Thứ Ba, 01/10/2024 06:44 SA
Sức hút phim cổ trang
Thứ Bảy, 26/04/2008 13:30 CH

Các bộ phim cổ trang đang có một sức hút kỳ lại với khán giả các lứa tuổi. Bao giờ Việt Nam có những bộ phim lịch sử nói riêng, cổ trang nói chung như các nước?

 

080426-vo-lam-truyen-ky.jpg

Một cảnh trong phim Võ Lâm truyền kỳ - Ảnh: LÊ THIẾU NHƠN Kỹ thuật photoshop: NGỌC THẮNG

 

Sau cơn sốt của các bộ phim cổ trang đình đám đến từ xứ Hàn như Nàng Dae Jang Geum, Thần y Huh Joon, Hoàng đế Joo Mong, Hải Thần…, sau những râm ran về phim Lý Công Uẩn với chi phí có thể lên đến 200 tỉ đồng, người yêu điện ảnh Việt Nam tiếp tục băn khoăn: Bao giờ chúng ta mới có những bộ phim lịch sử nói riêng, cổ trang nói chung “bằng chị bằng em”?

 

PHIM CỔ TRANG TRUNG QUỐC: CÓ CÒN SỨC HÚT?

 

Khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, khi tối tối nhiều người còn rủ nhau đi coi TV “ké” thì nhà nào có đầu video thường thu hút “khán giả” lớp trong lớp ngoài. Người ta mất ăn mất ngủ vì Võ lâm ngũ bá, Cô gái Đồ Long, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Thập ác giang hồ… Và khi thời hoàng kim của phim võ hiệp Hồng Kông, Đài Loan đi qua, người ta say mê những bộ phim lịch sử của Trung Quốc, trong đó có một số phim được làm rất công phu, nói về các vị vua từ Tần Thủy Hoàng cho đến Lý Thế Dân, Võ Tắc Thiên, Khang Hy, Ung Chính và nhiều nhất là Càn Long… Có đến hàng tá phim về hai ông vua Khang Hy và Càn Long. Bên cạnh bộ phim gây sốt Hoàn Châu cách cách thì không ít phim quanh đi quẩn lại với chuyện hai ông vua này vi hành, bị mưu sát, yêu đương, sau đó tìm lại đứa con lưu lạc trong “nhân gian” v.v… Nhiều phim nội dung nhạt và diễn xuất cũng nhạt, chỉ là sự kết hợp của các pha đánh đấm với các tình huống chọc cười khán giả…  

 

Ngoại trừ các bộ phim được dựng lại từ loạt tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng của nhà văn Kim Dung mà gần đây, đáng chú ý nhất là Thiên Long bát bộ với những “kỳ tình bi kịch” và cảnh quay đẹp, thì phim cổ trang Trung Quốc dường như đang trở nên dễ dãi, từ kịch bản cho tới cảnh quay. Diễn viên chính phụ thi nhau nói liên tu bất tận, ồn ào khóc cười, la hét… Ngay cả một số phim điện ảnh được quảng bá rầm rộ như Vô cực hay Hoàng Kim Giáp với kỹ xảo và đại cảnh hoành tráng cũng không làm cho những khán giả khó tính hài lòng.

 

080426-lvt.jpg

Một cảnh trong phim Lục Vân Tiên.

 

NHỮNG CƠN SỐT ĐẾN TỪ XỨ CAO LY

 

Tuy “sinh sau đẻ muộn” song phim cổ trang Hàn Quốc đã để lại cho người xem rất nhiều ấn tượng. Những cơn sốt mang tên Nàng Dae Jang Geum, Thần y Huh Joon, Hoàng đế Joo Mong, Hải Thần… đã cho thấy trình độ làm phim của các đạo diễn và khả năng diễn xuất của diễn viên xứ Cao Ly.

 

Một số người cho rằng phim cổ trang Hàn Quốc thành công là bởi được đầu tư với chi phí cao ngất ngưởng cộng với những chiến dịch quảng bá rầm rộ. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Phim cổ trang xứ Hàn được làm khá kỹ lưỡng. Trong khi đạo diễn của Trung Quốc hay Hồng Kông có thể dùng… giấy bồi để dựng cảnh và dùng vải thô để may trang phục thì các đạo diễn Hàn Quốc yêu cầu “tất cả đều được thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ sao cho mọi thứ lên phim đều như thật”. Và để có những cảnh quay tuyệt đẹp, trong một bộ phim, đạo diễn huy động đến 8 cái máy quay hoạt động cùng lúc ở nhiều góc độ khác nhau!

 

Có thể phim cổ trang Hàn Quốc chưa có những đại cảnh hoành tráng như một số phim Trung Quốc. Song bù lại, họ rất thành công với những cận cảnh đặc tả nhân vật trước những bi kịch. Điểm nổi bật của phim cổ trang xứ Hàn là lời thoại rất đời thường, giản dị nhưng xúc động; diễn viên không chỉ đẹp mà còn diễn xuất tinh tế bằng ánh mặt, bằng những biểu hiện rất nhỏ trên gương mặt, trong cử chỉ chứ không ồn ào. Có những đoạn phim ít lời thoại song mang đến cho người xem nhiều cảm xúc.        

 

PHIM CỔ TRANG VIỆT NAM: BIẾT ĐẾN BAO GIỜ...

 

Việt Nam từng có một số phim cổ trang thu hút khán giả. Còn nhớ vào cuối thập niên 80 đầu thập niên 90, những ngườiyêu màn bạc đã háo hức xếp hàng mua vé để xem Đêm hội Long Trì, Lửa cháy thành Đại La, Thăng Long đệ nhất kiếm, Tây Sơn hiệp khách… Ngoại trừ bộ phim lịch sử Đêm hội Long Trì, các phim còn lại cũng đánh đấm tưng bừng.

 

Khá lâu sau thời kỳ hưng thịnh đó, khán giả mới gặp lại phim cổ trang Việt Nam qua hai bộ phim truyền hình của TFS là Lục Vân Tiên và Ngọn nến hoàng cung. Rõ ràng là phim cổ trang của Việt Nam chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, bởi muốn làm loại phim này thì phải “giải” được hai “câu hỏi lớn”: kịch bản và kinh phí (dựng cảnh, may trang phục cho diễn viên…). Và cũng không phải cứ cho diễn viên mặc trang phục “cổ’, diễn xuất bên những cảnh “cổ” là coi như hoàn thành một tác phẩm cổ trang, đặc biệt là khi bộ phim đó nói về những nhân vật, những sự kiện có thật trong lịch sử. Phim Lục Vân Tiên là một ví dụ.

 

Vì vậy, khán giả vẫn mong chờ những bộ phim cổ trang cho ra tấm ra miếng mang “nhãn hiệu” Việt Nam. Có điều không biết họ sẽ phải chờ đến  bao giờ?

 

LÂM VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Madonna - Nữ hoàng không tuổi
Thứ Bảy, 26/04/2008 07:30 SA
Những chàng trai xấu tính
Thứ Bảy, 26/04/2008 07:30 SA
Phim mới: Vó ngựa trời Nam
Thứ Sáu, 25/04/2008 07:52 SA
Nhiều album, ít ca khúc hay
Thứ Năm, 24/04/2008 13:52 CH
Căng thẳng, hồi hộp tới phút cuối
Thứ Năm, 24/04/2008 08:00 SA
Phu chữ ngó lời phương nao?
Thứ Tư, 23/04/2008 07:49 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek