Thứ Năm, 28/11/2024 09:48 SA
Nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà:
Tình yêu mãi “cài trên áo tím”
Chủ Nhật, 27/04/2008 13:59 CH

Vậy là nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà đã bước qua tuổi bát tuần. Năm ngoái tỉnh Long An mừng thọ ông chẵn 80 và ngày 18/3 vừa rồi, tại Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận, khán giả mộ điệu lại mừng ông tròn 81. Người thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà đã thượng thọ còn tác phẩm nổi danh Hoa trắng thôi cài lên áo tím của ông cũng lên “chức cụ” với 50 năm tồn tại trong trí nhớ nhân gian.

 

NGUYÊN MẪU TRONG “HOA TRẮNG THÔI CÀI LÊN ÁO TÍM”

 

080426-Kien-giang.jpg

Nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà - Ảnh: TRẦN HOÀNG NHÂN

Từ lâu, những người thường xuyên tiếp xúc với Kiên Giang - Hà Huy Hà biết có một con người thật ngoài đời tạo nên chất xúc tác để nhà thơ sáng tác nên bài thơ tình trên. Nhưng mãi đến ngày mừng sinh nhật 81 tuổi, Kiên Giang - Hà Huy Hà mới công bố trước nhiều người bức di ảnh của người yêu cũ. Gọi là người yêu cũ nhưng tình yêu đó trong ông không hề tàn phai bởi nó đã theo ông từ thời thanh niên đến tuổi xế chiều. Và người nữ trong Hoa trắng thôi cài lên áo tím mãi mãi là tình yêu trong sáng, đẹp đẽ nhất đời ông.

 

Gặp nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà trong những ngày buồn bã nhất của tuổi già tại Ban Ái hữu nghệ sĩ, Hội Sân khấu TP HCM, giữa bao bộn bề cuộc sống thường nhật, nhưng khi nhắc đến người yêu trong thơ và trong đời thì đôi mắt ngầu đục vì tuổi đời của ông bỗng sáng trở lại. Những ngày hôm qua hiện rõ mồn một qua từng dòng ký ức. Vào năm 1942, cậu trai Trương Khương Trinh (tên khai sinh của Kiên Giang - Hà Huy Hà) đang học tại Trường Lê Bá Cang Sài Gòn, nhưng vì nhà quá nghèo nên phải chuyển về Cần Thơ cho gần quê Kiên Giang để tiện việc tiếp tế từ gia đình. Tại Cần Thơ, cậu Trinh học Trường tư thục Nam Hưng lớp đệ nhị và tại đây đã gặp bà Nguyễn Thúy Nhiều. Bà Thúy Nhiều học cùng lớp, giỏi Toán còn ông giỏi môn Văn nên hai người thường xuyên “cọp dê” bài cho nhau. Cậu Trương Khương Trinh kiếm thêm tiền trang trải việc học bằng cách làm bài luận thuê cho mấy cậu ấm con nhà giàu với giá khoảng 2 cắc một bài. Nhưng với bà Nhiều, cậu chẳng những không dám nói đến chuyện tiền công mà còn hân hạnh làm giúp những bài luận quá khó.

 

Thời gian sau, nhà trường tổ chức làm báo lấy tên là Ngày xanh. Nhờ giỏi Văn, cậu trò Trinh được giao tổ chức bài vở. Lúc đó, gần như các tờ báo trường đều được “in” bằng viết tay. Bà Nhiều viết chữ rất đẹp, trở thành người luôn sát cánh cùng cậu Trinh trong những buổi họp nhóm làm báo. Đã mến nhau từ thuở ban đầu lại gần gũi trong những ngày mạch máu thanh xuân dào dạt, thế là ánh mắt, cử chỉ, lời nói… càng thêm trao gởi tâm tình. Thế nhưng, tình yêu ấy mãi mãi song song không bao giờ gặp dù trong một cái nắm tay. Cậu học trò Trinh chỉ lẽo đẽo theo sau những hôm nàng diện áo tím, cài hoa trắng đi lễ nhà thờ. Nhà bà Nhiều ở xóm nhà thờ Cần Thơ, gia đình mộ đạo. Cứ như thế, hai con người một mối tình lặng thầm bên nhau cho đến  Cách mạng tháng Tám năm 1945. Cậu trò Trinh về quê tham gia kháng Pháp còn bà Nhiều vẫn lặng lẽ chờ…

 

HƠN 10 NĂM GẶP LẠI

 

Tham gia kháng Pháp, chàng trai Trương Khương Trinh lấy hiệu là Huy Hà, làm báo Tiếng Súng Kháng Địch và ký tên Kiên Giang dưới những bài thơ. Kiên Giang đã gặp nhà thơ Nguyễn Bính trong chiến khu và hai người kết nghĩa anh em. Sau này, nhiều người cho rằng thơ Kiên Giang chịu ảnh hưởng nhiều bởi Nguyễn Bính, song một người vẫn giọng miền Bắc và người kia thì “rặt ròng” Nam Bộ. Có nhiều câu thơ của Kiên Giang lâu nay vẫn bị “hiểu lầm” là ca dao như: Ong bầu vờn đọt mù u/ Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn.

 

Trong chiến khu, Kiên Giang có gặp một người bà con của bà Nhiều đang hoạt động quân nhạc. Người này nhắn tin: “Cô tám Nhiều vẫn nhắc đến cậu hoài”. Lời nói của người kia làm sống lại nhiều hy vọng nhưng đau buồn thay, gia đình Kiên Giang bắt ông phải lấy vợ. Mãi đến năm 1956, Kiên Giang về Sài Gòn làm báo, soạn cải lương với bút danh Hà Huy Hà. Bút danh này khiến bọn mật thám nghi ngờ ông có “dây mơ” với các ông Hà Huy Tập, Hà Huy Giáp… nên chúng thường xuyên “thăm hỏi”. Trong năm diễn ra phong trào “Ký giả đi ăn mày”, Hà Huy Hà đã dẫn đầu một đoàn ký giả xuống đường và ông đã bị bắt nhốt ở bót Catinat (nay là Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch TP HCM trên đường Đồng Khởi, Q.1). Làm báo công khai ở Sài Gòn nhưng Kiên Giang vẫn thường xuyên vô khám vì có tiền sử “ở trỏng” (trong chiến khu) và vì hay viết bài chống chính quyền.

 

Khi vừa về Sài Gòn làm báo, Kiên Giang - Hà Huy Hà đã xuống Cần Thơ tìm gặp người yêu. Hai người đã chong đèn nói chuyện đến 4 giờ sáng mới chia tay. Hai tháng sau, ông nhận được thư bà Nhiều báo sẽ lấy chồng vì Kiên Giang đã có vợ. Người chồng của bà Nhiều cũng tên Trinh và khi sinh đứa con đầu lòng bà đặt tên Triều (gồm một nửa Nhiều và Trinh cộng lại). Năm 1957, Kiên Giang làm Giám đốc kỹ thuật gánh hát Bích Sơn - Ngọc An đi lưu diễn khắp lục tỉnh. Trong một lần diễn ở Sóc Trăng, ông biết bà Nhiều đang ở đây cùng chồng nên dành 2 vé đến mời xem hát. Đêm diễn hai ghế mời bỏ trống khiến ông buồn vô hạn và những câu thơ đầu tiên trong Hoa trắng thôi cài lên áo tím ra đời: “Lâu quá không về thăm xóm đạo/ Từ ngày binh lửa xóa không gian/ Khói bom che lấp chân trời cũ/ Che cả người thương, nóc giáo đường…”. Bài thơ này hoàn thành năm 1958 và sau này chính Kiên Giang đã sửa lại đoạn kết. Thay vì nhân vật nữ chết thì ông lại cho người nam qua đời để giữ trọn mối tình trong sáng. Hoa trắng thôi cài lên áo tím đã nằm trong sổ tay thơ của rất nhiều lứa tuổi đang yêu từ đó đến nay.

 

TÌNH YÊU DẮT ĐỜI QUA LẬN ĐẬN

 

Sau năm 1975, năm nào Kiên Giang cũng về xóm nhà thờ Cần Thơ thăm người yêu cũ. Con cháu bà Nhiều biết mối quan hệ giữa hai người và nhất là biết ông tác giả của bài thơ trứ danh thì càng quí mến nên ai cũng gọi ông bằng cậu (anh trai của mẹ mình). Nhà thơ Kiên Giang một đời lận đận, lúc nào cũng sống lang bạt kỳ hồ và túng thiếu. Năm 1999, ông cùng hãng phim TFS về Cần Thơ quay bộ phim Chiếc giỏ đời người mới hay tin người yêu vừa qua đời cuối năm trước. Nếu không vì sống cảnh rày đây mai đó thì có lẽ tin người yêu mất đã đến với ông không muộn mằn. Hiện mộ bà Nhiều nằm ở nghĩa trang Rau Răm gần cầu Cái Răng - Cần Thơ. Năm nào nhà thơ Kiên Giang cũng mang hoa trắng lặn lội viếng mộ bà Nhiều vào ngày giỗ hay tảo mộ.

 

Nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà không chỉ là tác giả của một bài thơ. Nhà văn Sơn Nam nhận định Kiên Giang là người có công đem thơ vào sân khấu. Ở lĩnh vực tuồng, Kiên Giang - Hà Huy Hà gắn danh soạn giả vào nhiều vở tuồng trứ danh còn ở lại trong lòng người yêu cải lương như: Áo cưới trước cổng chùa, Người đẹp bán tơ, Ngưu Lang - Chức nữ, Sơn nữ Phà ca… Nhưng đến tuổi 81, ông vẫn cứ là một thi sĩ “gạo chợ nước sông” ở đậu khắp chốn bạn bè.

 

Kiên Giang đang hiệu đính tập thơ Lối mòn xe trâu và hoàn thành một hồi ký, theo cách gọi của ông để tạ ơn đời nếu là lần sau chót! Có thể nói, tình yêu dành cho nguyên mẫu trong Hoa trắng thôi cài lên áo tím đã dắt đời ông qua lận đận.

 

TRẦN HOÀNG NHÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sức hút phim cổ trang
Thứ Bảy, 26/04/2008 13:30 CH
Madonna - Nữ hoàng không tuổi
Thứ Bảy, 26/04/2008 07:30 SA
Những chàng trai xấu tính
Thứ Bảy, 26/04/2008 07:30 SA
Phim mới: Vó ngựa trời Nam
Thứ Sáu, 25/04/2008 07:52 SA
Nhiều album, ít ca khúc hay
Thứ Năm, 24/04/2008 13:52 CH
Căng thẳng, hồi hộp tới phút cuối
Thứ Năm, 24/04/2008 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek