Thứ Năm, 28/11/2024 08:40 SA
Dạ Ngân theo “Nước nguồn xuôi mãi”
Thứ Ba, 29/04/2008 07:23 SA

Sau tiểu thuyết “Gia đình bé mọn” đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Dạ Ngân vừa cho ra mắt tập truyện ngắn mới nhất có tên gọi “Nước nguồn xuôi mãi” do Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành.

 

080429-sach-da-ngan.jpgNhà văn Dạ Ngân không còn xa lạ gì với bạn đọc cả nước. Từ xứ Cần Thơ, chị nổi danh với truyện ngắn “Con chó và vụ ly hôn” và có một bước rẽ khá quyết liệt trong đời: khăn gói ra Hà Nội làm vợ nhà văn Nguyễn Quang Thân và theo học Trường viết văn Nguyễn Du. Suốt mấy năm ngồi ở vị trí Trưởng ban Văn xuôi của Báo Văn Nghệ, chị vẫn lặng lẽ viết nhiều thể loại khác nhau, ngay cả tạp văn cũng có nét duyên riêng của một cây bút nữ Nam Bộ đam mê và bôn ba.

 

Đọc hết 264 trang “Nước nguồn xuôi mãi”, tôi hơi ngớ ra một chút: nhà văn Dạ Ngân đã khác! Khác từ giọng điệu chữ nghĩa cho đến nhấn nhá tình tiết của mỗi truyện ngắn. Không còn một Dạ Ngân náo nức xông thẳng vào những xung đột nhân tình, mà là một Dạ Ngân xao xác thương lượng với những quan hệ xã hội. “Nước nguồn xuôi mãi” nôn nao nhìn vào những góc khuất chứa đựng nhiều bất an nhưng lúc nào cũng phải cố nương nhẹ đi, để khỏi tổn thương, để đỡ dày vò, để bớt ray rứt.

 

Truyện ngắn “Nước nguồn xuôi mãi” được chọn làm tên chung cho cả tập, ít nhiều phản ánh bút pháp truyện ngắn Dạ Ngân bây giờ. Đó là không gian sống của một người đàn bà viết văn, làm cái nghề “quanh năm chẳng thấy thiên hạ biếu xén gì trơn”. Và từ cái bàn viết chật chội ấy, chị đưa ánh mắt thông cảm lướt qua những người thân, mà cụ thể là người mẹ già cặm cụi cuối đời và cô con gái hăm hở vào đời. Mỗi người loay hoay một số phận, ngổn ngang và run rủi “người này chỉ thấy cái ót của người kia và phía trước là thời gian và những nỗi lo muôn đời. Nước vẫn từ nguồn chảy dốc ra từ phía sau như vậy, róc rách, âm thầm và cũng muôn đời như vậy”.

 

Ngón nghề của nhà văn Dạ Ngân trong tập “Nước nguồn xuôi mãi” là khơi dậy những mẩu chuyện be bé và luận giải thấu đáo tâm trạng cá thể giữa xô đẩy thời đại đang cưu mang chúng ta. Theo tôi, truyện ngắn Dạ Ngân không phải đọc để nắm bắt cuộc sống, mà đọc để nghĩ ngợi cuộc sống. Giữa “nước nguồn xuôi mãi”, Dạ Ngân đã rời xa thuở “quãng đời ấm áp” (tên gọi tập sách đầu tiên của chị). Một trong hai mươi truyện ngắn của “Nước nguồn xuôi mãi” là “Thời gian vĩ đại” có đoạn kết đủ để khái quát chân dung nhà văn Dạ Ngân hôm nay: “Thời gian đã làm đậm các thứ chân dung lên, đã làm trôi mọi vướng mắc với quá khứ và làm huyền diệu cái gọi là tương lai. Chị bằng lòng với thời gian và cảm ơn sự vĩ đại của ngài. Ngài đã cho chị nguôi quên và đẩy chị bước về phía trước”!

 

Tôi đã có cuộc phỏng vấn ngắn với chị sau khi đọc xong “Nước nguồn xuôi mãi”

 

080429-dangan.jpg

Nhà văn Dạ Ngân

* Bình thường đọc từng truyện riêng lẻ, ít ai nhận ra điều gì. Thế nhưng, khi gom 20 truyện vào tập “Nước nguồn xuôi mãi” thì bất ngờ thấy rằng nhà văn Dạ Ngân đã có chuyển biến đáng kể về bút pháp. Đó là sự tự nhiên hay nỗ lực cá nhân của chị?

 

- Nếu bạn viết và bạn đọc nhận thấy tác giả có chuyển biến thủ pháp thì đáng mừng quá rồi. Đã tuổi tri thiên mệnh nên đâu còn trông chờ ở bản năng hay tự nhiên nữa. Lao động và lao động, thế thôi. Như mọi nghề khác, viết mãi rồi thì sẽ lên tay mà trong văn chương cũng như đời người, gừng càng già thì càng cay. Tôi thấy mình viết thoải mái hơn, khoan thai hơn, có lẽ vì trải nghiệm đầy hơn.

 

* Trước đây, tác phẩm của chị thường có tên gọi dung dị như “Con chó và vụ ly hôn”, nhưng gần đây lại văn vẻ hơn, ví dụ “Ngọn nến phập phồng” hay “Tóc dài mấy lạng”… Có phải ngôn ngữ Nam Bộ của chị đã được cộng hưởng với chữ nghĩa đất Bắc mà chị đã gắn bó suốt 15 năm qua không?

 

-  Tôi cũng thấy mình bị lai tạp đi. Và một phần cũng có ý thức chọn lọc, hạn chế thổ ngữ miền Tây để độc giả cả nước dễ đọc hơn. Bị “lai” vì ngày thường nó ám vào. Ví như đi chợ, mình cứ ngôn ngữ Nam Bộ mà tương thì người ta không nghe ra, không mua bán được. Ở công sở cũng vậy. Mười lăm năm hương đồng gió nội cũng bay đi chứ. Vả lại, trong nhiều truyện có bối cảnh và nhân vật miền ngoài thì mình phải có ngôn ngữ thích hợp và hoá thân chứ. Nhiều người nói tôi viết dễ đọc hơn trước, nhưng cũng có người mắng là mất gốc, chẳng biết sao cho vừa lòng thiên hạ.

 

* Chị đã có sáu tập truyện ngắn và rất được yêu mến với tiểu thuyết “Gia đình bé mọn”. Tự đánh giá, truyện ngắn hay tiểu thuyết mới thực sự là sở trường của chị?

 

- Tôi cũng thấy mình rất khó vượt mình ở truyện ngắn. Viết hàng trăm truyện rồi, trơn tay chứ. Khi thử sức với tiểu thuyết tôi thấy mình làm được và bắt đầu say mê nó. Có những nhà văn rất duyên, rất đằm, rất bền với truyện ngắn như Nguyễn Huy Thiệp, Đỗ Chu, Lê Minh Khuê, Y Ban, Trần Thùy Mai… nhưng cũng có những nhà văn viết truyện mà hơi thì như tiểu thuyết như Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà… Tôi có lẽ giống với Hồ Anh Thái ở chỗ vẫn yêu truyện ngắn mà cũng đắm đuối với tiểu thuyết. Đang rất nóng lòng để xong cuốn tiểu thuyết mới, chừng đó sẽ biết thể loại nào là sở trường.

 

TUY HÒA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek