Thứ Ba, 21/01/2025 15:23 CH
Ngắm đá, cát…dâng niềm thương Tổ quốc
Thứ Ba, 28/01/2020 07:00 SA

Một góc bộ sưu tập Tổ quốc trong tim - Ảnh: CTV

Cứ 5 giờ sáng mỗi ngày, trong căn nhà nhỏ ở 115/2A đường Cống Lở (phường 15, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), ông Ðoàn Ngọc Thành (65 tuổi, quê xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) thức dậy lau bụi rồi đốt trầm xông hương cho hai tủ mẫu vật Tổ quốc trong tim (TQTT) và Tưởng nhớ anh hùng (TNAH). Nằm trang trọng trong tủ kính giữa nhà, hai bộ sưu tập độc đáo này thu hút sự quan tâm và ngưỡng vọng của nhiều người khách ghé thăm…

 

THẠCH ÐỊA NON SÔNG VỀ DƯỚI MỘT NHÀ

 

Nói độc đáo bởi vì TQTT là tập hợp những mẫu vật đá, đất, vỏ ốc, san hô… được lấy trực tiếp tại các địa chỉ mang tính lịch sử, địa lý đặc biệt của Tổ quốc. Ðó là hòn đá 15kg lấy tại đỉnh núi Rồng ngay chân cột cờ quốc gia Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Ðồng Văn, tỉnh Hà Giang), tiêu biểu cho đỉnh đầu đất nước linh thiêng. Ðó là khối phù sa lắng bùn lấy tại điểm cuối cùng phía nam của bản đồ Việt Nam ở xã Ðất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).

 

Nếu hòn đá lấy tại tháp Dura đánh dấu độ cao 3.143m trên đỉnh Fansipan (tỉnh Lào Cai) là đỉnh núi cao nhất nước và là nóc nhà Ðông Dương thì vỏ ốc Anh Vũ về từ mỏ Cá Rồng Ðỏ thuộc khu vực Bãi Tư Chính ở độ sâu 800m thuộc đáy địa bồn Côn Sơn trên thềm lục địa phía Nam là nơi có đáy biển sâu nhất nước ta.

 

Ông Thành cho biết, đến nay, các mốc lịch sử, địa lý đáng nhớ trong cả nước đều đã có mẫu vật đầy đủ trong bộ TQTT như hòn đất và cục đá ở A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên) - điểm cực tây đất nước và cũng là ngã ba biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào. Trong khi đó, khối đất sỏi mang về từ Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) thuộc điểm cực tây đất nước và là ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.

 

 

Cô giáo Lê Thị Vuôn giới thiệu các mẫu vật lấy từ đền Bà Triệu và Lý Thường Kiệt - Ảnh: CTV

  

Trong bộ sưu tập này, có lọ đựng cát bãi biển Trà Cổ (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), nơi khởi đầu bờ biển Việt Nam; cát bãi biển Mũi Nai (TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), nơi kết thúc bờ biển Việt Nam, nhánh san hô trên đảo Thổ Chu là hòn đảo cực nam Tổ quốc. Ðó là cục đá bọt núi lửa trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mẫu đá lấy tại chân ải Nam Quan; mẫu đá và cục đất trên đỉnh ải Chi Lăng, mẫu đất tại núi Mã Yên (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) nơi Liễu Thăng năm xưa bị chém đầu.

 

Ðó là hòn đá trên đỉnh Gò Ðống Ða (TP Hà Nội); mảnh đá vỡ của di chỉ thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa); đất bờ bắc, đá bờ nam cầu Hiền Lương (sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị) là con sông chia đôi đất nước 21 năm. Ðó là đá tai mèo trên cao nguyên Ðồng Văn (tỉnh Hà Giang), đá bên bờ thác Bản Giốc (tỉnh Cao Bằng); đá trên đồi A1 (tỉnh Ðiện Biên); đá trong nhà tù Côn Ðảo; đá chân Cầu tàu 914 Côn Ðảo (để xây dựng cầu tàu này, có 914 người yêu nước đã chết vì lao động kiệt sức) của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; gói đất đền Hùng (tỉnh Phú Thọ); lọ nước biển và bùn cát lấy từ đáy địa bồn Cửu Long ở độ sâu 70m thuộc khu vực biển tỉnh Bình Thuận… 

 

Ông Ðoàn Ngọc Thành (trái) và người thân đang lấy mẫu vật tại Ải Chi Lăng - Ảnh: CTV

  

Là người con đất Phú trời Yên, vì thế, bộ sưu tập TQTT không thể thiếu hòn đá của Mũi Ðiện - điểm cực đông trên đất liền của Việt Nam (theo xác định của Tổng cục Ðịa chính); hòn đá trên đỉnh Ðá Bia (huyện Ðông Hòa) và hòn đá Gành Ðá Ðĩa (huyện Tuy An). Bên cạnh đó là cục nham thạch lấy tại bờ đông đảo Nhất Tự Sơn (xã Xuân Thọ, TX Sông Cầu); nắm cát quê nhà nơi ông Thành sinh ra (thôn Chánh Lộc, xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu).

 

Theo ông Thành, trân quý nhất trong bộ sưu tập TQTT là cát lấy từ huyện đảo Hoàng Sa (TP Ðà Nẵng); cát, vỏ sò, san hô lấy từ huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và chiếc vỏ ốc Anh Vũ lấy từ mỏ Cá Rồng Ðỏ, bãi Tư Chính.

 

NHỮNG TẤM LÒNG HÀO SẢNG

 

2/3 số mẫu vật của hai bộ sưu tập là do ông Thành trực tiếp tìm mang về qua các chuyến du lịch, du khảo trong nước. 1/3 còn lại là nhờ bạn bè gần xa tiếp tay giúp đỡ. Trong đó có những người không quen biết và có người đến nay đã tặng quà nhưng vẫn chưa gặp mặt. Ông Thành kể: Biết việc tôi làm, gia đình và nhiều thân hữu gần xa đều nhiệt tình ủng hộ. Như cô Lê Thị Vuôn, giáo viên Anh văn quê tỉnh Thanh Hóa từng đi làm chuyên gia giáo dục tại Angola, đã đến đền Bà Triệu ở huyện Hậu Lộc, đền Lý Thường Kiệt ở huyện Hà Trung (Thanh Hóa) khấn lạy tiền nhân xin mẫu vật, rồi bay vào TP Hồ Chí Minh để trao trực tiếp cho tôi. 

 

Ông Ðoàn Ngọc Thành (giữa) đang giới thiệu 2 bộ sưu tập cho khách thăm - Ảnh: CTV

  

Như cô Thảo Dân, giáo viên Lịch sử quê TP Hải Phòng, đã ra tỉnh Hải Dương, đến Ức Trai Sinh Từ (nơi thờ danh nhân NguyễnTrãi) lấy một hòn đá nặng 5 ký gửi vào. Cháu Hùng Tuấn, quê tỉnh Vĩnh Phúc, là “phượt thủ” lên tận A Pa Chải mang về hòn đá, cục đất chuyển tặng qua đường bưu điện. Trong chuyến công tác huyện đảo Trường Sa đầu năm 2019, nhà báo Dương Thanh Xuân (Báo Phú Yên) mang về tặng tôi nắm cát và vỏ sò, san hô lấy từ đảo Sinh Tồn…

 

Chỉ vào gói cát Hoàng Sa, ông Thành rưng rưng: Trên đường đi đánh cá ngoài ngư trường Hoàng Sa, một ngư dân ở xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là anh Nguyễn Văn Châu (53 tuổi) cho thuyền ghé vào một hòn đảo thuộc huyện Hoàng Sa của nước ta (đã bị Trung Quốc đánh chiếm trái phép từ năm 1974) để lấy cát và nhổ hai cây bàng vuông thì bị lính Trung Quốc bắt. Chúng giữ thuyền và trói, tra vấn anh ấy hơn một buổi rồi thả đi chứ không đánh đập cũng không bắt chuộc thuyền như nhiều ngư dân Việt Nam khác. Hôm ra Lý Sơn, gặp tôi Châu nói: Biết anh xin nắm cát Hoàng Sa về để thờ nên bằng mọi cách em phải vào bờ lấy. Còn không thì em lặn xuống đáy móc cát cho anh cũng được!

 

Chiếc vỏ ốc Anh Vũ lại là câu chuyện ân tình khác. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, ốc Anh Vũ (tên khoa học: Nautilus pompilius) là loài động vật thân mềm rất cổ xưa, đến nay đã trải qua cuộc đời dâu bể 350 triệu năm. Hiện mỗi chiếc vỏ ốc Anh Vũ vào tay dân mỹ nghệ có giá hàng ngàn USD. Thế nhưng TS Dương Trường Giang, một chuyên gia môi trường công tác trong ngành Dầu khí, thành viên đoàn tìm ra mỏ Cá Rồng Ðỏ, đã mang chiếc vỏ ốc đến nhà tặng ông Thành và nói: Ðây là vật kỷ niệm đánh dấu cuộc đời ngang dọc của con trên biển. Nhưng con nghĩ chỗ xứng đáng nhất để nó có mặt là nơi trưng bày bộ sưu tập TQTT của chú”. 

 

Kiến trúc sư Lê Trọng Cường bên bộ sưu tập “Tổ quốc trong tim” - Ảnh: CTV

  

Ngày hoàn thành hai bộ sưu tập, ông Thành cùng gia đình, bạn hữu bày hương hoa và mâm cơm chay cúng tổ tiên, trời đất, cảm nhận anh linh các anh hùng hào kiệt như đang về gần gụi quanh đây. Nhiều vị khách là trí thức, giảng viên, giáo viên các cấp, kỹ sư, nhà văn, nhà báo, bác sĩ, họa sĩ, doanh nhân, bộ đội, học sinh, sinh viên, nông dân, người lao động… ở các địa phương trong nước đã đến nhà ông Thành chiêm ngưỡng hai bộ sưu tập.

 

 

Trong đó, đồng hương Phú Yên có PGS - TS Nguyễn Huy Vị (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh); ThS Trần Ðình Huyên (Trưởng Ban Quản lý đào tạo Trường đại học Ngoại thương TP Hồ Chí Minh); nhà báo, võ sư thất đẳng huyền đai karate Nguyễn Ngọc Thạo; nhà báo Trần Thanh Hưng (Giám đốc Sở TT-TT Phú Yên), nhà báo Ðắc Hoa (Ðài PT-TH Phú Yên)… Họ trò chuyện với chủ nhân, tìm hiểu, trân ngắm hai bộ sưu tập “không đụng hàng” với tấm lòng thành kính tri ân tiền nhân đã tạo dựng, trao truyền cho con cháu non sông đất nước tươi đẹp hôm nay. Những lúc đó, ông Thành cảm thấy mình thật hạnh phúc.

 

Ði đâu, ở đâu tôi cũng mang theo nắm cát Xuân Lộc, lấy dưới chân mộ ông nội bỏ vào lư hương với ý nghĩ quê hương lúc nào cũng bên mình. Sau khi nghỉ công tác, xuống Cà Mau, ra Ðất Mũi, tôi vốc nắm phù sa lắng thành bùn mang về phơi khô. Sau đó, nắn thành hình cái bánh dầy rồi điểm ngón cái vào với ý nghĩ xác định chủ quyền đất nước trước những âm mưu xâm chiếm biển đảo của Trung Quốc. Năm sau ra Tây Bắc, lên Lũng Cú, lên Fansipan, tôi tiếp tục lấy mẫu và nảy sinh ý tưởng lập bộ TQTT. Sau khi hoàn thành cơ bản bộ TQTT, tôi nghĩ “Ðể xây dựng và giữ được đất nước cho đến bây giờ là nhờ có những anh hùng dân tộc”.

 

Vì thế, bắt tay làm thêm bộ TNAH. Bộ TNAH gồm những mẫu vật xin về từ lăng, mộ, đền thờ, nhà cũ, quê hương của các vị vua, các anh hùng như Kinh Dương Vương, Hùng Vương, Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Ðế (Lý Bôn), Bố Cái Ðại Vương Phùng Hưng, Mai Thúc Loan, Ngô Quyền, Ðinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Thám hoa Giang Văn Minh, Nguyễn Huệ, Hoàng Hoa Thám, Trương Ðịnh, Nguyễn Trung Trực, các nghĩa sĩ Hoàng Sa... Qua hai bộ sưu tập, tôi muốn con cháu trong nhà hiểu thêm về lịch sử và địa lý đất nước, muốn nhắc nhớ, giáo dục lòng yêu nước thương nòi cho tụi nhỏ”.

 

Ông ÐOÀN NGỌC THÀNH

 

HOÀNG CHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nồng nã bánh chưng ngày Tết
Thứ Năm, 23/01/2020 14:09 CH
Có một phiên chợ tết
Thứ Năm, 23/01/2020 14:04 CH
Mứt xồn xên của má
Thứ Năm, 23/01/2020 13:59 CH
Đi chơi tết
Thứ Năm, 23/01/2020 09:00 SA
Có một phiên chợ tết
Thứ Năm, 23/01/2020 08:00 SA
Rim gừng thơm vị quê hương
Thứ Tư, 22/01/2020 23:38 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek