Bao giờ xong rằm tháng 10, tôi cũng có cảm giác Tết sắp đến thật gần. Ngỡ như có thể hít hà được mùi lá chuối, lá dong nồng nã bốc lên từ nồi bánh chưng sôi sùng sục. Dưới nồi bánh chưng to, lửa than đỏ rực quấn quýt, reo vui trong cái lạnh ngọt ngào của ngày áp Tết. Bếp củi - một thứ vô cùng gần gũi, thân quen với chúng tôi nhưng lại rất xa lạ với những đứa trẻ thành phố. Nhiều khi nhìn vào đó, tôi như đang nhìn vào chính mình, tìm lại mình mà những năm tháng nhọc nhằn mưu sinh tôi vô tình bỏ quên rất nhiều thân thuộc. Bếp lửa, là thứ mà con tôi ngỡ ngàng thốt lên: Mẹ ơi! Lửa bếp củi cháy đẹp và ấm hơn bếp gas mẹ ạ. Chợt nhiên, lúc ấy tôi nghe mắt mình cay. Nhờ Tết, các con mình mới biết thế nào là “bếp lửa ấp iu nồng đượm”.
MINH HỌA: TRẦN QUYẾT THẮNG |
Tết. Thể nào mẹ cũng nấu một nồi thịt đông to được hầm từ bì lợn, thịt đầu và chân giò lợn. Mẹ còn bỏ cả mộc nhĩ thái sợi to vào trộn lẫn. Trong cái giá lạnh của những ngày đầu năm, món thịt đông trong trong ẩn hiện những sợi mộc nhĩ nâu đen, màu đỏ hồng từ thịt, màu trắng từ những lát sụn tai lợn. Tất cả làm nên một món ngon và bắt mắt. Tết. Còn là món dưa hành được mẹ muối theo kiểu miền Bắc, vừa trắng vừa giòn.
Khi ăn mới trộn thêm đường, nước mắm, tỏi, ớt. Nó trở thành một món ăn kèm chua chua ngọt ngọt, cay cay, giòn tan. Họ hàng đến chơi, năm nào cũng hỏi bí quyết muối hành của mẹ nhưng đều không thành công. Vì vậy, vô tình giữa đất miền Trung mặn mòi, món dưa hành muối theo kiểu Bắc của mẹ giữ một vị trí tuy khiêm nhường mà khó lẫn. Tết. Là sau khi kính cẩn đặt lên bàn thờ những chiếc bánh chưng đẹp và ngon nhất, chúng tôi được bóc chiếc bánh tét đầu tiên, mềm, dẻo và nóng hôi hổi.
Xong rằm tháng 10, nhà ai có vườn rất nhiều việc để làm. Đầu tiên là vặt lá mai; nhà tôi có gần chục gốc mai từ tiểu, trung đến đại. Năm nào cũng thế, bọn trẻ mới đầu rất hăm hở vặt vặt, tuốt tuốt nhưng chỉ được một chốc đứa nào đứa nấy mặt dài thượt ra rồi kiếm cớ bỏ đi chơi. Cuối cùng chỉ còn lại người già tỉ mẩn, nâng niu gỡ từng chiếc lá.
Tôi bắt đầu lùng sục các giống hoa cho một mùa hoa Tết. Đầu tiên là bổ sung vài chậu hồng cho đủ màu sắc, kế đến là sưu tầm tất cả các màu của giống hoa dạ yến thảo. Ưu tiên nhất là hoa ly. Trước đây, tôi cứ nghĩ hoa ly là một giống đỏng đảnh, kiêu kỳ rất khó trồng. Nhưng chỉ cần thử nghiệm một năm, tôi nhận ra trồng hoa ly còn dễ hơn trồng lay ơn, thược dược. Năm đầu tiên, ly nở bói vào mùng 6 Tết, có hơi trễ tràng nhưng chẳng là gì. Với những người mê hoa, hoa bung lụa khi nào thì đó là Tết. Nhà đã sẵn vô số bonsai lớn nhỏ, nhưng cái “bệnh” mê hoa khiến tôi phải bằng mọi cách có một khoảnh sân ngập tràn sắc hoa mới chịu công nhận đó là Tết.
Hồi nhỏ, ký ức về Tết trong tôi rõ ràng nhất là mẹt lá chuối, xấp lá dong được mẹ mua từ cách đó mấy ngày, bố buộc vào cột nhà cho lá héo, vừa giữ phẳng nếp lá. Là thúng nếp trắng ngần ngà, thơm nức được vớt ra sau một đêm no nước. Là nồi đậu xanh được mẹ đồ thơm phức dậy mùi đậu bở tơi, quyện với mùi tiêu cay nồng. Và thứ làm nên hồn vía của món bánh chưng, không thể thiếu, là những lát thịt ba chỉ tươi rói được mẹ mua từ buổi chợ sớm, cắt thành từng lát dài, dậy các mùi gia vị quyện vào nhau đầy hấp dẫn.
Thường là bố ưu tiên gói mấy cặp bánh chưng trước - đó là món lễ vật đầu tiên sẽ được bố trân trọng đặt lên bàn thờ cùng với chuối, hoa, mứt... trong những ngày đón tổ tiên ông bà về ăn Tết. Gói đủ số bánh chưng cần đặt, bố mới chuyển sang gói bánh tét, quê tôi gọi là bánh đòn. Tôi khi ấy vẫn là một bé con, háo hức cùng bố từ chiếc bánh đầu tiên đến 2 chiếc bánh tét nhỏ xinh cuối cùng bố gói riêng cho 2 đứa út ít là tôi và cậu em nghịch ngợm.
Hồi nhỏ, tôi không hiểu vì sao cứ phải gói làm 2 loại như thế. Tích Lang Liêu thì tôi đã thuộc lòng. Kỳ thực, theo giải thích của bố, bánh đòn dễ sử dụng và dễ bảo quản. Nếu cần ăn một vài lát, ta chỉ cần cắt đủ số cần ăn, phần còn lại vẫn còn nguyên trong lá, bữa sau có thể ăn tiếp. Nhiều kinh nghiệm bếp núc mặc nhiên tôi có được đều nhờ những lần tò mò háo hức như thế.
Có năm nhà tôi không gói bánh. Y như rằng năm ấy nhà tôi giống như không có Tết. Chị em tôi đi chơi về đói bụng giở mâm cơm ra chỉ mấy củ dưa hành thỏm thoi và mấy miếng thịt đông. Không có lát bánh chưng ăn kèm miếng dưa hành chua ngọt giòn tan thật thiếu vắng. Bọn tôi tiu nghỉu đậy mâm lại, mặt buồn thiu. Không đợi chúng tôi kêu than, tự bố sang năm đã giục mẹ mua lá dong khi rằm tháng Chạp vừa qua chưa được mấy ngày.
Sau này, bố mẹ tôi có con dâu, mỗi Tết ông bà có thêm một người con đảm đang khéo léo đỡ đần. Phần việc của bố là gói xong mấy cặp bánh chưng, em dâu gói số bánh đòn còn lại. Những chiếc bánh xinh xắn đều tăm tắp khoác tấm áo lá xanh xanh.
Bố tôi đã xa bằng một chuyến đi dài. Sự hiện diện của ông dường như không hề biến mất khi nhìn đâu chúng tôi cũng gặp kỷ niệm. Tết đến xuân về, dù biết ông đã thuộc về cõi khác, mẹ con chúng tôi vẫn dành những thứ ngon nhất, đẹp nhất, thứ ông thích nhất đặt lên cúng ông. Trong đó, không thể thiếu một cặp bánh chưng và một cây quất mini.
Tôi đi làm ở phố rồi có gia đình riêng. Những người quen ở phố thường chỉ đặt 1 đến 2 cặp bánh chưng để cúng ông bà. Có người luôn mặc định một câu khi Tết đến: đặt cho có không khí chứ xong Tết mình phải mang đi cho, nhà không ai ăn cả. Tôi nghe và lạ lẫm, sau rồi nhận ra, người lạ mới là mình và gia đình mình. Thời nào rồi mà vẫn đắm đuối với gạo nếp, lá dong và củi lửa?
Tôi thích nhất là những ngày cận kề Tết. Nhìn đâu cũng rực rỡ sắc màu của đèn và hoa. Những cây mai trong vườn bắt đầu chúm chím những nụ vàng hươm. Bạn tin không? Mai cũng có hương thơm, nhất là khi cả vườn mai nở rộ. Một mùi hương rất nhẹ nhàng, thanh tao bao phủ cả khoảnh sân trong cái lạnh hanh hao, dịu ngọt. Những chậu hoa của tôi cũng bắt đầu dịu dàng, e ấp những búp, những mầm non tơ.
Những năm này, các con tôi đã lớn, mỗi khi Tết về, chồng tôi gói bánh chưng còn tôi gói bánh đòn. Chồng tôi gói bánh bằng khuôn nên đều tăm tắp. Mỗi lần như vậy, các con tôi rất vui. Chúng bỏ tất cả những trò chơi hấp dẫn quây quần bên bố mẹ và trầm trồ ríu ran sau mỗi chiếc bánh được hình thành. Và khi một bếp lửa “dã chiến” to đùng được nhóm giữa sân, bọn trẻ hò reo đầy phấn khích.
Chúng quây lại hơ đôi tay giá lạnh bên bếp lửa rừng rực, mắt đứa nào cũng long lanh, hai má đỏ au vì hơi lửa. Cho đến khi nồi bánh sôi sùng sục, mùi lá, mùi nếp, mùi của năm cùng tháng tận bốc lên nồng nã. Cả nhà tôi, từ già đến trẻ đều lặng đi mấy giây, đó là lúc chúng tôi đang lạc vào cõi nhớ. Trong mỗi người, chắc chắn ai cũng sẽ có một cõi nhớ mênh mang, lặng thầm.
Năm tháng qua đi, mỗi khi kề cận Tết, các con tôi luôn lặp lại câu hỏi: Mẹ! Năm nay nhà mình gói bánh chưng không? Có chứ! Có bánh chưng mới đúng là Tết con ơi!
NGUYỄN HƯƠNG DUYÊN