“Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ tết;
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon…”.
(Đoàn Văn Cừ)
Với đám trẻ ở quê xưa, chợ là khái niệm gì xa xôi, là nơi chỉ dành riêng cho mẹ hay cho bà. Là nơi mẹ đi bán mấy thứ rau quả lặt vặt trong vườn, mua về mấy thứ thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt nhất là khi mẹ về thể nào cũng có chút quà chợ. Ngóng mẹ về chợ luôn là niềm hạnh phúc trẻ thơ.
MINH HỌA: TRẦN QUYẾT THẮNG |
Chỉ cần thoáng thấy bóng quen quen từ rất xa, đám trẻ đã bổ ra đầu ngõ hân hoan: Mẹ về, mẹ về… Có thể trong rổ của mẹ là mấy tấm mía ngọt lịm, là mấy chiếc kẹo bột bé tí ti, hoặc chiếc bánh tráng mỏng manh... Khen cho ông nhạc sĩ nào viết ra câu hát lay động trái tim bao thế hệ: “Sông có nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ, vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng”. Quà quê chỉ vậy mà vĩnh viễn trở thành chiếc mỏ neo giữ hồn ta với quê hương, mặc cho tháng năm theo bước chân phiêu bạt.
Phiên chợ Tết lại là điều khác hẳn. Bởi mẹ để dành bao nhiêu thứ cả năm không dám đụng đến, chờ đến chợ Tết mới mang đi bán để mua sắm đồ Tết cho cả nhà. Phiên chợ ấy, khi mẹ về là mang theo cả một thế giới sắc màu, mùi vị mà ngày thường không bao giờ có. Và thể nào cu con cũng có tấm vải để đi may bộ quần áo mới. Bộ quần áo ao ước ấy cứ chập chờn hiện lên trong mơ từ mấy tháng trước. Còn bao nhiêu điều mà một cái Tết nghèo ở quê cũng cần có. Vậy nên lũ trẻ ngày nào cũng tính xem khi nào đến ngày mẹ đi chợ Tết.
Thế mà phiên chợ Tết năm ấy, cu con xém nữa bị ăn đòn. Ngày ấy mẹ dậy thật sớm, gọi cu con dậy theo. Mẹ sắp xếp một gánh nặng, nhưng còn chiếc lồng có 2 con gà không thể nhét vào đâu. Mẹ đánh thức cu con, nói xách theo giúp mẹ. Cu con giãy như đỉa phải vôi, dứt khoát không chịu vì sợ đám bạn, nhất là các bạn nữ nhìn thấy sẽ trêu chọc. Chợ mà, có dù là chợ Tết thì cũng chỉ dành cho đàn bà con gái, chứ đàn ông sao đi chợ được? Mẹ hết dỗ ngọt rồi nói nặng, cu con vẫn nguây nguẩy lắc đầu. Mẹ sợ lỡ buổi chợ, bực mình rút phắt cây đòn gánh ra làm cu con sợ chết khiếp, đành phụng phịu xách lồng gà đi theo mẹ.
Suốt chặng đường tới chợ, cu con hai tai đỏ nhừ vì xấu hổ, mặt cúi gằm bám theo chân mẹ, chỉ sợ đám bạn trông thấy lêu lêu… Gần đến chợ mới dám nhìn lên một chút. Hình ảnh đập vào mắt là lưng áo mẹ đẫm mồ hôi cho dù trời se lạnh. Đến khi mẹ hạ gánh xuống ở một góc chợ, lấy nón quạt cho bớt mệt, cu con được giải phóng khỏi lồng gà mới dám thở phào nhẹ nhõm, mới dám nhìn xung quanh. Nghe mẹ nói cho đi chơi chờ mẹ bán hàng, nhớ đừng để lạc lối, cu con phóng đi khắp chợ…
Chợ Tết quê nghèo nhưng cũng đủ để cu con lần đầu tiên được trầm trồ, choáng ngợp. Này đây là hàng vải nhé, thể nào lát nữa mẹ cũng mua cho tấm vải về may áo mới. Hàng tranh dân gian này, đỏ rực cả góc chợ, thể nào mẹ cũng mua về đôi câu đối và thêm mấy tấm tranh như cá chép trông trăng hay tranh gà, tranh lợn… phẩm màu rực rỡ. Mẹ bảo để đầu năm mới treo cho nhà ấm cúng. Cu con mê mẩn đứng trước hàng pháo tép, pháo chuột, thèm thuồng nhìn những người mua từng phong, từng phong pháo hồng rực rỡ mà nghe thấy trong lòng mùi khói pháo thơm… Cu con biết riêng món này mẹ không bao giờ mua, bởi mẹ nói nhà nghèo, tiết kiệm khoản nào hay khoản ấy, đốt pháo là đốt tiền nên nghe pháo hàng xóm được rồi.
Sao mà ai cũng bận rộn, mua mua bán bán… Hình như trong đầu ai cũng đang nhẩm tính sẽ mua những gì cho Tết nhà mình. Rồi mẹ cũng mua bán xong. Trong đôi gánh của mẹ có nếp, có đậu xanh, có bó miến, có chai rượu cam… còn bao nhiêu thứ khác nữa mà mắt cu con sau khi nhìn thấy xấp vải may áo mới là quên tiệt!
Trên đường về cu con nhảy chân sáo, không còn phụng phịu như khi đi. Mẹ mua quà cho cu con hẳn một phong bánh in bọc giấy hồng điều, trong có 4 chiếc thơm phức. Cu con nhẩm tính sẽ dành cho chị một chiếc, còn chiều đem chia cho lũ bạn chăn bò, để ngồi bên nhau khoe Tết nhà tao sắm gì, sắm gì… Bao nhiêu năm đã qua, nhưng mùi mật ngọt thơm vị gừng của phong bánh in ấy cứ mãi còn trong ký ức. Cũng như bao nhiêu năm trời, hoài niệm về một phiên chợ Tết thuở ấu thơ cứ rực rỡ sắc màu trong tâm hồn không còn trẻ nữa…
Sau này đi học, khi học đến bài thơ Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ, thấy được sống lại với không khí chợ Tết nghèo của quê, cái phiên chợ Tết đầu đời chẳng thể nào quên. Cứ thầm mong được trở lại ngày ấy, để hồn nhiên như trong thơ: “Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon…” cho dù bọn con gái lêu lêu có nhìn thấy lồng gà trên tay. Để rồi trên suốt nẻo đường đời, mỗi khi nhớ về chợ Tết là nhớ y nguyên tấm lưng áo mẹ loang mồ hôi sớm mai. Để mỗi khi trời đất sắp vào xuân, tâm hồn ta được một nẻo để trở về…
THỦY NGÂN