Đồng Xuân lần thứ VII, Ban tổ chức trao cho ông 2 giải: Giải nhất độc tấu đàn măngđôlin và giải diễn viên lớn tuổi nhất.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao huyện Đồng Xuân Phạm Thị Thu Thảo không tiếc lời khen: “Tôi làm công tác trong ngành văn hóa gần 20 năm, nay mới phát hiện ra một tài tử chơi đàn điêu luyện như vậy”. Còn ông Thừa thì tâm sự: “Sở dĩ tôi chơi đàn được cả phía trước lẫn phía sau lưng là vì ngày trước thường xuyên luyện tập nên các ngón tay rất thuần thục. Dù bỏ nghề trong một thời gian dài, nay chơi lại tôi vẫn không quên các nốt nhạc”.
HỌC CHƠI NHƯNG ĐÀN THIỆT
Trong kháng chiến chống Pháp, ông Thừa tham gia đoàn ngựa thồ xã Xuân Quang (nay gồm ba xã Xuân Quang 1, Xuân Quang 2 và Xuân Quang 3). Đoàn gồm 30 người, mỗi tháng một lần thồ muối, gạo từ Xuân Quang lên Cây Vừng, Ma Choi, Ma Đàm (Phú Mỡ), rồi đến Đắk Lắk để phục vụ kháng chiến. Một lần xem đội tiêu binh Đắk Lắk biểu diễn, ông say mê tiếng đàn măngđôlin của một nhạc công trong đội. Trong lúc đoàn ngựa thồ nghỉ ngơi lấy sức về lại Xuân Quang, ông tìm đến nơi ở của đội tiêu binh. Người nhạc công ấy thấy ông quá đam mê nên dạy cho ông đánh đàn và tặng ông một tập nhạc lý của loại đàn này. Sau 10 năm, vừa học vừa mày mò nghiên cứu, ông bắt đầu tập tành sáng tác các làn điệu bài chòi, nội dung ca ngợi chị
Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, vì mải lo sinh kế cho gia đình nên ông Thừa tạm chia tay với cây đàn măngđôlin. Cách đây 2 năm, ông vào TP Tuy Hòa, thấy một cửa hàng có bán cây đàn măngđôlin giá 130.000 đồng nên ông đã mua về. Nhiều đêm không ngủ được, ông đem đàn ra gẩy, bà con hàng xóm nghe hay cứ trầm trồ. Ban Văn hóa thông tin xã Xuân Quang 2 biết được, liền mời ông tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng huyện Đồng Xuân lần thứ VII. Và tại đây ông làm nức lòng khán giả với cách đánh đàn điêu luyện mà cũng rất ngẫu hứng của mình.
Ông Thừa tâm sự: “Tôi cứ chơi đàn cho đến khi nào không còn sức thì thôi. Mình đánh đàn mà bà con thấy vui là tốt rồi!”. Nói xong, ông lại ôm đàn, những cung bậc hào hùng của bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” lại rộn rã vang lên…
MẠNH HOÀI- HỒNG HOA